Kỳ 3: Đoàn kết tôn giáo, yếu tố quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc - Cần xem trọng truyền thông và pháp chế trong đoàn kết tôn giáo
Chú trọng quản trị truyền thông tôn giáo
Trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta nhấn mạnh cần phải “vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Có thể thấy, văn kiện Đại hội XIII của Đảng có nhiều nội dung bổ sung, cập nhật, kế thừa, tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của các nhà lãnh đạo, quản lý, quản trị về tôn giáo, các nhà khoa học và tín đồ, chức sắc của các tôn giáo. Trong đó, đáng nói là nội dung thực hiện đoàn kết tôn giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đó là quan điểm xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, là mục tiêu cao nhất của công tác tôn giáo. Vì vậy, khi đứng trước bối cảnh mới, “con tàu” ấy không thể bẻ lái mà chỉ có thể điều chỉnh sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Tình hình thực tế ấy, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Sự tác động của quá trình toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng cũng sẽ diễn ra quyết liệt, phức tạp hơn. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, xã hội số, văn hóa số... vừa đem lại những cơ hội, vừa tạo ra thách thức mới trong việc xây dựng và phát triển văn hóa”. Và Tổng Bí thư đã chỉ ra rằng: “Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Văn hóa và tôn giáo tưởng như là hai phạm trù riêng biệt, nhưng bản chất lại có mối quan hệ mật thiết với nhau, thậm chí tôn giáo là một trong các lĩnh vực của văn hóa tinh thần. Vì thế, nhận định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là một trong những chiếc “chìa khóa vàng” giúp mở ra cánh cửa đoàn kết tôn giáo trong bối cảnh mới.
Trong bối cảnh bùng nổ của Cách mạng 4.0, để xây dựng được văn hóa số trong môi trường tôn giáo, chúng ta phải làm tốt công tác truyền thông tôn giáo. Bởi đây là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ hệ chuẩn mực tôn giáo nói riêng và chuẩn mực xã hội nói chung, tạo nên sợi dây gắn kết cộng đồng không chỉ trong một tôn giáo mà còn là sự gắn kết giữa các cộng đồng tôn giáo với nhau, giữa người có đạo và người không theo đạo.
Chính từ sự gia tăng hiểu biết qua truyền thông, tín đồ các tôn giáo dễ dàng hơn trong việc chia sẻ hệ chuẩn mực, đó là một trong những nhân tố nền tảng tạo nên sự cố kết cộng đồng. Qua truyền thông, những giá trị đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo được chia sẻ với nhau, với những người không tôn giáo nhằm thúc đẩy tạo thành văn hóa.
Bên cạnh đó, truyền thông tôn giáo cũng là vũ khí sắc bén để phản bác lại những luận điệu xuyên tạc tình hình tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam giúp chức sắc, tín đồ hiểu rõ âm mưu của các thế lực thù địch nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá cách mạng. Đồng thời, truyền thông tôn giáo còn góp phần động viên chức sắc, chức việc và tín đồ phát huy tinh thần yêu nước, tự giác phối hợp đấu tranh ngăn chặn các hoạt động lợi dụng tôn giáo, truyền đạo trái pháp luật, hoạt động mê tín từ những “hiện tượng tôn giáo mới” gây mất ổn định trật tự xã hội.
ệc đã làm được, thời gian qua truyền thông tôn giáo còn một số hạn chế, hệ thống truyền thông còn thụ động trong việc đưa tin các vụ việc tôn giáo. Khi xuất hiện một thông tin gây tranh cãi, truyền thông tôn giáo cần nhanh chóng xác minh, phân tích và nhanh chóng cung cấp những thông tin chính thống. Sự việc đáng tiếc tranh luận qua lại giữa 2 vị trụ trì như đã nói ở kỳ trước là một ví dụ điển hình cho việc khủng hoảng truyền thông đã tác động đến khối đại đoàn kết tôn giáo.
Vậy nên, rất cần phải duy trì và phát triển các kênh truyền thông của Giáo hội, vừa thực hiện chức năng tuyên truyền, quảng bá hoạt động định kỳ của Giáo hội vừa là kênh thông tin chính thức để xử lý khủng hoảng. Bên cạnh đó, ngoài các cơ quan báo chí chính thống của Giáo hội, mỗi tôn giáo cần quản trị tốt kênh truyền thông trên các mạng xã hội, tránh để rơi vào khủng hoảng, gây hoang mang, mâu thuẫn trong nội bộ tôn giáo.
Củng cố pháp chế và tăng cường quản lý nhà nước về tôn giáo
Thực tế cho thấy, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 có hiệu lực từ ngày 01/1/2018 tiếp tục thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; phù hợp với Hiến pháp năm 2013; khắc phục những tồn tại, bất cập của pháp luật tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành; tương thích với các điều ước quốc tế về quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện, cho thấy cần phải bổ sung, điều chỉnh để Luật này sao cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Trong xu thế hội nhập quốc tế sâu rộng, tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, cùng với việc lợi dụng tôn giáo gây khó khăn cho công tác quản lý tôn giáo. Nước ta có nhiều tôn giáo và hoạt động tín ngưỡng phong phú, mỗi tổ chức tôn giáo lại có quy mô, mô hình tổ chức, hệ thống giáo lý, giáo luật khác nhau. Ngoài ra, thực tiễn cho thấy, những năm gần đây, nhiều hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện và hoạt động phức tạp. Trong khi đó, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 chỉ quy định chung, bao quát cho tất cả các tôn giáo, nên cần thiết phải có sự bổ sung, sửa đổi phù hợp.
Nhiều ý kiến cho rằng, với mức xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là vi phạm trên môi trường mạng xã hội như hiện nay là còn quá nhẹ, người vi phạm chủ yếu chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ vài triệu đến vài chục triệu đồng là chưa đủ sức răn đe. Chính bởi hình phạt chưa thích đáng cho hành vi vi phạm cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng mượn danh, lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kích động, chia rẽ khối đoàn kết tôn giáo cũng như gây ra khó khăn nhất định cho công tác quản lý nhà nước về tôn giáo. Vậy nên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, rà soát, cân nhắc về mức xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Đặc biệt, phải có chế tài đặc thù xử phạt đối với những hành vi vi phạm đã bị xử lý nhiều lần, có thể là tăng mức tiền phạt thậm chí là thay đổi hình thức xử phạt hành chính bằng các chế tài khác có tính răn đe hơn. Để từ đó củng cố niềm tin của nhân dân vào tôn giáo cũng như các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về quản lý tôn giáo.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cũng cần phải tăng cường đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kịp thời chấn chỉnh các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật, không để các thế lực thù địch lợi dụng internet, mạng xã hội để lôi kéo, kích động, chia rẽ các tín đồ tôn giáo gây phức tạp về an ninh trật tự.
Mặt khác, trong nội bộ một tôn giáo, cũng cần quán triệt thực hiện nghiêm túc các giáo lý, giáo luật. Ở nước ta, dù mỗi tôn giáo đều có một đức tin, một hệ thống giáo lý, giáo luật khác nhau, nhưng cùng có điểm tương đồng ở tinh thần dân tộc, trong phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”. Chính vì vậy, trên thực tế những giá trị, chuẩn mực đạo đức của các tôn giáo thể hiện ở giáo lý, giáo luật có ý nghĩa nhất định trong việc duy trì đạo đức xã hội.
Trong đời sống của đồng bào tôn giáo, giáo lý và luật pháp không mâu thuẫn với nhau mà đó là sự bổ sung lẫn nhau nhằm điều chỉnh những hành vi của mỗi cá nhân trong cộng đồng.