1. Trang chủ /
  2. Kỷ niệm 62 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2023) và ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”: 62 năm thảm họa da cam ở Việt Nam: Chung tay xoa dịu nỗi đau…

Kỷ niệm 62 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2023) và ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”: 62 năm thảm họa da cam ở Việt Nam: Chung tay xoa dịu nỗi đau…

thứ năm, 10/8/2023 09:28 GMT+07
Hơn 6 thập kỷ đã trôi qua, chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau mang tên da cam vẫn chưa thôi nhức nhối, vẫn cần thêm nhiều nữa những nỗ lực để cùng chung tay xoa dịu nỗi đau ấy…

Kể từ ngày 10/08/1961 - ngày đầu tiên đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh hóa học ở Việt Nam, sử dụng chất độc da cam/dioxin - một trong những hóa chất độc hại nhất với con người từng được biết đến nhằm triệt hạ nguồn sống của thảm thực vật ở miền Nam Việt Nam đến nay đã tròn 62 năm. Hơn 6 thập kỷ đã trôi qua, chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau mang tên da cam vẫn chưa thôi nhức nhối, vẫn cần thêm nhiều nữa những nỗ lực để cùng chung tay xoa dịu nỗi đau ấy…

Chiến dịch “đặc biệt nguy hiểm” kéo dài cả một thập kỷ

Vào đầu những năm 1960, tình hình chiến tranh Việt Nam diễn tiến theo chiều hướng khiến chính quyền Việt Nam Cộng hòa (VNCH) và Mỹ vô cùng lo ngại. Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm được cho là người đầu tiên đề nghị Mỹ dùng chất độc da cam làm vũ khí đẩy lui lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Phía Mỹ cũng lên phương án phát động “chiến tranh đặc biệt”. 

Ngày 15/01/1961, sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Kennedy đã tuyên bố dùng chất diệt cỏ để kiểm soát, ngăn chặn quân Cộng sản. Ngày 12/4/1961, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy nhận được một bản kiến nghị về hoạt động quân sự tại Việt Nam, bao gồm cả đề xuất sử dụng chất độc da cam.

Ngay sau đó, Phó Tổng thống Mỹ B.Johnson tới Sài Gòn và cho thành lập Trung tâm nghiên cứu quân sự nhằm phát triển các loại vũ khí mới, trong đó có việc sử dụng hóa chất này để hủy diệt những khu rừng, chặn đường ẩn náu và cung cấp lương thảo, vũ khí của quân đội miền bắc Việt Nam.

Ngày 10/8/1961, Mỹ lần đầu tiên điều máy bay H34 phun rải chất dinoxol (có chứa dioxin) dọc theo một con đường ở phía bắc Kon Tum. Ngày 24/8/1961, Ngô Đình Diệm tiếp tục cho rải thử nghiệm chất độc da cam ở miền nam Việt Nam. Ngày 3/11/1961, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara nhận lệnh triển khai chương trình khai quang theo ba giai đoạn.

Ngày 30/11/1961, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy chính thức phê chuẩn chương trình sử dụng chất diệt cỏ ở Việt Nam. Chương trình có mật danh “Trail dust” (Con đường bụi) bao gồm việc rải trên không, từ máy bay và trực thăng; rải trên mặt đất, từ tàu thủy và xe tải. Vài năm sau, để che giấu dư luận, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thay cho chiến dịch này một biệt danh khác là Ranch Hand (Operation Ranch Hand - Chiến dịch Bàn tay dài) và phổ biến trong quân đội Mỹ cùng nhân dân rằng, các chất hóa học được dùng là những chất diệt cỏ, chất làm rụng lá thông thường. Nhưng trên thực tế, chiến dịch Ranch Hand với 10 năm ròng rã đã sử dụng độc chất này trên dải đất hình chữ S với quy mô lớn chưa từng thấy ở bất kỳ đâu trên thế giới.

62 nam tham hoa da cam o viet nam chung tay xoa diu noi dau hinh 1
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis thăm địa điểm xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa, Đồng Nai - nơi Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai dự án (2018). (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Thảm họa hóa học thảm khốc nhất trong lịch sử và nỗi đau xuyên thế kỷ

Không phải vô cớ khi báo chí và dư luận gọi động thái quyết định rải chất hoá học xuống khắp chiến trường miền Nam Việt Nam cách đây 62 năm là thảm hoạ và nỗi đau gây nên bởi chất độc da cam/dioxin là nỗi đau xuyên thế kỷ. Hơn 6 thập kỷ đã trôi qua, cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam đã kết thúc được cả gần 50 năm, nhưng hàng triệu người dân Việt Nam và những thế hệ thứ ba, thứ tư sinh ra trong hòa bình vẫn hằng ngày phải mang trong mình di họa của cuộc chiến ấy, vẫn bị phơi nhiễm, ảnh hưởng nặng nề bởi chất độc da cam/dioxin - một trong những hóa chất độc hại nhất với con người từng được biết đến - do Mỹ rải xuống khắp chiến trường miền Nam ròng rã suốt 10 năm trời.

Tại hội thảo “Đánh giá tác hại của chất độc da cam/dioxin được Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” diễn ra tại Hà Nội vào tháng 8/2016, 100 nhà khoa học Việt Nam và quốc tế lần đầu tiên thống nhất rằng, chỉ trong vòng hơn 10 năm (1961 - 1971), Mỹ đã thực hiện 19.905 vụ phun, rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học với 61% trong số đó là chất độc da cam, xuống 26.000 thôn, bản của Việt Nam, với tổng diện tích 3,06 triệu héc-ta. Trong đó, 86% số diện tích bị rải chất độc 2 lần và 11% bị rải tới 10 lần. Tổng cộng có tới 366kg dioxin đã bị phun, rải trên 1/4 tổng diện tích miền nam Việt Nam, vượt gấp 17 lần mật độ cho phép sử dụng trong nông nghiệp Mỹ.

Chất độc da cam đã tác động mạnh mẽ, lâu dài tới môi trường, các hệ sinh thái và sức khỏe con người. Một khối lượng chất độc hóa học khổng lồ phun rải lặp đi, lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, một số động vật quý hiếm bị diệt chủng. Hiện nay, các loại chất độc hóa học do quân đội Mỹ phun rải vẫn còn tồn lưu trên một số địa bàn ở miền Nam Việt Nam và đang là các nguồn gây ô nhiễm nguy hại. Một số kho, bãi tại các sân bay quân sự cũ của quân đội Mỹ và đồng minh trước kia hiện vẫn là các “điểm nóng” ô nhiễm chất độc hóa học với hàm lượng dioxin vượt ngưỡng cho phép rất nhiều lần như các sân bay: Đà Nẵng, Biên Hòa, Phù Cát… 

Việc sử dụng chất độc da cam/dioxin trong suốt 10 năm qua đã gây hậu quả nghiêm trọng không chỉ hủy hoại môi trường, hệ sinh thái mà còn tác động hại đến sức khỏe con người Việt Nam; Chất độc da cam đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân, hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết vì nhiễm độc; Hàng trăm ngàn người đang vật lộn với căn bệnh hiểm nghèo như bệnh ung thư da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường, thần kinh v.v...

Chất độc da cam khiến cho nhiều nạn nhân không còn duy trì được nòi giống. Nhiều phụ nữ không được hưởng hạnh phúc làm vợ, làm mẹ. Hàng vạn trẻ em bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống đời sống thực vật. Bộ Y tế đã xác định 17 loại bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin. Điều đau xót là chất độc da cam đã tác động đến thế hệ thứ 2, 3 và đang di nhiễm sang thế hệ thứ 4 của người bị phơi nhiễm chất độc da cam trong chiến tranh. Không chỉ người Việt Nam mà nhiều lính Mỹ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand… từng tham chiến ở Việt Nam trước đây và con cháu của họ cũng mắc nhiều bệnh tật do phơi nhiễm.

Thảm họa da cam chính là thảm họa hóa học thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại.

Tiếp tục chung tay xoa dịu những nỗi đau

Nỗi đau gây nên bởi chất độc da cam vẫn còn quá lớn và chưa thể xóa bỏ ngày một ngày hai. Vì thế, vẫn cần lắm những sự chung tay để tiếp tục làm vơi bớt phần nào những nỗi đau dai dẳng.

Từ năm 2004, ngày 10/8 hằng năm được lấy làm ngày “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam”. Ngày 10/1/2004, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam chính thức ra đời. Nhiều hành động, chính sách của Đảng và Nhà nước đã được thực thi nhằm giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ gây ra ở Việt Nam, cùng chia sẻ với nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam/dioxin và cũng để thức tỉnh lương tri nhân loại cùng chung tay đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân.

Theo thống kê, từ năm 2011 đến nay, qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400, đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đã đóng góp vào Quỹ Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam gần 30 tỷ đồng qua hình thức tin nhắn. Kết quả nhắn tin từ thiện năm sau luôn cao hơn năm trước, như: năm 2020 đạt hơn 1 tỷ đồng, năm 2021 đạt hơn 2 tỷ đồng, năm 2022 đạt hơn 3 tỷ đồng. Thông qua hoạt động nhắn tin từ thiện, công tác tuyên truyền về thảm họa da cam và công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học được đẩy mạnh... Nhờ vậy, nhiều nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn đã được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở; được tặng quà, hỗ trợ học nghề, tìm việc làm; hỗ trợ vốn, sinh kế vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống. 

Công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh nói chung, nỗi đau da cảm mới chỉ được một phần nào đó… Cũng như cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam, việc chung tay chia sẻ xoa dịu những nỗi đau năm xưa vẫn sẽ phải tiếp tục được tiến hành kiên trì bằng tấm lòng, truyền thống quý báu “uống nước nhớ nguồn, thương người thương thể thương thân”… của người dân Việt.