Làm rõ trách nhiệm việc dự án thủy điện Đăk Ba hoàn thành khi chưa được cấp phép đầy đủ
Dự án thủy điện Đăk Ba do Công ty cổ phần Bách Thiên Lộc, trụ sở tại phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Dự án xây dựng trên diện tích 35ha, công suất thiết kế 30MW, với tổng vốn đầu tư 1.085 tỷ đồng trên địa bàn hai xã Sơn Mùa và Sơn Bua, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi.
Từ cuối năm 2020, chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục, công trình thủy điện Đăk Ba. Đến nay, các hạng mục nhà máy thủy điện Đắk Ba, trạm phân phối điện 110kV, khu nhà điều hành, lòng hồ, đập thủy điện, tuyến đầu nối, đường thi công vận hành và kênh xả đã hoàn thiện, chính thức vận hành thương mại từ ngày 14/1/2023.
Mặc dù đã phát điện và hòa lưới quốc gia nhưng phần lớn diện tích và nhiều công trình trọng yếu của dự án thủy điện hàng nghìn tỷ đồng này chưa được giao đất, cho thuê đất và chưa được cấp phép xây dựng.
Trên diện tích 3,5ha, chủ đầu tư chỉ mới được giao đất 3,5ha; được cấp thẩm quyền cấp phép xây dựng công trình Nhà máy thủy điện Đắk Ba, trạm phân phối điện 110kV và khu nhà điều hành.
Dù chưa được cấp ngành chuyển giao nhưng chủ đầu tư đã xây dựng nhiều công trình trọng yếu, đặc thù của thủy điện, đòi hỏi tính an toàn cao.
Trong số 30ha phần lớn của dự án, có 13ha diện giao đất, cho thuê đất và 17,2ha đất lòng hồ diện được giao trách nhiệm quản lý, vận hành. Dù chưa được cấp ngành chuyển giao nhưng chủ đầu tư đã xây dựng nhiều công trình trọng yếu, đặc thù của thủy điện, đòi hỏi tính an toàn cao gồm đập thủy điện, lòng hồ tích nước gần 800 nghìn khối, tuyến đầu nối; đường thi công vận hành và kênh xả nhà máy thủy điện chưa giao đất, chưa cấp phép xây dựng, giám sát theo quy định của pháp luật nhưng doanh nghiệp cũng đã thi công xong.
“Chủ đầu tư tự ý thi công kênh xả từ nhà máy đi qua tuyến đường chính ĐT 02, ĐT 05 của huyện ảnh hưởng đến công trình giao thông khu đô thị. Tuyến xả làm âm nên nhà thầu đập đường giao thông làm tuyến ống bên dưới. Ủy ban xã và phòng chuyên môn huyện lập biên bản và tiếp tục cho thi công vì là công trình lớn”, đại diện chính quyền địa phương cho biết.
Ông Nguyễn Hải Đăng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bách Thiên Lộc cho biết, do đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành nhà máy nên đơn vị vừa xây dựng, vừa làm các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật. “Do lòng hồ vướng tài sản công và các thủ tục chuyển đổi đất cũng vướng nên trong quá trình làm chúng tôi báo cáo lãnh đạo địa phương, cấp ngành mong hỗ trợ nhà đầu tư sớm hoàn tất thủ tục”.
Hồ chứa nước 800 nghìn khối và đập thủy điện xây dựng trái phép khi chưa được giao đất. (Ảnh: ĐÔNG HUYỀN)
Không xử phạt, hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ khi phát hiện sai phạm
Hệ thống nhà máy thủy điện Đăk Ba với nhiều công trình quan trọng chưa được bàn giao đất, nhiều hạng mục chưa cấp phép xây dựng nhưng vẫn vận hành từ trên núi cao bất chấp nguy cơ, rủi ro cho vùng hạ lưu. Thay vì phải xử phạt, tạm dừng thi công để hoàn tất thủ tục pháp lý, cấp phép và có sự giám sát của cơ quan chuyên môn thì chính quyền địa phương, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi lại cho doanh nghiệp tiếp tục xây dựng và dần hoàn tất thủ tục.
Là đơn vị chịu trách nhiệm chính đối với các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh, bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật, thế nhưng đến cuối năm 2022 sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu phần xây dựng công trình cụm đầu mối và đập tiếp nước của thủy điện Đăk Ba. Đề nghị huyện Sơn Tây kiểm tra, xử lý nhà đầu tư xây dựng trái phép nhưng sở Công thương vẫn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho phép thuỷ điện “chui” này tích nước, chạy thử nghiệm thiết bị máy móc.
Đề nghị huyện Sơn Tây kiểm tra, xử lý nhà đầu tư xây dựng trái phép nhưng sở Công thương vẫn tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho phép thuỷ điện “chui” này tích nước, chạy thử nghiệm thiết bị máy móc.
Đồng thời, các sở Công thương, Tài nguyên môi trường, Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi tiến hành họp thẩm định nhu cầu sử dụng, điều kiện cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng để thực hiện dự án; các hạng mục lòng hồ, tuyến đầu nối, đường thi công vận hành, kênh xả nhà máy của dự án này. Theo đó, yêu cầu huyện Sơn Tây và chủ đầu tư cam kết khi thi công dự án không làm ảnh hưởng đến đường dân sinh, rà soát hồ sơ dự án, bổ sung thông báo thu hồi đất do xã quản lý, làm rõ nội dung phần diện tích đất rừng sản xuất thuộc quy hoạch lâm nghiệp…
Ông Võ Văn Rân, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, tỉnh Quảng Ngãi cho tích nước hồ chứa là để chạy thử nghiệm thiết bị máy móc chứ không phải tích nước để vận hành thương mại. “Thẩm quyền cấp phép vận hành thương mại là của cơ quan có thẩm quyền của Trung ương”.
Tuy nhiên, thực tế việc vận hành thương mại của thủy điện Đăk Ba dựa trên kết quả kiểm tra nghiệm thu hạng mục công trình và các thông báo của sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi và cho phép tích nước của tỉnh Quảng Ngãi.
Để giải quyết những sai phạm của doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tây đã kiểm tra, đề xuất phương án giải quyết. Theo đó, nếu xử phạt chủ đầu tư vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng là chưa đủ cơ sở, vì một số hạng mục không cần cấp phép, dự án đã được phê duyệt nên việc xử phạt vi phạm hành chính là không phù hợp; nếu chính quyền địa phương xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai về hành vi chưa được cấp thẩm quyền giao, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất thì doanh nghiệp không đủ điều kiện xem xét chuyển mục đích sử dụng đất, cho thuê đất đối với dự án này. Ngoài ra, yêu cầu chủ đầu tư khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.
Để giải quyết “việc đã rồi”, huyện Sơn Tây đề xuất không xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng và lĩnh vực đất đai đối với doanh nghiệp sai phạm; yêu cầu chủ đầu tư dự án thủy điện khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Để giải quyết “việc đã rồi”, huyện Sơn Tây đề xuất không xử phạt hành chính trong lĩnh vực xây dựng và lĩnh vực đất đai đối với doanh nghiệp sai phạm; yêu cầu chủ đầu tư dự án thủy điện khẩn trương hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ theo quy định của pháp luật.
“Công tác quản lý của địa phương cũng chưa chặt chẽ. Biết công ty làm sai, xử lý và tiếp tục cho làm hoàn thiện chứ nếu trả lại nguyên trạng thì khó vì dự án nghìn tỷ”, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang giải thích.
Nhà máy thủy điện Đăk Ba xây dựng trên đồi cao, ngay trung tâm hành chính huyện Sơn Tây cùng nỗi lo cho khu đô thị miền núi này (Ảnh: ĐÔNG HUYỀN)
Cần làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm sai phạm
Việc thẩm định, giám sát và cấp phép xây dựng cho công trình thủy điện là yêu cầu pháp lý cơ bản. Việc giám sát thiết kế, thi công bảo đảm an toàn đập dâng, hồ chứa, kênh xả, vận hành nhà máy; các giải pháp thiết kế, thi công theo quy mô, cấp công trình và điều kiện tự nhiên vùng núi phải đúng với nội dung cấp phép và chịu sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý.
Trong quá trình xây dựng, nếu có sự sai khác về mặt tự nhiên cơ quan chuyên môn sẽ thẩm định, điều chỉnh thiết kế, kỹ thuật phù hợp.
“Cắt suối, nắn dòng chảy xây dựng các hồ chứa làm thay đổi dòng chảy tự nhiên cần có sự giám sát, kiểm tra chặt chẽ của ngành chức năng. Giám sát thi công theo hồ sơ thiết kế, giấy phép xây dựng chứ khi đã xây dựng xong thì thẩm định kiểu gì, cần gì giấy phép nữa, thi công bên trong có đúng không thì khó mà giám sát được”, anh T.P, kỹ sư xây dựng công trình thủy điện chia sẻ.
Huyện miền núi Sơn Tây có gần 10 dự án thủy điện, là nơi “gánh” nhiều thủy điện nhất tỉnh Quảng Ngãi. Hằng năm, vùng núi này thường liên tục xảy ra động đất và mưa lũ sạt lở núi đe dọa tính mạng bà con các làng bản nơi đây.
Nhà máy thủy điện Đăk Ba xây dựng trên đồi cao, ngay trung tâm hành chính huyện Sơn Tây. Hồ đập chứa nước trên núi cao và nhà máy vận hành ngay trong khu đô thị miền núi và vùng dân sinh hạ lưu rộng lớn khi chưa bảo đảm các quy định của pháp luật thì quả “bom nước” cùng nỗi lo cho khu đô thị miền núi này.
“Tuyến ống rồi hệ thống xả đi qua khu dân cư nếu có chuyện gì thì làm sao xử lý. Mùa mưa lũ ở đây năm nào cũng sạt lở xung quanh làm sao bà con yên tâm”, ông Đinh Văn T. lo lắng.
“Công trình thủy điện đấu nối, vận hành liên hồ chứa nên việc xây dựng thủy điện mới ở các vùng núi tác động lớn đến hệ thống hồ đập, dòng chảy. Phải biết trước, chủ động tính toán dòng chảy liên hồ chứa như thế nào giữa các hồ thủy điện, thủy lợi để điều tiết dung tích, để cắt lũ giảm tác động đến hạ du nếu không nguy cơ lũ chồng lũ khi đồng loạt xả hồ chứa”, chuyên gia khí tượng thủy văn phân tích.
Dư luận đang rất quan tâm trách nhiệm, sự giám sát của chính quyền địa phương, ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi ở đâu khi công trình thủy điện hoàn thành “chui” trên vùng núi thường xuyên xảy ra động đất, sạt lở núi triền miên.