1. Trang chủ /
  2. Kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Kiến thiết quốc gia những năm đầu độc lập…

Kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Kiến thiết quốc gia những năm đầu độc lập…

thứ hai, 28/8/2023 12:34 GMT+07
Cách đây 78 năm, ngay từ những thời khắc đầu tiên của nền độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận diện rất rõ tầm quan trọng của công cuộc kiến thiết đất nước. “Nay muốn giữ vững nền độc lập chúng ta phải đem hết lòng hăng hái vào kiến quốc”- Bác nhấn mạnh.

“Kiến thiết ngoại giao, kiến thiết kinh tế, kiến thiết quân sự, kiến thiết giáo dục”

Đó là “Bốn việc cần làm ngay” được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ trong bài viết “Nhân tài và kiến quốc” đăng trên báo Cứu Quốc số 91 ngày 14/11/1945.

Trước đó, ngay trước thềm lễ Độc lập, ngày 27/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị cải tổ Ủy ban Dân tộc Giải phóng vừa được Quốc dân Đại hội Tân Trào bầu ra trước đó thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, với việc mời thêm “nhiều nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân giao phó”.

ky niem 78 nam cach mang thang tam va quoc khanh 2 9 kien thiet quoc gia nhung nam dau doc lap hinh 1
“Kiến thiết phải có nhân tài” - Thông cáo “Tìm người tài đức” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên trang nhất của Báo Cứu Quốc số ra ngày 20/11/1946. Ảnh tư liệu

Sắc lệnh số 78 là một trong 118 Sắc lệnh nằm trong Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà 1945 – 1946 được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2016. Sắc lệnh này có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tiếp ký. Bản gốc Sắc lệnh hiện đang được lưu trữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

Ngày 3/9/1945, một ngày sau lễ Độc lập, 15 thành viên của Chính phủ lâm thời, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành phiên họp đầu tiên. Ngay trong phiên họp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: 

Thứ nhất, giải quyết nạn đói. Người đề nghị Chính phủ “phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất. Trong khi chờ đợi ngô, khoai và những thứ lương thực phụ khác, phải ba bốn tháng mới có, tôi đề nghị mở cuộc lạc quyên. Mười ngày một lần, tất cả chúng ta nhịn ăn một bữa. Gạo tiết kiệm được phát cho người nghèo.”

Thứ hai, giải quyết nạn dốt, cần đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ.

 Thứ ba, phải có một hiến pháp dân chủ và đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu.

Thứ tư, phải giáo dục nhân dân từ bỏ những tật xấu do chế độ thực dân đã dùng mọi thủ đoạn để đầu độc và hủ hóa dân ta, “mở cuộc chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính”.

Thứ năm, bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò và “tuyệt đối cấm hút thuốc phiện”.

Thứ sáu, tuyên bố: tín ngưỡng tự do Lương - Giáo đoàn kết.

Từ 6 nhiệm vụ cấp bách ấy, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay lập tức thực thi bằng hàng loạt Sắc lệnh tác động đời sống dân sinh sau đó. Đơn cử như việc ngày 7/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân; Ngày 8/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Nha Bình dân học vụ để phụ trách việc chống nạn mù chữ trong cả nước; Ngày 20/10/1945, Chính phủ ra Thông tư giảm tô 25% so với mức địa tô trước Cách mạng; ngày 26/10/1945, Chính phủ ra Nghị định giảm thuế ruộng 20% và miễn thuế hoàn toàn cho những vùng bị ngập lụt; Ngày 8/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân chống nạn đói, một trong những tai họa lớn và cấp bách.

Bên cạnh những Sắc lệnh tác động đến đời sống dân sinh xã hội, Chính phủ lâm thời còn liên tiếp cho ra đời những sắc lệnh mang tính lịch sử tới nền dân chủ như việc ngày 8/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh mở cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc dân đại hội (Quốc hội). Ngày 20/9/1945, Chính phủ ra Sắc lệnh số 34/SL thành lập Uỷ ban dự thảo Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (gồm 7 người).

Củng cố nền hành chính quốc gia cũng là một trong những đầu việc được Chính phủ đầu tiên của đất nước hết sức chú trọng. Ngày 22/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 63/SL về tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp.

Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch Kiến quốc - Lên kế hoạch kiến thiết nước nhà

Đặc biệt, nỗ lực kiến thiết nước nhà những ngày đầu độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ năm 1945 còn thể hiện ở việc ngày 31/12/1945, ban hành Sắc lệnh số 78 về việc lập một Uỷ ban gọi là Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc. Uỷ ban này ra đời theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sau khi đã trao đổi ý kiến với nhiều nhà trí thức, chuyên môn và nhân sĩ và sau khi Hội đồng Chính phủ đã thoả thuận. Ngay trong lời mở đầu Sắc lệnh số 78/SL có đoạn viết: “Xét rằng ngay khi lo việc kháng chiến, Chính phủ đã bắt đầu công việc kiến quốc, nhưng sự kiến quốc cần phải có một chương trình cụ thể được nghiên cứu một cách kỹ càng…”.

Thời điểm đó, Uỷ ban gồm 41 thành viên, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ. Nhiệm vụ của Ủy ban được xác định rõ tại “Điều thứ nhất” của Sắc lệnh số 78/SL: “Nghiên cứu một kế hoạch thiết thực để kiến thiết quốc gia về các ngành kinh tế, tài chính, hành chính, xã hội, văn hóa và thảo ra những đề án kiến thiết đưa lên Chính phủ”. Điều 8 Sắc lệnh còn định rõ: “Uỷ ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc có quyền giao thiệp với tất cả các Bộ và Công sở để thu thập tài liệu và sẽ được Chính phủ giúp về tài chính và nhân viên”.

ky niem 78 nam cach mang thang tam va quoc khanh 2 9 kien thiet quoc gia nhung nam dau doc lap hinh 2
Sắc lệnh số 78 ngày 31/12/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về việc thiết lập Uỷ ban nghiên cứu kế hoạch kiến thiết.  Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc được xem là tổ chức tiền thân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) hiện nay. Ngày 14/5/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 68/SL thành lập Ban Kinh tế Chính phủ (thay cho Ủy ban NCKHKT), đánh dấu một mốc lịch sử mới của ngành KH&ĐT trước những yêu cầu của công cuộc kháng chiến và kiến quốc trong thời kỳ đó.

Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu đối với Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc là: “Tôi mong rằng, các ngài cũng đem hết tài năng và tri thức giúp cho Chính phủ về mặt kiến thiết. Các ngài sẽ là những cố vấn có kinh nghiệm, có tài năng của Chính phủ. Chúng ta cố gắng thực hiện khẩu hiệu kháng chiến, kiến quốc để thực hiện: Có sức giúp sức, có tài năng giúp tài năng”. “Chúng ta đã tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”- Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở các thành viên Uỷ ban ngay trong cuộc họp đầu tiên của Ủy ban ngày 10/1/1946.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn./2. Làm cho dân có mặc/3. Làm cho dân có chỗ ở/4. Làm cho dân có học hành”. “Cái mục đích chúng ta đi đến là bốn điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do, độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”- Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh.

Có thể nói Sắc lệnh số 78 ngày 31/12/1945 là một trong những quyết sách kịp thời phục vụ cho công cuộc kiến quốc nước nhà. Nhờ vậy, kinh tế nước ta đã dần được khôi phục, nhân dân có cơm ăn áo mặc, trẻ em được đến trường, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Điều này cũng cho thấy thể hiện sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta.