Kon Tum: Không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhiều người dân vì đất khai hoang?
Đất khai hoang không được cấp sổ hồng?
Ông Phạm Đào Thế (SN 1964, trú tại thôn Kiến Hưng, xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) bức xúc chia sẻ với phóng viên, gia đình ông có một mảnh đất tại xã Ya Xiêr với diện tích gần 700m2, trên đất có một căn nhà cấp IV và được quy hoạch đất ở nông thôn. Tháng 12/2021 gia đình làm hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất nêu trên.
Sau khi hoàn tất hồ sơ, đề nghị chính quyền địa phương xem xét, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được UBND xã Ya Xier tiến hành các bước đo đạc, xác minh. Qua đó, UBND xã Ya Xier xác định đất của gia đình ông Thế thuộc thửa số 199 tờ bản đồ 16 với tổng diện tích 678,6m2 có nguồn gốc do ông A Bự khai hoang từ năm 2000, sử dụng vào mục đích làm nhà ở. Đến năm 2004 sang nhượng cho ông Nguyễn Chí Tâm. Năm 2008 ông Tâm sang nhượng cho ông Phạm Đào Thế sử dụng đến nay và không có tranh chấp.
Sau khi hoàn tất thủ tục và xác nhận hồ sơ của ông Phạm Đào Thế đủ điều kiện, UBND xã Ya Xiêr chuyển hồ sơ đề nghị UBND huyện Sa Thầy cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.
Tuy nhiên, ngày 31/12/2021 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Sa Thầy ban hành Thông báo trả hồ sơ của ông Phạm Đào Thế với lý do: UBND huyện tạm thời chưa xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất đối với diện tích đất có nguồn gốc sử dụng là đất khai hoang” với lịch hẹn mơ hồ “trong khi chờ văn bản thống nhất giữa các cấp, tạm thời chuyển trả lại hồ sơ cho gia đình”. Vậy khi nào UBND huyện Sa Thầy cấp quyền sử dụng đất cho gia đình ông Thế trên chính mảnh đất mà gia đình ông sinh sống hàng chục năm nay?
Tương tự, gia đình ông Chu Hữu Kính (trú tại xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy) có thửa đất số 112 tờ bản đồ 49 với diện tích hơn 6000m2 (đất trồng cây lâu năm), nhận sang nhượng từ bà Huỳnh Thị Lượm. Sau đó bà Lượm làm hồ sơ gửi UBND xã Sa Nghĩa và UBND huyện Sa Thầy đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định để hoàn tất thủ tục sang nhượng.
Qua kiểm tra, đo đạc và xem xét hồ sơ liên quan, UBND xã Sa Nghĩa xác định thửa đất của bà Lượm đủ điều kiện pháp lý và đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến ngày 28/12/2021 Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Sa Thầy ban hành Thông báo trả hồ sơ với lý do tạm thời chưa cấp sổ hồng vì đất khai hoang…
Xử lý như vậy liệu có đúng với Luật Đất đai?
Phóng viên trao đổi với bà Trần Thị Minh Hoa - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Sa Thầy, bà Hoa cho biết: “Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các thửa đất trên, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đã làm đầy đủ các thủ tục và chuyển cho Phòng Tài nguyên Môi trường huyện, sau đó Phòng Tài nguyên Môi trường trình UBND huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, sau khi trả hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, UBND huyện không trả lại cho Phòng Tài nguyên Môi trường theo quy định mà chuyển trực tiếp về Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai nên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ký gửi thông báo cho công dân.
Về trách nhiệm, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai đã làm hết chức trách, nhiệm vụ của mình và trình cho Phòng Tài nguyên Môi trường đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân”.
Để làm rõ vụ việc, phóng viên trao đổi với ông Phan Chí Thiện - Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Sa Thầy, ông Thiện cho hay: Liên quan việc trả hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, UBND huyện đang thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, hiện nay, UBND huyện giao UBND các xã, thị trấn rà soát diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn thuộc các xã quản lý để xây dựng phương án giao rừng gắn với đất lâm nghiệp cho các đơn vị chủ rừng quản lý.
Mặt khác, do diện tích đất nằm trong quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh có sự chồng chéo, không thống nhất giữa các văn bản, do đó cần phải điều chỉnh để thực hiện. Trong thời gian chờ UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn và kết quả rà soát đất lâm nghiệp của UBND các xã, thị trấn, tạm thời chưa xem xét, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất đối với diện tích đất có nguồn gốc sử dụng là đất khai hoang.
Việc UBND huyện Sa Thầy từ chối cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất đối với diện tích đất ở, đất trồng cây lâu năm của người dân với lý do như vậy liệu có đúng với Luật Đất đai 2013? Đề nghị ngành chức năng huyện Sa Thầy và tỉnh Kon Tum sớm có câu trả lời để người dân yên tâm canh tác và sinh sống trên chính mảnh đất của mình.