1. Trang chủ /
  2. Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Lan tỏa tinh thần Hội nghị Trung ương, gắn với những quyết sách đúng đắn

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Lan tỏa tinh thần Hội nghị Trung ương, gắn với những quyết sách đúng đắn

thứ sáu, 21/10/2022 09:22 GMT+07
Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Kỳ họp lần này phải thể hiện đậm nét, mang ý nghĩa lan tỏa tinh thần Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng - như phát biểu bế mạc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - gắn với những quyết sách đúng đắn, sáng suốt cả về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước...
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự khai mạc Kỳ họp. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự khai mạc Kỳ họp.

Tham dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khóa XV vào sáng qua (20/10) có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...

Lấy chất lượng Kỳ họp làm chính, phấn đấu tiết giảm tối đa thời gian

Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết, như thường lệ, kỳ họp cuối năm có khối lượng công việc rất lớn. Tại phiên họp trù bị, với tinh thần “lấy chất lượng Kỳ họp làm chính và phấn đấu để tiết giảm tối đa thời gian”, các đại biểu QH đã nhất trí rất cao thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp. Theo đó, dự kiến trong 21 ngày làm việc, QH sẽ xem xét, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng.

Về kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách Nhà nước, Chủ tịch QH đề nghị các đại biểu QH trên cơ sở nhận diện, đánh giá đúng thực trạng, phân tích rõ nguyên nhân; dự báo chính xác tình hình trong nước và thế giới trong thời gian tới để xem xét, quyết định các quan điểm, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển KT-XH, tài chính, ngân sách, đầu tư công cho năm 2023, phương án điều chỉnh tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công năm 2023, kế hoạch tài chính trung hạn ba năm 2023 - 2025.

Về công tác lập pháp, Chủ tịch QH đề nghị các đại biểu QH nêu cao trách nhiệm, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện, nhất là đối với các vấn đề lớn, các vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau, đảm bảo chất lượng cao nhất khi xem xét, thông qua các dự án luật và dự thảo nghị quyết.

Theo Chủ tịch QH, các dự án Luật trình QH cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp này đều rất quan trọng nhằm tiếp tục thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Trung ương. Chủ tịch QH nêu rõ, tiếp nối và phát huy những thành công tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII với những quyết sách quan trọng, cụ thể hóa nhiều nội dung cốt lõi và vấn đề lớn của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kỳ họp lần này phải thể hiện đậm nét, mang ý nghĩa lan tỏa tinh thần Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng - như phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - gắn với những quyết sách đúng đắn, sáng suốt cả về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

“Với quyết tâm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của QH, kế thừa, phát huy những thành quả, kinh nghiệm đã tích lũy được cùng với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tôi tin tưởng rằng, Kỳ họp thứ 4, QH khóa XV sẽ hoàn thành toàn bộ chương trình, mục tiêu đã đề ra và thành công tốt đẹp”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế

Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: “Chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả...”.

Về một số chỉ tiêu cụ thể, Thủ tướng báo cáo, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,73%, ước cả năm khoảng 4%. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá tương đối ổn định; tăng trưởng tín dụng 9 tháng đạt khoảng 11%, tập trung nhiều cho sản xuất kinh doanh. Tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83%; ước cả năm đạt khoảng 8% (mục tiêu là 6 - 6,5%). Khu vực dịch vụ phát triển sôi động trở lại nhờ kiểm soát được dịch bệnh. Sự phục hồi kinh tế diễn ra khá đồng đều giữa các địa phương, trong đó nhiều địa phương đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Về những tồn tại, hạn chế, khó khăn trên các lĩnh vực, Thủ tướng cho biết, ổn định kinh tế vĩ mô đối mặt với nhiều thách thức, sức ép lạm phát lớn, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh; các thị trường xuất, nhập khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp. Giải ngân vốn đầu tư công, triển khai thực hiện một số chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, ba Chương trình Mục tiêu Quốc gia và việc lập các quy hoạch còn chậm. Công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức. Đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn. Tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động còn thấp…

Trong những tháng cuối năm 2022, các cấp, các ngành, các địa phương sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực. Chú trọng phòng, chống dịch COVID-19, không để dịch chồng dịch; khẩn trương khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Theo dõi sát tình hình, tận dụng tốt thời cơ, hóa giải hiệu quả khó khăn, thách thức. Bảo đảm ổn định cung - cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, đời sống, nhất là dịp lễ, Tết và đầu năm 2023…

Năm 2023, Chính phủ đề ra mục tiêu tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi...

Chính phủ đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực KT-XH, môi trường; trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 - 6%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1 - 1,5%...

Cần có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được theo Báo cáo của Chính phủ; đề nghị quan tâm, đánh giá sâu, kỹ hơn một số vấn đề như tỷ lệ giải ngân các chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH còn khá thấp, tính đến ngày 28/9/2022 mới đạt 20% tổng số vốn của Chương trình. Việc triển khai các dự án quan trọng quốc gia, như dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành và dự án đầu tư xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1… còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ của các dự án.

Tình hình lạm phát được kiểm soát, song trong thời gian từ đầu năm đến giữa năm, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng lên mức kỷ lục, gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người dân.

“Đề nghị làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu; phân tích nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan trong công tác điều hành giá xăng dầu để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp khi giá xăng dầu thế giới nhiều khả năng tiếp tục có những diễn biến bất lợi trong tương lai”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Về các nhiệm vụ, giải pháp, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành kiên định, kiên trì thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu của hệ thống tài chính, ngân hàng. Coi trọng công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế để khắc phục những khiếm khuyết của các thị trường, qua đó khơi thông, tạo điều kiện cho các thị trường phát triển một cách lành mạnh và bền vững…

Cũng trong ngày đầu tiên của Kỳ họp, QH đã nghe các Tờ trình và Báo cáo thẩm tra: dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp QH (sửa đổi).
QH cũng họp riêng, nghe Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ QH Nguyễn Thị Thanh trình bày Tờ trình về việc miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021 - 2026; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Tờ trình về đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021 - 2026. Sau đó, QH thảo luận ở Đoàn về các nội dung này.
Về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch QH Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu QH bám sát chủ trương, định hướng của Đảng và thể chế hóa đầy đủ, chính xác, kịp thời thành các quy định cụ thể; không hợp thức hóa những vướng mắc có tính chất vi phạm; tách bạch rõ để đưa vào Luật những quan hệ đất đai mang tính chất công và quan hệ đất đai mang tính chất tư, bảo đảm đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu thống nhất quản lý, tính phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo điều kiện cho các chủ thể xã hội được tiếp cận, sử dụng đất công bằng, công khai, hiệu quả, bền vững…