Ký sự dọc Trường Giang – Bài 2: Làng hến bên bờ Trường Giang
“Đảo nước” lấy tinh hoa
Theo chân những người thợ cào hến, chúng tôi đi vào một lò nấu hến đang đỏ lửa. Những người phụ nữ luôn tay đảo nồi hến nóng rực, bốc hơi nghi ngút. Nấu chín, đãi tách vỏ, họ đã làm công việc này hàng chục năm, trở thành nơi thu mua, chế biến hến cho hàng chục hộ khác làm nghề cào hến trên sông.
Hiện nay, làng hến Tân Phú có hơn chục hộ theo nghề cào hến và có gần 5 cơ sở trực tiếp tách ruột hến bán ra thị trường. Đa số cơ sở ở đây hoạt động theo hình thức nhỏ lẻ.
Lò nấu hến của bà Trần Thị Thêm (50 tuổi), được lợp tôn nằm sát bờ sông, và đã hoạt động hơn 20 năm qua. Mỗi ngày lò của bà Thêm thu mua khoảng 5 tấn hến, có 5 người làm việc.
Bà Thêm tâm sự: “Hến được lò thu mua từ các thợ cào với giá từ 40.000 đồng/ang. Một tấn hến sau khi nấu cho khoảng 80kg ruột. Mỗi ngày lò của bà tách được từ 300 đến 400 ang hến, loại nhỏ bán 60.000 đồng/kg, loại lớn 70.000 đồng/kg”.
Có thâm niên hơn 20 năm làm nghề tách ruột hến, bà Trần Thị Nga (60 tuổi) cho biết, bảy ký hến vỏ, lấy được một ký hến ruột, mà phải “ba lần sôi, hai lần trào”, rồi đều tay đãi đằng cho tách vỏ, ngó chừng đơn giản, nhưng cũng là tinh hoa của nghề đã hàng chục năm trời gắn bó.
Hến được cho vào nồi gang to chứa được hơn 100 kg, sau đó thợ nấu hến phải đảo liên tục trong vòng 10 phút để hai miếng vỏ mở ra. Khi hến đạt độ chín thì dùng vợt vớt hến ra khỏi nồi để thợ đãi tiếp tục tách ruột hến.
“Nghề làm hến không khó nhưng không phải ai cũng làm được. Những người như tôi luôn làm việc trong môi trường khói, lửa, hơi nước bốc nghi ngút nên phải đeo khẩu trang thường xuyên. Một ngày chịu khó làm thì tôi có thể thu nhập được hơn 300.000 đồng”, bà Nga cho hay.
Sau khi luộc, người thợ đổ hến vào rổ, cho vào chậu nước đảo đi, đảo lại nhiều lần. Quá trình đảo, ruột hến nhẹ nên nổi lên trên và được người thợ hất ra ngoài, còn vỏ nặng nên nằm lại phía trong rổ.
Muốn đãi được hến đòi hỏi người phụ nữ phải chịu khó, tỷ mẩn đưa sang nhịp nhàng tránh làm hến bị dập nát. Thường tiếp xúc với hến, mẻ chai, vật sắc nhọn nên thợ đãi hến phải đeo găng cao su bảo vệ. Ruột hến mới tách vẫn chứa nhiều chất bẩn. Để loại bỏ, người thợ cho vào chậu nước muối đảo nhiều lần, đến khi hến được sạch, màu trong đẹp mắt là đã đạt yêu cầu.
Thay đổi xóm nghèo
Từ những lò lửa nhỏ này, hến đi đến muôn nơi, theo chân thương lái ra Đà Nẵng, ngược vào Quảng Ngãi, tỏa đi các chợ gần. Lửa lò đỏ quanh năm, cũng là nguồn sống của hàng trăm lao động. Từ cái nghề giản dị ấy, mà đổi lấy an lành cho bao gia đình…
Bà Nguyễn Thị Hựu (50 tuổi) chia sẻ, mỗi ngày 5 người có thể đãi được 300 – 400 ang hến vỏ. Tiền công được trả 3.000 – 4.000 đồng/ang. Trung bình một ngày bà có thể thu nhập được 300 – 400 ngàn đồng. Những tháng được mùa, có thể thu nhập cao hơn.
“Khi mới làm, tôi cũng thấy có nhiều vất vả, nhưng lâu rồi thành quen. Với nghề nấu hến này, chúng tôi cũng phải chăm chú làm cho sạch sẽ rồi mới bán được. Giá được tiểu thương bán lẻ ngoài chợ rơi vào 80 – 100.000 đồng/kg”, bà Hựu nói.
Ruột hến chứa nhiều vitamin B12 và sắt nên có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon, mát, bổ dưỡng như: Xào xúc bánh đa, nấu lẩu, cháo, cơm hến... nhất là vào những ngày cận Tết này.
Giờ đây, làng Tân Phú không còn là xóm nghèo như ngày xưa mà thay vào đó là một làng nghề cào hến “hẳn hoi” nằm bên dòng sông. Những gì đã và đang có được tại làng Tân Phú là nhờ một phần từ nghề cào và tách ruột hến.
Những sợi khói từ lò hến bay lên, cuộn theo gió thổi từ lòng sông rộng. Những chiếc ghe nhỏ đã trở về, neo mình trên bến sông quê. Phía bến, vẫn thấp thoáng những dáng người nhỏ khom mình với những rổ hến. Như một thứ “phù sa” đặc biệt, sông mở lòng, ban phát cho bao phận người quê kiểng tảo tần…
Vũ Vân Anh - Tấn Khoai