Lãi suất giảm sâu: Chứng khoán hưởng lợi, tỷ giá tăng vọt, địa ốc “nghe ngóng”
Lãi suất giảm sâu
Cuối năm 2022, lãi suất tăng rất mạnh mẽ, vượt mốc 10%/năm. Cá biệt có một vài ngân hàng đưa dần chinh phục các mức “đỉnh” như 11%/năm, 12%/năm rồi đến 13,25%/năm. Lãi suất huy động cao ngất ngưởng khiến lãi suất cho vay vượt mức chấp nhận được của người dân và doanh nghiệp.
Vì vậy, từ cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước liên tục chỉ đạo hệ thống ngân hàng giảm lãi suất huy động, để từ đó giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
Sau nhiều lần thay đổi biểu niêm yết với xu hướng giảm, tới đầu tháng 8/2023, đà giảm càng trở nên ấn tượng hơn. Mặt bằng lãi suất huy động bất ngờ xuống rất sâu. Có nơi còn “thủng mốc” 6%/năm.
Cụ thể, kể từ ngày 19/8/2023, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) áp dụng biểu niêm yết mới với mức giảm đồng loạt khoảng 0,1%/năm so với trước đó. Đáng chú ý chính là việc Eximbank đưa lãi suất kỳ hạn 12 tháng và 6 tháng xuống chỉ còn 5,9%/năm.
Đây là động thái bất ngờ vì thông thường nhóm Big4 (bao gồm 4 ngân hàng quốc doanh: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Vietcombank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam –VietinBank và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Agribank) luôn là các đơn vị có lãi suất huy động ở mức đáy thị trường. Suốt thời gian qua, Big4 ghi nhận lãi suất cao nhất chỉ là 6,3%/năm.
Cùng với Eximbank, một vài đơn vị khác cũng niêm yết lãi suất thấp hơn Big4 như Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam – VIB (6,2%/năm), Ngân hàng TMCP Á Châu – ACB (6,2%/năm), Ngân hàng TMCP Quân đội – MB (6,1%/năm).
Chứng khoán thăng hoa
Nền kinh tế cần có độ trễ để “ngấm” lãi suất giảm. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán không cần độ trễ. Lãi suất giảm gần như ngay lập tức tác động mạnh tới VN-Index. Lãi suất càng giảm nghĩa là tiền đồng càng “rẻ”. Vì vậy, nhà đầu tư tìm kiếm kênh thay thế có khả năng sinh lợi cao hơn. Và thị trường chứng khoán là nơi được nhiều người lựa chọn nhất.
Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), trong tháng 7/2023, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới 151.000 tài khoản chứng khoán, chiếm 99,8% số lượng tài khoản mở mới của toàn thị trường. Con số mở mới đã tăng hơn 3% so với tháng trước (146.000 tài khoản) và đây là mức cao nhất của tháng tính trong vòng 1 năm trở lại đây.
Cùng với đó là giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán cải thiện rất mạnh. Nếu như giá trị giao dịch bình quân cả năm 2022 chỉ đạt 20.168 tỷ đồng/phiên thì hiện tại, giá trị giao dịch đã đạt mức tỷ đô (khoảng 24.000 tỷ đồng) chỉ tính riêng trên sàn TP.HCM.
Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường chứng khoán đã nâng đỡ VN-Index. Một trong những thành tựu mà VN-Index đạt được thời gian này là chinh phục thành công mốc quan trọng 1.200 điểm.
Cụ thể, đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/8/2023, VN-Index dừng ở mức 1.233,48 điểm, tăng 226,39 điểm, tương đương 22,5% so với phiên cuối cùng của năm 2022. Nhờ đó, vốn hóa thị trường sàn TP.HCM tăng 910.640 tỷ đồng (khoảng 38 tỷ USD) lên 4.927.935 tỷ đồng (khoảng 205 tỷ USD).
Có thể thấy, nhà đầu tư chứng khoán đã lãi lớn trong 7,5 tháng đầu năm 2023 một phần nhờ lãi suất huy động giảm.
Tuy nhiên, có một cú sốc lớn đến từ bên ngoài thị trường, đe dọa sự tăng trưởng của VN-Index. Đó là sự kiện China Evergrande, tập đoàn bất động sản lớn thứ hai Trung Quốc nộp đơn xin phá sản sau gần 2 năm rơi vào nguy cơ vỡ nợ vì trái phiếu.
Evergrande đã nhấn chìm thị trường chứng khoán thế giới trong đó có VN-Index. Đóng cửa phiên chứng khoán 18/8, VN-Index giảm 55,49 điểm, tương đương 4,5% xuống 1.177,99 điểm. Mốc 1.200 điểm dễ dàng bị xuyên thủng. VN30-Index giảm 57,72 điểm, tương đương 4,63% xuống 1.190,1 điểm. Toàn sàn ghi nhận chỉ có 25 mã tăng giá, 18 mã đứng giá và 486 mã giảm giá (168 mã giảm sàn). Thanh khoản của thị trường chứng khoán 18/8 ghi nhận mức cao chưa từng có khi có 1,7 tỷ cổ phiếu, tương đương 36.145 tỷ đồng được giao dịch thành công.
Từ ngày 19/8, có thể động thái giảm lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng không còn đủ sức nâng đỡ thị trường chứng khoán nữa.
Tỷ giá tăng vọt
Lãi suất - Tỷ giá là một cặp liên quan chặt chẽ tới nhau. Theo lý thuyết, khi lãi suất giảm, tiền đồng trở nên rẻ hơn, nghĩa là đồng USD đắt hơn. Như vậy, tỷ giá USD/VND sẽ phải tăng.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, suốt từ cuối năm 2022, thị trường ngoại tệ khá bình ổn, chỉ thỉnh thoảng xuất hiện vài “con sóng” rất nhỏ và ngắn. Nguyên nhân là do trước đó Ngân hàng Nhà nước đã mạnh tay tăng dự trữ đồng USD.
Thế nhưng, giữa tháng 8/2023, thị trường ngoại tệ ghi nhận “con sóng” nóng nhất năm khi đồng USD tăng rất mạnh, mỗi phiên tăng trên dưới 100 đồng/USD và chạm mốc 24.200 đồng/USD.
Trong ngày 16/8 và 17/8, tỷ giá đảo chiều suy giảm nhưng lại tìm về mốc 24.000 đồng/USD trong phiên cuối tuần.
Đóng cửa tuần (từ 14/8-20/8), VietinBank niêm yết tỷ giá ở mức: 23.595 đồng/USD (mua vào) - 24.015 đồng/USD (bán ra), giảm hơn 150 đồng/USD được thiết lập vài ngày trước đó nhưng chiều mua vào vẫn tăng 235 đồng/USD, tương đương 1%, chiều bán ra tăng 255 đồng/USD, tương đương 1,07% so với cuối năm 2022.
Tại nhiều ngân hàng khác, tỷ giá USD/VND cũng có diễn biến tương tự. Tỷ giá của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) chốt tuần ở mức: 23.636 đồng/USD – 24.061 đồng/USD. Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) niêm yết tỷ giá ở mức: 23.660 đồng/USD – 24.010 đồng/USD.
Địa ốc “nghe ngóng”
Có thể thấy, lãi suất giảm chưa đóng góp được nhiều cho thị trường địa ốc. Một trong những nguyên nhân chính là lãi suất cho vay mua nhà chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động khi bất động sản không nằm trong danh sách các ngành ưu tiên.
Bên cạnh đó, quan trọng nhất chính là khó khăn của thị trường bất động sản vừa nằm ở lãi suất cao nhưng cũng nằm ở khâu pháp lý. Chính vì vậy, giải quyết vướng mắc pháp lý là rất cần thiết cho nhà đầu tư bất động sản cũng như người mua nhà.
Theo dữ liệu mới nhất từ Batdongsan.com.vn, về tổng quan 7 tháng đầu năm 2023, các chỉ số của thị trường nhà đất bán chưa cải thiện nhiều. Mức độ quan tâm vẫn giảm 33% và lượng tin đăng giảm đến 48% so với cùng kỳ năm trước.