Kon Tum: Hơn 160 cây trắc quý hiếm chết khô giữa rừng đặc dụng
Nơm nớp lo sợ kẻ gian trộm 161 cây trắc chết khô
Theo thống kê của Ban quản lý Rừng đặc dụng Đăk Uy, có hơn 160 cây trắc bị chết khô vào năm 2017. Trong đó, có 61 cây trắc chết đứng và 100 gốc trắc đã bị chết từ lâu.
Theo ghi nhận của PV, trong số những cây trắc chết khô có một cây có đường kính khoảng 70cm bị ngã chết từ năm 2017 được xem là giá trị nhất. Cũng bởi vậy, cây trắc luôn nằm trong sự nhòm ngó của “kẻ gian”.
Để bảo vệ cây trắc giá trị này, Ban quản lý Rừng đặc dụng Đăk Uy đã cắt cử 2 người chuyên dựng lán, mắc võng nằm sát bảo vệ cây 24/24. Ngoài ra, xung quanh cây trắc giá trị này cũng được lực lượng chức năng quấn kẽm gai, tôn bọc nhằm đề phòng “lâm tặc” đốn hạ.
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Đức Hà (nhân viên bảo vệ rừng-Ban quản lý Rừng đặc dụng Đăk Uy) người đã có hơn 10 năm ăn ngủ, bảo vệ rừng trắc Đăk Uy cho biết. “Trắc từ lâu đã được biết đến là cây gỗ quý, cũng bởi vậy “lâm tặc” thường dùng những thủ đoạn tinh vi và sẵn sàng chống trả nhằm khai thác trắc trái phép. Đặc biệt, từ khi trắc bị ngã đổ, rất nhiều kẻ gian đã lân la, tìm đường đột nhập vào rừng đặc dụng để trộm gỗ quý. Mãi đến khi xây tường rào quanh rừng thì tình trạng này mới dần ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn phải luôn túc trực 24/24 để bảo vệ từng cây trắc”.
Nhằm dập tắt suy nghĩ trộm trắc quý của kẻ gian, những nhân viên bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý Rừng đặc dụng Đăk Uy đã dựng lán trại, nằm canh giữ trắc quý 24/24. Không chỉ vậy, họ còn lấy dây thép gai và tôn bọc quanh cây trắc.
“Dù nằm canh giữ trắc 24/24, nhưng những lúc thời tiết mưa gió đều có những người lạ mặt lân la đến gần các cây trắc bị ngã. Thấy vậy, chúng tôi thường yêu cầu họ ra khỏi rừng đặc dụng. Trước bên cạnh 2 anh em còn có con chó cột ngay cây trắc nhưng sau đó đã bị đánh bả chết, vì vậy chúng tôi càng phải đề phòng hơn”, ông Lê Văn Luận tâm sự.
Không thể khai thác vì vướng luật
Ông Lê Ngọc Bảo - Giám đốc Ban quản lý Rừng đặc dụng Đăk Uy cho biết: “Nhằm tránh gây lãng phí nguồn lâm sản quý giá này, ngay sau khi cây trắc bị ngã đổ, chết khô Ban đã có văn bản gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Kon Tum xin ý kiến về việc lên phương án tận thu số gỗ quý. Liên quan đến kiến nghị của Ban, Sở cũng đã có văn bản ý kiến lên Tổng cục Lâm nghiệp. Tuy nhiên, câu trả lời lại là không được tác động, tránh làm thay đổi cảnh quan, môi trường rừng đặc dụng”.
Cụ thể, theo điều 52, Luật Lâm nghiệp 2017 quy định rõ, không khai thác lâm sản trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt; không khai thác tận thu cây gỗ đã chết, gãy đổ trong phân khu phục hồi sinh thái của rừng đặc dụng, nên chủ rừng không thể di chuyển, hoặc thu gom số gỗ trên.
“Vì đây là rừng đặc dụng nên nghiêm cấm mọi tác động đến rừng, nếu kéo ra thì sẽ ảnh hưởng đến rừng nên vẫn phải giữ nguyên hiện trạng. Từ đó đến nay, hơn 160 cây trắc chết vẫn nằm yên tại chỗ. Việc này cũng gây khó khăn cho việc trông coi và bảo vệ gỗ quý bởi sự nhòm ngó của kẻ gian. Để bảo vệ những cây trắc này, các cán bộ phải dựng lán, mắc võng sát các cây trắc chết khô để bảo vệ”, ông Bảo cho biết thêm.
Được biết, Ban quản lý Rừng đặc dụng Đăk Uy rộng hơn 500 ha. Đây là khu rừng có nhiều loài thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam như trắc, giáng hương... Trong đó, có quần thể trắc lớn nhất và quý hiếm nhất Việt Nam với hơn 3.500 cây, nhiều cây trên 100 tuổi. Trắc thuộc nhóm IIA, là loài cây gỗ quý hiếm, trên thị trường hiện nay gỗ trắc được mua bằng kg (từ 100.000 – 800.000 đồng/kg), vì vậy luôn bị “lâm tặc” nhòm ngó.
Diện tích rừng phải quản lý, bảo vệ rất lớn, tuy nhiên Ban chỉ có 40 cán bộ, công nhân viên tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Thêm vào đó vì không thể thu gom, tận thu 161 cây gỗ trắc, Ban phải cắt cử người bảo vệ số gỗ quý bị ngã đổ, chết khô này khiến lực lượng quản lý, bảo vệ rừng bị phân tán. Nhằm bảo vệ tốt khu rừng, Ban đã xây tường rào cao, dài 5 km bao quanh và dựng 26 lán trại bảo vệ.