1. Trang chủ /
  2. Kỳ 2 - Đường đi của khoáng sản trái phép ở Cao nguyên đá Đồng Văn

Kỳ 2 - Đường đi của khoáng sản trái phép ở Cao nguyên đá Đồng Văn

thứ ba, 10/5/2022 10:24 GMT+07
(PLM) - Khoáng sản sau khi được khai thác trái phép phần được bán cho người dân, phần được một số doanh nghiệp mua lại để thi công các công trình giao thông.

Xã không có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản?

Thời gian vừa qua, người dân xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ (tỉnh Hà Giang) phản ánh, đơn vị thi công công trình giao thông từ trung tâm xã Bát Đại Sơn đi thôn Pải Chứ Phìn cũng thuộc dự án đường nối từ Bát Đại Sơn đi xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ tồn tại tình trạng khai thác đá vôi trái phép. Thậm chí, thực trạng này đã diễn ra nhiều năm nay nhưng vẫn chưa bị xử lý.

Đi từ trung tâm xã Bát Đại Sơn vào chưa đến 1km, một điểm tập kết đá vôi có khối lượng cả nghìn mét khối nằm chình ình ngay cạnh đường. Đi tiếp khoảng 100m là khai trường nghiền, xay đá hoạt động rình rang.

aa1
Điểm khai thác đá vôi trái phép của HTX Cường Thịnh tại xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ. (Ảnh: BT).

Nguồn tin của nhóm phóng viên cho hay, đoạn đường này đơn vị trúng thầu thi công là Công ty TNHH 307 Hà Giang. Tuy nhiên, công ty này hợp đồng với một đơn vị khác để mở tuyến đường là HTX Cường Thịnh, điều hành tại công trường là một người tên Q.

Giá bán đá ngay tại địa điểm khai thác và tập kết đối với từng loại cụ thể như sau: Đá bột là 250 nghìn đồng/ m3; đá kích cỡ 1x2 là 220 nghìn đồng/m3; đá 4x6 có giá 170 nghìn đồng /m3 và đá hộc là 140 nghìn đồng/m3.

Liên quan đến nội dung này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã liên hệ trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Xuân Toàn, Chủ tịch UBND xã Bát Đại Sơn. Ông Toàn cho biết: “Mỏ đá này là do đơn vị thi công tận dụng đá thải trong quá trình thi công đường để làm. Xã chỉ phối hợp với huyện và các đơn vị khác giải phóng mặt bằng chứ không xử lý, cái này do huyện với tỉnh”.

Một nguồn tin khác cho hay, địa điểm làm tuyến đường này và cũng là điểm nghiền, xay đá vôi thực tế là vùng đệm của Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn. Hiện đang chờ tổ chức Unesco tái đánh giá lại.

Để tìm hiểu rõ nguồn gốc khoáng sản, phương thức khai thác, giá bán của từng điểm khai thác khoáng sản trái phép. Đặc biệt là thị trường tiêu thụ loại đá vôi này, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã bỏ nhiều thời gian để tìm hiểu, cũng như lần theo những chiếc xe chở đá đến những địa điểm khác nhau.

Dùng vật liệu không rõ nguồn gốc để làm công trình

Theo người dân xã Bát Đại Sơn, đoạn đường từ trung tâm xã này xuống đến cầu Bát Đại Sơn hiện tại bị hư hỏng nặng bởi các phương tiện chở đá quần thảo.

Ông D. một người dân trú tại thôn Sán Chổ cho hay, tình trạng xe khối lượng lớn ngày nào cũng đi qua đoạn đường này đã trở nên quá quen thuộc, năm nay đã là năm thứ ba. Dân địa phương nhiều lần cũng kiến nghị với xã, nhưng đều không có có kết quả.

Để tìm hiểu rõ đích đến của những chuyến hàng chở đá vôi khiến đường xá hư hỏng đến mức có đoạn chỉ trơ sỏi đá, phóng viên đã bám theo hai chiếc xe tải có BKS: 23C-053.xx và 29C-533.xx chở đá từ điểm khai thác tại xã Bát Đại Sơn. Đích đến cuối cùng nằm cách điểm khai thác này có chiều dài hàng chục km phục vụ cho việc thi công đường giao thông.

aa2
Đoạn đường nối trung tâm xã Bát Đại Sơn xuống cầu Bát Đại Sơn chỉ còn trở sỏi đá. (Ảnh: BH).

Cụ thể, theo tìm hiểu đích đến cuối của những chiếc xe tải chở đá vôi được khai thác trái phép là công trình sửa chữa, bảo trì đường huyện ĐH01 (Na Khê - Bạch Đích), huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang do Sở Giao thông vận tải Hà Giang làm chủ đầu tư. Đơn vị thi công là Công ty TNHH 868 và Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Đại Dương.

Một người đàn ông có mặt chỉ đạo tại công trường này xác nhận, đúng là đơn vị có lấy đá từ xã Bát Đại Sơn để thi công công trình.

Ở một diễn biến khác, phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam cũng đi theo nhiều xe chở đá tại điểm nghiền, xay đá vôi trái phép tại thôn Mỏ Sài, xã Thanh Vân. Đồng thời, phát hiện đích đến của những chuyến xe đá này là công trình đường giao thông và hạ tầng cửa khẩu Nghĩa Thuận, huyện Quản Bạ. Đơn vị thi công công trình vẫn là Công ty TNHH 307.

Việc này cũng được một người đàn ông được cho là giám sát công trình này xác nhận nguồn gốc của số đá vôi trên là ở bãi đá thôn Mỏ Sài, xã Thanh Vân.

Những công trình dự án có vốn lớn, nhưng lại lấy vật liệu xây dựng có nguồn gốc không rõ ràng là vi phạm pháp luật. Một vụ án từng xảy ra tương tự vào năm 2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đã khởi tố vụ án, bắt nhiều bị can liên quan đến việc mua, bán trái phép hóa đơn trong việc đầu tư “Dự án cải tạo, chỉnh trang, mở rộng, khắc phục ô nhiễm môi trường đường Trần Quốc Nghiễn, đoạn từ cầu Bài Thơ đến điểm đấu nối đường bao biển Hạ Long (thuộc TP Cẩm Phả) do UBND TP Hạ Long làm chủ đầu tư, có dấu hiệu sử dụng khoáng sản không rõ nguồn gốc.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Điều 203, bộ Luật hình sự năm 2015 quy định rõ tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.
1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;
đ) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
e) Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100.000.000 đồng trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.