Kỳ 2:Đoàn kết tôn giáo, yếu tố quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc - Nhận diện nguy cơ gây chia rẽ và “rạn nứt” trong đoàn kết tôn giáo
Cảnh giác trước âm mưu gây chia rẽ đoàn kết tôn giáo
Chỉ sau một ngày khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ tọa phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ. Trong phiên họp này, Bác đã nêu ra 6 vấn đề cấp bách cần giải quyết, trong đó đáng chú ý, vấn đề thứ sáu là thực hiện “tín ngưỡng tự do, lương - giáo đoàn kết”: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào giáo và đồng bào lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và lương - giáo đoàn kết”.
Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, khi mà cuộc Cách mạng 4.0 đang bùng nổ mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam cũng không đứng ngoài “vòng xoáy” phát triển ấy, thì những thế lực thù địch, phản động có ý đồ xấu, muốn gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc đã rất nhanh chóng lợi dụng không gian mạng để lan truyền những thông tin sai trái, xấu độc dưới nhiều hình thức khác nhau.
Chúng xây dựng các tổ chức lấy danh xưng tôn giáo cùng với việc thiết lập các trang mạng xã hội như: Youtube, Zalo, Facebook… để phát tán, đăng tải các video, hình ảnh, bài viết với danh nghĩa các tôn giáo để đả kích, nói xấu chế độ, bôi nhọ lãnh tụ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Chúng đi sâu vào những mặt trái của xã hội để quy kết, hạ thấp uy tín của cả hệ thống chính trị, thậm chí lợi dụng về đức tin và sự gắn kết cộng đồng của tôn giáo nhằm lôi kéo, tập hợp lực lượng chống phá cách mạng hay tìm mọi cách chia rẽ các tôn giáo với nhau, chia rẽ người có tôn giáo với người không có tôn giáo, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Chúng kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, ly khai dân tộc; kích động chia rẽ quan hệ dân tộc, quan hệ lương - giáo và giữa các tôn giáo với nhau bằng nhiều cách, như: Đòi “tự do tôn giáo”, “tự trị”, thành lập cái gọi là “Vương quốc Mông độc lập”, “Nhà nước Đề Ga” (gắn với đạo Tin lành), “Quốc gia Khơmer Crôm” (gắn với Phật giáo Nam tông Khmer)… hòng làm chia rẽ, phá hoại, suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam.
Chúng vu cáo, chỉ trích bằng những luận điệu sai trái, không đúng sự thật như cho rằng Nhà nước “đàn áp” và cấm nhiều giáo phái tôn giáo hoạt động, hạn chế “có tính độc đoán” về số lượng học sinh được phép đào tạo thành mục sự, linh mục, bắt giam hoặc quản thúc “vô cớ” một số trường hợp giáo sĩ, chức sắc tôn giáo, buộc nhiều người thiểu số ở các vùng Tây Bắc và Tây Nguyên phải bỏ đạo bằng cách đe dọa xâm hại tính mạng hay tịch thu tài sản…; cấm các mục sư “đi lại truyền đạo tự do”, thậm chí hạn chế và nhiều khi “cấm bừa bãi” các hình thức tụ họp hoạt động tôn giáo,…
Chính những sự kích động, chia rẽ đó đã tạo ra những mâu thuẫn, xung đột giữa những người theo đạo và người không theo đạo trong cùng một gia đình, dòng họ, làng bản dẫn đến việc chia tách hộ, tách bản, di dịch cư tới các địa phương khác, gây chia rẽ, phân hóa trong từng gia đình, làng bản, cộng đồng và giữa các cộng đồng dân tộc, tiềm ẩn những nguy cơ xung đột xã hội.
Dấu hiệu “rạn nứt” trong nội bộ tôn giáo
Có thể nói, sử dụng chiêu bài lợi dụng tôn giáo để chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc ta nhằm gây mất ổn định an ninh quốc gia là chiêu bài không hề mới. Tuy nhiên, “rượu cũ nhưng bình lại mới”, thay vì “rêu rao” Đảng và Nhà nước ta không dung hòa với tôn giáo như trước đây, thì chúng lại “thâm độc” hơn khi cố gắng vu cáo rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam ưu ái tôn giáo này, kỳ thị các tôn giáo khác nhằm gây hận thù, chia rẽ giữa các tôn giáo và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong bối cảnh mới, không chỉ manh nha tồn tại mâu thuẫn giữa những tôn giáo, mà ngay trong một tôn giáo cũng xuất hiện những dấu hiệu “rạn nứt” không đáng có. Có thể kể đến như sự cạnh tranh giữa các hệ phái của một tổ chức tôn giáo đã và đang gây ra những vấn đề phức tạp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hay một bộ phận phật tử có thái độ bài xích, đả phá niềm tin và phương pháp tu tập khác với niềm tin và phương pháp tu tập của mình, dù đều là người tu học Phật. Chẳng hạn một số phật tử tu học theo truyền thống Nguyên thủy cho mình là đạo Phật gốc, cực lực phê phán, chỉ trích niềm tin, giáo lý, pháp môn tu học của người theo Phật giáo Phát triển, cho Phật giáo Phát triển là Bà – la - môn giáo, là mê tín dị đoan, là tu sai, u mê, hoang tưởng,… Một số vị (xuất gia lẫn cư sĩ, Nguyên thủy lẫn Phát triển) lại mượn danh nghĩa phục hồi đạo Phật gốc đã quy chụp, gán ghép nhiều pháp môn tu tập, quan niệm tín ngưỡng và kinh điển Phật giáo Phát triển (Đại thừa) là sản phẩm của Trung Quốc. Từ đó dẫn đến những lời nói, hành xử thiếu thận trọng và hiểu biết gây hoang mang, chia rẽ, bất mãn trong giới phật tử.
Một ví dụ là thời gian vừa rồi đã xảy ra những tranh cãi không đáng có xoay quanh các phát ngôn của hai vị trụ trì liên quan đến tới hoạt động khất thực, cúng dường ở một ngôi chùa. Những “tranh luận” của hai vị sư này trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm không chỉ của giới phật tử mà còn làm cộng đồng mạng có những thái cực phân hóa rất rõ ràng về sự ủng hộ hay phê phán các quan điểm mà họ tán thành hay phản đối.
Qua sự kiện này là minh chứng rõ ràng nhất cho những tác động của “cơn bão” 4.0 ảnh hưởng đến những “rạn nứt” không đáng có trong nội bộ tôn giáo. Với tác động của truyền thông mạng xã hội, thì dường như “vết rạn” ấy lớn hơn, có nghĩa là phạm vi ảnh hưởng của mâu thuẫn sẽ rộng hơn, tác động tiêu cực đến mối quan hệ của nhiều thành viên trong cộng đồng tôn giáo, thậm chí là ra cả ngoại vi tôn giáo ấy.
goại vi tôn giáo ấy. Có thể thấy, trong bối cảnh mới, khi mà hầu hết mọi lĩnh vực đều chịu tác động của toàn cầu hóa và Cách mạng công nghiệp 4.0, trong khối đoàn kết tôn giáo cũng nảy sinh nhiều vấn đề mới và rất phức tạp. Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh khác, chúng ta không thể phủ nhận rằng sự phát triển mạnh mẽ của tôn giáo tất yếu sẽ nảy sinh những vấn đề phức tạp cho văn hóa - xã hội và an ninh quốc gia. Đứng trước những thử thách mới, buộc chúng ta phải có những nhận thức và giải pháp kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn.
(Còn nữa)