1. Trang chủ /
  2. Kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu 2023

Kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu 2023

thứ hai, 20/11/2023 22:31 GMT+07
Kim ngạch xuất khẩu (XK) tháng 10 đã đạt đến con số 30 tỷ USD. Trong khi các thị trường trên thế giới đang hồi phục, cùng với nhu cầu hàng hóa tăng cao dịp cuối năm... Nhiều tín hiệu cho thấy có thể kỳ vọng nhiều hơn vào tổng kim ngạch XK cả năm 2023.
Xuất khẩu nông sản tiếp tục bứt phá mạnh mẽ. Xuất khẩu nông sản tiếp tục bứt phá mạnh mẽ.

Xuất siêu tiếp tục lập kỷ lục

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong tháng 10/2023, kim ngạch XK hầu hết các mặt hàng chính đều đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ năm ngoái do sự phục hồi ở phía cầu và mức nền tương đối thấp của các tháng cuối năm 2022. Trong đó, XK nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục có sự phục hồi tích cực với kim ngạch XK tăng 4,6%. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng, kim ngạch XK nhóm hàng này giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân chủ yếu là do kim ngạch XK của hầu hết mặt hàng XK chủ lực trong nhóm này đều giảm so với cùng kỳ năm trước (4/7 mặt hàng có kim ngạch XK đạt trên 10 tỷ USD thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến giảm trên 20%), như: điện thoại các loại và linh kiện; hàng dệt may; giày dép các loại; gỗ và sản phẩm gỗ giảm; trong nhóm này, chỉ có một số mặt hàng XK chủ lực có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm trước, như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 0,7%.

Kim ngạch XK nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản trong tháng 10/2023 cũng giảm 51,1% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 10 tháng, kim ngạch XK nhóm hàng này giảm 20,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, có một “điểm sáng” khi kim ngạch XK của ngành nông nghiệp tiếp tục có những đóng góp ấn tượng, đặc biệt là các nhóm hàng nông sản như gạo, rau quả, cà phê, hạt điều… Kim ngạch XK nhóm hàng nông, thủy sản trong tháng 10 tăng 18,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là nhóm hàng duy nhất ghi nhận mức tăng trưởng dương trong 10 tháng với kim ngạch XK tăng 3,8%. Nổi bật trong nhóm này là mặt hàng hàng rau quả với tổng kim ngạch XK trong 10 tháng tăng 78,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp đến là mặt hàng gạo với kim ngạch tăng 34,9% so với cùng kỳ năm 2022.

XK trong 10 tháng vừa qua sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm, tuy nhiên mức độ suy giảm có xu hướng thu hẹp dần. Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 78,65 tỷ USD, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc đứng thứ hai với kim ngạch ước đạt 49,5 tỷ USD; Kim ngạch XK sang các thị trường lớn khác cũng giảm như thị trường EU giảm 8,9%; thị trường ASEAN giảm 6,2%, Hàn Quốc giảm 3,6%, Nhật Bản giảm 4,1%...

Tính chung 10 tháng, kim ngạch XK hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù kim ngạch XK 10 tháng giảm mạnh nhưng do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với XK nên cán cân thương mại của Việt Nam sau 10 tháng năm 2023 thặng dư 24,61 tỷ USD - tiếp tục lập kỷ lục về con số xuất siêu (cùng kỳ năm trước xuất siêu 9,56 tỷ USD).

Dự báo khởi sắc trong 2 tháng cuối năm

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, có thể kỳ vọng vào kim ngạch XK trong 2 tháng cuối năm bởi suy giảm XK ngày càng được thu hẹp (10 tháng giảm 7,1% so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023). Đáng chú ý, tăng trưởng kim ngạch XK hàng hóa trong tháng 10 của khu vực kinh tế trong nước cao gấp 3 lần so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kể cả dầu thô; tính chung 10 tháng, mức giảm kim ngạch XK hàng hóa của khu vực kinh tế trong nước chỉ bằng 50% mức giảm của khu vực FDI.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đã thực hiện tốt việc đa dạng hóa thị trường khi các thị trường lớn đều giảm mạnh. Ví dụ, XK sang thị trường các nước Tây Á tăng 8,7%, ước đạt 6,7 tỷ USD và thị trường châu Phi tăng 6,1%. Cùng với đó, thực hiện tốt các giải pháp về XK sang các nước có chung đường biên giới, hàng hóa cơ bản không bị ách tắc, kể cả lúc cao điểm thời vụ, góp phần gia tăng kim ngạch XK sang thị trường Trung Quốc - đây là thị trường XK duy nhất trong số các thị trường XK lớn của Việt Nam đạt mức tăng trưởng dương (tăng 5%).

“Hoạt động xuất nhập khẩu được dự báo tiếp tục khởi sắc trong 2 tháng cuối năm do được hỗ trợ bởi các yếu tố thuận lợi từ môi trường quốc tế và trong nước. Kinh tế toàn cầu đã có những dấu hiệu tích cực, tăng trưởng tốt hơn dự kiến. Đặc biệt, tín hiệu phục hồi tích cực ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc - hai đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Từ đó có tác động tích cực đến hoạt động XK của nước ta bởi đây là những thị trường XK hàng hóa lớn của cả nước. Cùng với đó, hầu hết các tổ chức quốc tế đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 tăng nhẹ so với dự báo đưa ra vào đầu năm” - đại diện Bộ Công Thương nhận định.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa cũng thường tăng cao vào dịp lễ hội cuối năm. Đại diện Bộ Công Thương tin tưởng, với việc đà suy giảm XK thu hẹp mạnh mẽ, tổng XK trong tháng 10 đã đạt 30 tỷ USD nên kỳ vọng 2 tháng cuối năm, kim ngạch XK cũng sẽ đạt tương đương hoặc hơn nên tổng kim ngạch XK của cả năm 2023 sẽ ở mức giảm nhẹ so với năm 2022.