1. Trang chủ /
  2. Làm gì để Hạn chế di chứng hậu COVID-19?

Làm gì để Hạn chế di chứng hậu COVID-19?

thứ hai, 7/3/2022 16:19 GMT+07
(PLM) - Triệu chứng hậu COVID-19 thường có như giảm khả năng nhận thức hay các rối loạn tâm lý,… Nhiều trường hợp di chứng hậu COVID-19 tương đối nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Chuyên gia đưa ra lời khuyên gì để cải thiện sức khỏe sau khi nhiễm bệnh?
Chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 là vấn đề được nhiều người quan tâm. Chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Di chứng nguy hiểm

Hội chứng hậu COVID-19 có thể xuất hiện ngay sau khi điều trị khỏi, tuy nhiên cũng có những trường hợp sau 4 tuần kể từ lúc khỏi bệnh mới có những biểu hiện hậu COVID-19. Những triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19 có thể kéo dài khoảng 4 tuần, thậm chí vài tháng.

Tiến sĩ P.S.Shajahan, Giáo sư Y học phổi tại trường Cao đẳng Y tế chính phủ TD Alappuzha, và là Chủ tịch của Học viện Y học chăm sóc sức khỏe và phổi nêu rõ COVID-19 là một chứng viêm có thể ảnh hưởng đến các tế bào, mô và các cơ quan trong cơ thể người bệnh.

Ông cho biết xu hướng đông máu ở người mắc COVID-19 cũng cao. Ngay cả sau khi hồi phục, cơ thể sẽ tiếp tục ở trạng thái tương tự trong một thời gian và khi người bệnh sau bình phục gắng sức quá mức cũng sẽ tạo ra một điều kiện bất lợi cho cơ thể.

Tiến sĩ khẳng định nguy cơ cao hơn đối với những người mắc COVID-19 nặng và những người có bệnh nền, trong khi người mắc COVID-19 với triệu chứng nhẹ cũng có thể gặp nhiều rắc rối khi không được miễn dịch.

Cũng theo thống kê của WHO, ước tính 10 - 20% bệnh nhân COVID-19 trải qua các triệu chứng kéo dài trong nhiều tháng sau khi mắc bệnh. Giống bệnh cảnh COVID-19 cấp tính, hội chứng Covid kéo dài gây tổn thương và biểu hiện triệu chứng ở nhiều cơ quan: Hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, thận, da, lông... Triệu chứng thường gặp nhất là: Mệt mỏi kéo dài, đau đầu, đau cơ khớp, ho, khó thở, đặc biệt là khó thở khi vận động gắng sức, rụng tóc, mất mùi vị, giảm khả năng nhận thức, giảm tập trung, lú lẫn, hay các rối loạn tâm lý như lo âu, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ.

hKhông chỉ biểu hiện bằng các triệu chứng lâm sàng kể trên, người bệnh còn có thể xuất hiện những bất thường cận lâm sàng như tăng men tim kéo dài, rối loạn đường huyết, rối loạn hormon tuyến giáp, giảm độ lọc cầu thận; Rối loạn chức năng hô hấp: Giảm độ khuếch tán phổi, hạn chế dung tích phổi; Bất thường hình ảnh học: Xơ phổi, giãn phế quản trên CT scan ngực, rối loạn chức năng tâm thất qua siêu âm tim… Trong đó, xơ phổi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.

Tại TP Hồ Chí Minh, nơi có số ca bệnh COVID-19 nhiều nhất cả nước, hàng ngày, các bệnh viện đã tiếp nhận hàng trăm ca đến khám và điều trị hậu COVID-19. Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định ngày nào cũng tiếp nhận nhiều trường hợp đến thăm khám để điều trị các triệu chứng hậu COVID-19.

Chị Trịnh Thị Liên (ở quận Gò Vấp) mắc COVID-19 khoảng 2 tháng trước. Trong thời gian mắc bệnh, chị cho biết chỉ có vài triệu chứng nhẹ nhưng sau khi khỏi, chị lại ho nhiều. “Nó ảnh hưởng cả cuộc sống, đi làm và ảnh hưởng cả sinh hoạt của mình. Tại vì mình cứ ho hoài. Trong giờ làm mình cũng ho. Mình cũng không ngủ được. Có khi nửa đêm dậy cũng ho”, chị Liên cho hay.

Thống kê cho thấy từ tháng 12/2021 đến đầu năm 2022, bệnh viện Nhân dân Gia Định đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân đến khám hậu COVID-19, trong đó, hơn một nửa bệnh nhân hậu COVID-19 gặp vấn đề hô hấp.

TS.BS Lê Thị Thu Hương, Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết: “Ở đây cũng can thiệp nhiều trường hợp tổn thương nặng sau COVID-19. Có những tình huống như là viêm phổi. Viêm phổi tổ chức hóa rồi xơ phổi, một số trường hợp giãn phế quản. Còn tại phòng khám hậu COVID-19 của bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, tháng qua cũng đã tiếp nhận hơn 4.000 bệnh nhân đến khám. Mỗi ngày, phòng khám có khoảng 150 bệnh nhân đến khám.

Chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19

Sau khi bị bệnh COVID-19, người bệnh cần được tiếp tục hỗ trợ hoặc người bệnh cố gắng tự phục vụ mình (nếu có thể) trong sinh hoạt, ăn uống và tập luyện. Điều đó rất cần thiết và quan trọng, giúp quá trình phục hồi sức khỏe hậu COVID-19 cho người bệnh, đặc biệt là những người mắc di chứng hậu COVID-19 tốt và nhanh hơn.

Người đã khỏi bệnh cần thực hiện một số biện pháp (tự làm hoặc có người hỗ trợ) nhằm phục hồi sức khỏe để hòa nhập cộng đồng. F0 đã khỏi bệnh nên duy trì thời gian ngủ nghỉ hợp lý, chủ yếu ngủ nhiều vào ban đêm, hạn chế ngủ nhiều vào ban ngày để thực hiện các công việc phục hồi sức khỏe khác như: vận động nhẹ nhàng, đi bộ chậm, tập thể dục nhẹ, đạp xe đạp rất chậm (nếu có thể), tập dưỡng sinh...

Người đã khỏi bệnh cần chú ý tập thở, hít vào, thở ra chậm, hít sâu dần dần và thở ra nhẹ nhàng không vội vã và nhịp độ tăng lên từng ngày. Bên cạnh đó, F0 đã khỏi bệnh cần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời ít nhất 30 phút/ngày (có thể vào buổi sáng sớm hoặc nắng chiều, chia thành 3-4 lần, mỗi lần 5-10 phút là vừa), việc làm này sẽ giúp điều hòa nhịp sinh học của cơ thể. Người đã hoàn thành thời gian tự cách ly có thể tham gia các hoạt động cùng với người thân như: chuẩn bị bữa ăn, dọn dẹp nhà cửa để sớm quay lại trạng thái sinh hoạt thường ngày.

Do cách ly kéo dài tại nhà, nhiều F0 dành phần lớn thời gian để ngồi, nằm, xem tivi, chơi game, dùng điện thoại... Điều này có thể làm tăng cân, giảm khối cơ và sức mạnh của cơ, làm tăng hoặc làm trầm trọng hơn các bệnh mạn tính.

anh-1-3270
F0 đã khỏi bệnh nên duy trì thời gian ngủ nghỉ hợp lý, chủ yếu ngủ nhiều vào ban đêm.

Việc giảm vận động kéo dài còn khiến tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu. Bởi vậy, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nên tập luyện thể dục thường xuyên. Tập thể dục tại nhà có thể từ những việc rất đơn giản như đi lại, nâng các vật dụng, leo cầu thang, dọn vườn, chơi thể thao trong nhà, tập yoga... Nên tập mỗi ngày 30 phút để duy trì sức khỏe và chỉ số khối cơ thể. Đối với các bệnh nhân nằm tại ICU, nên được tập luyện phục hồi chức năng sớm, tránh tình trạng teo cơ.

Với người cao tuổi, việc trò chuyện cùng người thân trong gia đình và được người thân động viên, giúp đỡ sẽ giúp giảm sự lo lắng, kích thích hoạt động não sau khi khỏi bệnh COVID-19 rất tốt.

Các thành viên trong gia đình nên khuyến khích người đã khỏi bệnh COVID-19 tham gia các hoạt động tinh thần như đọc sách/báo, tham gia bàn luận về tin tức trong ngày... cũng đóng góp đáng kể cho việc phục hồi sức khỏe.

Người bệnh cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng và nếu biết kết hợp hài hòa giữa dinh dưỡng và tập dưỡng sinh chắc chắn sẽ mau chóng hồi phục sức khỏe. Khi một người mắc COVID-19, sự phục hồi của họ cũng phụ thuộc vào tình trạng của hệ thống miễn dịch.

Tình trạng của hệ thống miễn dịch phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau bao gồm mức dinh dưỡng, cân bằng trao đổi chất, sức khỏe đường ruột, thể chất,... Tăng cường sức khỏe và phục hồi bằng chế độ dinh dưỡng, bổ sung năng lượng hiệu quả và thực hành lối sống tốt là rất quan trọng để tránh các biến chứng lâu dài sau khi nhiễm bệnh.

Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mỗi cá nhân cần có đủ lượng chất dinh dưỡng để tăng cường hệ thống miễn dịch. Các vitamin như D, A, B6 và B12, C và E, cũng như các khoáng chất như kẽm, selen, sắt và đồng, cùng với các axit amin và sự kết hợp phù hợp của các chất dinh dưỡng đa lượng bao gồm carbs, protein và chất béo là điều cần thiết để nâng cao hệ thống miễn dịch. Trong số đó, vitamin D là quan trọng hơn cả đối với việc thúc đẩy hoạt động của hệ thống miễn dịch.

Với một số F0 phải nhập viện, điều trị hồi sức thời gian dài, mất khối cơ và chức năng cơ là vấn đề phổ biến. Vì vậy, trước khi ra viện, bệnh nhân cần được sàng lọc và đánh giá để phát hiện nguy cơ suy dinh dưỡng cấp tính.

Các bác sĩ khuyến cáo, những bệnh nhân bị suy dinh dưỡng cấp tính nên tiếp tục sử dụng chế phẩm dinh dưỡng cao đạm, cao năng lượng ít nhất 1 tháng sau ra viện.