Làm rõ dấu hiệu lừa đảo dự án trồng Sâm Ngọc Linh của Công ty Mỹ Hạnh
Những ngày qua, nhiều người dân đã tập trung tại trụ sở Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh ở 39 Nguyễn Quốc Trị, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp khi góp vốn đầu tư vào dự án trồng Sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và Kon Tum của công ty này.
Một số người dân còn viết đơn tố giác gửi Công an quận Cầu Giấy vào cuộc điều tra làm rõ về việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua quảng cáo, giới thiệu đang đầu tư dự án trồng cây Sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum và huy động người dân góp vốn.
Theo ghi nhận của phóng viên chiều 7/8, cửa chính của trụ sở Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh đã kéo xuống. Ngay ngoài cửa có dán thông báo "Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh không thanh toán tiền thuê nhà, tiền điện, chủ nhà chấm dứt hợp đồng thuê văn phòng từ ngày 1/8 vừa qua; đề nghị quý khách hàng của Mỹ Hạnh đến làm việc liên hệ với Công ty Mỹ Hạnh, nếu không liên hệ được lên báo với cơ quan chức năng, chính quyền giải quyết, không gây mất trật tự ảnh hưởng đến chủ nhà và các đơn vị khác đang hoạt động tại đây."
Tuy nhiên, một số người dân vẫn kiên trì đợi ở trụ sở mong được gặp lãnh đạo Công ty, để đợi câu trả lời thỏa đáng, vì lo sợ mất khoản tiền đầu tư đã góp vào Công ty này.
Quan sát và đọc các bản hợp đồng người dân ký với Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh cho thấy nội dung ký kết đều ghi hợp tác đầu tư trồng sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và Kon Tum. Cầm trên tay bản hợp đồng đã ký, bà Đào Thị Bảo, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết trước khi ký hợp đồng góp vốn, tư vấn viên giới thiệu dự án này được Nhà nước ưu đãi đầu tư, cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh vay 16.000 tỷ đồng. Người dân đầu tư vào đây vừa ích nước vừa lợi nhà, góp phần xây dựng đất nước.
Đồng thời, theo đơn tố giác của người dân, khi ký hợp đồng đầu tư góp vốn với Công ty, người dân được hứa hẹn sau 1 năm, công ty sẽ trả cả gốc lẫn lãi với số tiền lãi hàng tháng là 2%.
Nhưng đến nay, nhiều người không nhận được cả tiền lãi lẫn tiền gốc. Điển hình như trường hợp gia đình bà Trần Thị Oanh, trú tại quận Hà Đông, đã thực hiện 13 hợp đồng góp vốn với tổng giá trị 4,4 tỷ đồng là toàn bộ số tiền tích góp của cả gia đình, bán 1 ngôi nhà và vay ngân hàng. Thậm chí, ngày chồng nhập viện cấp cứu cần tiền, bà Oanh xin rút tiền cũng không được. Bà Trần Thị Oanh chua xót bày tỏ, "già rồi, cần có tiền để chữa bệnh, giờ gần như trắng tay."
Qua điều tra, xác minh bước đầu, cơ quan công an xác định được, Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh đăng ký 58 ngành nghề kinh doanh; thực hiện hàng loạt quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội, trang web và tổ chức các hội thảo mời người dân đến. Theo đó, rất nhiều người đã tin theo lời quảng cáo, giới thiệu mà thực hiện các hợp đồng góp vốn hợp tác đầu tư trồng sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và Kon Tum của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh.
Cán bộ Đội Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Kinh tế và Chức vụ, Công an quận Cầu Giấy, cho biết cơ quan Công an đang xác minh làm rõ nội dung, căn cứ pháp lý mà Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh đã tư vấn, giới thiệu về dự án cho khách hàng có thật hay không? Từ đó làm rõ thủ đoạn của đối tượng trong việc thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Hiện cơ quan Công an cũng đang điều tra việc huy động vốn này có diễn ra tại các địa phương khác hay không và dòng tiền của công ty đã đi đâu, sử dụng vào mục đích nào?
Bên cạnh đó, để phục vụ công tác nắm tình hình, phòng ngừa vi phạm pháp luật trong hoạt động của công ty nêu trên, Công an quận Cầu Giấy đã công văn gửi Ủy ban Nhân dân huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, đề nghị cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến thủ tục pháp lý, hoạt động trồng, sản xuất các sản phẩm sâm Ngọc Linh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Mỹ Hạnh, cũng như của Hợp tác xã nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông do bà Phạm Thị Mỹ Hạnh là người đại diện.
Theo công văn trả lời của Ủy ban Nhân dân huyện Kon Plông đã khẳng định: hiện nay, việc trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh Kon Tum chỉ thực hiện tại các xã được cấp chỉ dẫn địa lý thuộc hai huyện là Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Tại huyện Kon Plông chưa triển khai trồng sâm Ngọc Linh và Dự án Nông trại Hữu cơ Tuyết Sơn của Hợp tác xã Nông nghiệp Tuyết Sơn Kon Plông không có nội dung đầu tư trồng sâm Ngọc Linh./.