Lâm Đồng: Khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích trồng sầu riêng
Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Trung (ngụ huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ, mặc dù, đã có 1ha sầu riêng cho trái ổn định, nhưng gia đình ông đã quyết tâm mở rộng thêm diện tích canh tác.
Theo ông Trung, lâu nay đầu ra sản phẩm sầu riêng của gia đình chủ yếu bán qua thương lái, giá cả không ổn định nhưng vẫn cao hơn so với một số loại cây trồng khác.
Vì vậy gia đình tăng thêm diện tích trồng sầu riêng hiện có. “Bây giờ bà con ai cũng thế, nông dân mình thấy người nọ trồng sầu riêng, người kia trồng có hiệu quả thì đổ xô trồng, đi chỗ nào cũng thấy trồng sầu riêng” ông Nguyễn Văn Trung nói.
Tượng tự, hộ ông Nguyễn Văn Thế (ngụ huyện Đam Rông) mùa mưa năm 2021, ông đã xuống giống hơn 100 cây sầu riêng trồng xen vào diện tích cà phê đang canh tác.
Ông thế cũng hy vọng rằng, sầu riêng giờ đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nên sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cà phê, hồ tiêu, điều. “Trong thời gian tới, sầu riêng phát triển tốt tôi sẽ phá bỏ cà phê để tập trung chăm sóc cây sầu riêng và mở thêm diện tích trồng sầu riêng”. Ông Nguyễn Văn Thế nói thêm.
Nhận thấy giá trị cao của cây sầu riêng mang lại, không những gia đình ông Trung, ông Thế mà nhiều hộ gia đình khác ở Lâm Đồng đã phá bỏ cà phê, hồ tiêu để trồng loại cây này.
Theo kết quả thống kê, hiện nay diện tích sầu riêng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 17.163 ha, tăng hơn 3.500 ha so với năm 2021; sản phẩm sầu riêng và một số loại cây ăn quả khác trồng thuần, trồng xen trên vườn cây công nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; tăng thu nhập cho người sản xuất.
Tuy nhiên trước tình trạng phát triển nóng về diện tích, mở rộng trồng mới sầu riêng ở vùng không có lợi thế, tự phát chặt phá cây trồng khác để trồng mới sầu riêng; có nguy cơ dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, phá vỡ sự ổn định của thị trường trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng...
UBND các huyện, thành phố tăng cường hướng dẫn nông dân đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật đối với các vườn sầu riêng giai đoạn kinh doanh ổn định; áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) hoặc sản xuất hữu cơ; quản lý dịch hại tổng hợp đối trên cây sầu riêng, đặc biệt là đối với 6 loài sinh vật gây hại thuộc đối tượng kiểm dịch của Trung Quốc theo Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng để nâng cao chất lượng sản phẩm góp phần phát triển sầu riêng bền vững.
Đồng thời, hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã.. đầu tư cơ sở sơ chế, bảo quản chế biến, đặc biệt là chế biến sâu để đảm bảo việc tiêu thụ sầu riêng từ các diện tích trồng xen, không phụ thuộc vào việc xuất khẩu sầu riêng trái tươi đi thị trường Trung Quốc. Khuyến khích các doanh nghiệp hình thành chuỗi giá trị sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ với người dân và mở rộng thị trường xuất khẩu cho các sản phẩm sầu riêng chế biến...
Sở NN&PTNT tỉnh cũng đề nghị các địa phương phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc cấp, quản lý, sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mạo danh, gian lận, sử dụng mã số không đúng mục đích.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng) vừa qua Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt cấp thêm 32 mã số vùng trồng sầu riêng, 3 cơ cở đóng gói với diện tích vùng nguyên liệu trên 2.000ha trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lâm Đồng đã có 33 mã số vùng trồng và 5 cơ sở đóng gói được cấp mã số đóng gói.