Làm rõ trách nhiệm thanh tra, kiểm tra trong các sai phạm về đăng kiểm
Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022; chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)…
Phát biểu tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu rõ, vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam là tham nhũng trục lợi, hiện đang được cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng xử lý.
Đây là vi phạm mang tính hệ thống, tồn tại rất lâu dài nhưng đến bây giờ mới xử lý hàng loạt. Thời gian qua, mấy chục địa phương đã tiến hành khởi tố và điều tra các vụ án liên quan đến đăng kiểm.
Đại biểu Thủy đặt vấn đề, với vi phạm mang tính chất hệ thống trên quy mô rộng, “đụng” đến đâu cũng tiến hành xử lý theo quy định tố tụng. Vậy quản lý Nhà nước về đăng kiểm trong suốt thời gian dài có thanh tra, kiểm tra hay không?
“Quản lý Nhà nước trong hoạt động đăng kiểm, thanh tra kiểm tra vừa rồi là như thế nào? Trong thời gian dài thế nào? Qua thanh tra phát hiện được vấn đề gì? Có kiến nghị xử lý hay không mà để xảy ra đến tình trạng như ngày nay là vi phạm có tính chất hệ thống?”, đại biểu đặt vấn đề.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, ai làm sai phải chịu trách nhiệm, nhưng những vấn đề liên quan đến đăng kiểm đã ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt của cả người dân và doanh nghiệp. Do đó, Chính phủ cần có câu trả lời về thanh tra, kiểm tra, chất lượng thanh kiểm tra đối với hoạt động này.
Đề cập đến việc lừa đảo công nghệ cao, đại biểu Thủy cho biết thời gian qua, cử tri, dư luận và nhân dân cảm thấy rất lo lắng, bất an đối với vấn đề lừa đảo qua mạng, lừa đảo qua điện thoại thông minh.
Đại biểu đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng tiếp tục có những giải pháp cụ thể đấu tranh với các loại tội phạm mới phi truyền thống.
Tình trạng lao động mất việc làm, giảm thu nhập là vấn đề thực tế đáng lo ngại
Tham gia ý kiến thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phản ánh, hiện nay tình trạng lao động mất việc làm, giảm thu nhập đang là vấn đề thực tế đáng lo ngại. Đây cũng là vấn đề được phản ánh trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng.
Những tháng đầu năm 2023, số lượt rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục tăng, số doanh nghiệp thành lập mới giảm. Tình trạng này gây ảnh hưởng lớn đến mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong các ngành dệt may, da giày, sản xuất linh kiện điện tử ở nhiều vùng, miền trên cả nước.
Theo đại biểu, nếu không có những giải pháp mạnh mẽ, khả thi, tạo ra chuyển biến, thay đổi rõ rệt thì thị trường lao động sẽ chịu nhiều rủi ro, thách thức, người lao động sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong số những người mất việc làm, giảm thu nhập, phần đông trong độ tuổi thanh niên, là trụ cột gia đình. Tình trạng này kéo dài sẽ gây gánh nặng lớn về mặt an sinh, dễ dẫn đến gia tăng tệ nạn xã hội.
Đại biểu cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã có một số giải pháp tháo gỡ, giải quyết điểm nghẽn như ứng dụng chuyển đổi số trong tìm kiếm nhân lực, việc làm, giải ngân vốn đầu tư công, gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tăng cường kết nối cung-cầu lao động, hỗ trợ người lao động tìm kiếm việc làm, lần đầu tiên triển khai thí điểm sàn giao dịch làm việc trực tuyến toàn quốc; kịp thời hỗ trợ người dân, người lao động bị mất việc, giảm giờ làm.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Đại biểu cho rằng cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để hỗ trợ giải quyết khó khăn cho khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, cắt giảm điều kiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; có cơ chế rõ ràng để tăng cường trách nhiệm giải trình của công chức, người đứng đầu cơ quan hành chính, góp phần giảm tình trạng e sợ, đùn đẩy trách nhiệm; không dám làm, không dám quyết định.
Ngoài ra, cũng cần có giải pháp hỗ trợ thanh niên trong việc học tập, định hướng nghề nghiệp, trang trải tài chính, tìm kiếm việc làm, trong đó, cần có các biện pháp cụ thể và thiết thực như chính sách tín dụng cho sinh viên, miễn giảm học phí, kết nối đơn vị giáo dục dạy nghề với doanh nghiệp để bảo đảm việc làm cho lực lượng lao động trẻ này.