Làm sao đảm bảo an toàn cho học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường?
Tạm hoãn hoạt động tham quan, dã ngoại theo kế hoạch
Sau mỗi sự cố liên quan đến việc bảo đảm an toàn cho học sinh tham gia hoạt động giáo dục ngoài giờ nói chung, nhiều phụ huynh học sinh lại lo lắng, không muốn cho con tham gia.
Có con năm nay học lớp 1 tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội), anh P.T cho biết, theo kế hoạch thì lớp của con anh cũng sẽ đi thăm quan cùng địa điểm mà trường tiểu học Kim Giang mới đi. Anh T. kể: "Dù đã đóng tiền cho con tham gia nhưng gia đình vẫn quyết định cho con ở nhà sau khi biết tin hơn 50 học sinh phải cấp cứu vì nghi ngộ độc thực phẩm sau chuyến dã ngoại mới đây".
Không chỉ anh T. mà phụ huynh nhiều trường ở quận Thanh Xuân cũng nhận được thông báo về việc tạm hoãn hoạt động tham quan, dã ngoại theo kế hoạch sau khi có chỉ đạo của Phòng GD&ĐT quận.
Nhiều sự cố đau lòng
Ngoài sự việc hơn 50 học sinh tiểu học ở Hà Nội bị đau bụng, buồn nôn nghi ngộ độc thực phẩm sau chuyến dã ngoại do nhà trường tổ chức mới đây đang gây xôn xao dư luận thì trước đó, tại Hà Nội và một số địa phương trên cả nước đã xảy ra không ít vụ tai nạn thương tâm khi tham gia tham quan, dã ngoại do trường tổ chức.
Tháng 2 vừa qua, một nam sinh lớp 11 Trường THPT Lý Thánh Tông (huyện Gia Lâm, Hà Nội) bị đuối nước khi đi dã ngoại cùng lớp tại Mai Châu khiến dư luận đau lòng. Hay một học sinh tử vong và hai học sinh bị thương nặng do gặp sự cố khi chơi tàu lượn tại chuyến ngoại khóa do Trường THPT Đông Anh (huyện Đông Anh) tổ chức.
Hoặc vào tháng 1/2021, một học sinh lớp 4 Trường tiểu học Âu Dương Lân (quận 8, TP.HCM) tử vong do đuối nước khi tham gia ngoại khóa của nhà trường...
Hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm nếu như có sự việc đáng tiếc xảy ra
Chia sẻ kinh nghiệm khi tổ chức cho học sinh đi ngoại khóa, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho rằng, các trường phải đưa ra các phương án đảm bảo an toàn và chủ đề giáo dục chứ không thể khoán trắng cho công ty du lịch.
Ví dụ, mỗi năm trường Đinh Tiên Hoàng đưa học sinh đi trải nghiệm 2 đợt và có thể cho học sinh ngủ lại qua đêm nhưng chỉ thuê xe còn lại thầy cô phải lên kế hoạch tỉ mỉ. Yếu tố quan trọng nhất chính là đảm bảo an toàn cho học sinh. Buổi tối, để tránh những chuyện ngoài ý muốn, giáo viên chia đội đi điểm danh từng phòng, quy định giờ giới nghiêm… Các chương trình trải nghiệm phải thiết kế theo chủ đề để học sinh dựa trên chủ đề đó thực hiện, sáng tạo có chấm điểm.
"Không phải vì có sự cố ở đâu đó mà dừng các hoạt động tham quan, học tập ngoại khóa cho học sinh. Điều quan trọng đó là Hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm nếu như có sự việc đáng tiếc xảy ra. Vì thế, phải lên kế hoạch chặt chẽ trong các khâu, yêu cầu học sinh nắm vững nội quy, cảnh báo từ nhà trường và đơn vị tổ chức phối hợp thực hiện. Ban Phụ huynh tham gia lựa chọn địa điểm, đơn vị tốt chức. Phụ huynh hoàn toàn có quyền từ chối các địa điểm không phù hợp, có nguy cơ mất an toàn đối với học sinh", TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, đầu năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản về bảo đảm an toàn trường học, giáo dục an toàn giao thông phòng, chống tai nạn thương tích... cho học sinh. Đối với việc tổ chức hoạt động ngoại khóa, các nhà trường phải xây dựng kế hoạch rõ thành phần tham gia, đơn vị phối hợp thực hiện, thời gian, địa điểm, kinh phí, phương án bảo đảm an toàn, phương án phòng, chống dịch bệnh và lịch học bù cho học sinh, nếu tổ chức vào ngày không được nghỉ theo quy định.
Liên quan đến nội dung này, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khuyến cáo các trường không nên đưa học sinh đi quá xa. Việc xây dựng kế hoạch giáo dục ngoài giờ chính khóa của nhà trường cần bảo đảm hiệu quả giáo dục, có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh và an toàn tuyệt đối cho học sinh. Hiệu trưởng nhà trường hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Giám đốc Sở, tập thể nhà trường và cha mẹ học sinh về việc triển khai.
Các địa phương chấn chỉnh hoạt động trải nghiệm
Để rà soát, chấn chỉnh hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp tại các cơ sở giáo dục, mới đây, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản yêu cầu hoạt động này của các nhà trường phải đảm bảo tính thiết thực, gắn với những mục tiêu, nội dung giáo dục cụ thể, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông; chú trọng công tác an toàn, hiệu quả trong quá trình tổ chức; hạn chế tổ chức toàn trường, nhiều khối hoặc quá đông học sinh trong cùng một thời điểm, đặc biệt không tổ chức các hoạt động trải nghiệm cho học sinh ngoài địa bàn TP.
Sở GD&ĐT Nghệ An cũng mới có văn bản chấn chỉnh việc tổ chức hoạt động tham quan, trải nghiệm cho học sinh. Trong đó, nghiêm cấm lợi dụng việc tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục ngoài nhà trường để thu tiền trái quy định và không đồng loạt đưa học sinh đi tham quan du lịch.
Khi tổ chức dạy học, hoạt động giáo dục ngoài nhà trường yêu cầu các đơn vị phải xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học cụ thể, phù hợp về nội dung, mục tiêu yêu cầu cần đạt của chương trình, thời lượng và điều kiện thực tế của nhà trường.
Sở GD&ĐT Cần Thơ cũng có văn bản chỉ đạo, quy định rõ trách nhiệm và cách thức tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa.
Sở GD&ĐT Phú Thọ yêu cầu việc tổ chức các hoạt động giáo dục ở ngoài trường học phải được thể hiện trong kế hoạch giáo dục của nhà trường đã xây dựng từ đầu năm học. Các hoạt động giáo dục tổ chức ngoài nhà trường phải được trao đổi, bàn bạc và có sự thống nhất với phụ huynh học sinh; phải có sự phối hợp với phụ huynh học sinh và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan để bảo đảm chất lượng, hiệu quả và an toàn tuyệt đối cho người tham gia.