1. Trang chủ /
  2. Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Nhật Bản

Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Nhật Bản

thứ sáu, 15/12/2023 18:31 GMT+07
Chuyến dự hội nghị kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam-Nhật Bản, cũng như giữa Nhật Bản và ASEAN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản tháng 11/2021. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản tháng 11/2021. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản, Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng không (AZEC) và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản từ ngày 15-18/12.

Chia sẻ các giá trị chung

Quan hệ đối tác đối thoại giữa ASEAN và Nhật Bản bắt đầu thiết lập vào năm 1973. Năm 1977, Thủ tướng Nhật Bản Takeo Fukuda là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đã có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ hai, diễn ra ở Kuala Lumpur (Malaysia).

Cùng năm đó, trong chuyến thăm Philippines, Thủ tướng T. Fukuda đã công bố Học thuyết Fukuda lịch sử, vạch ra các nguyên tắc cơ bản trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản đối với ASEAN. Kể từ đó, chính sách ngoại giao "từ trái tim đến trái tim" của ông đã trở thành "điểm tựa" cho mối quan hệ ASEAN-Nhật Bản.

Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản. Quan hệ ASEAN-Nhật Bản đã có những bước tiến vượt bậc kể từ năm 1973. Nhật Bản nỗ lực xây dựng mối quan hệ "từ trái tim đến trái tim," tin cậy lẫn nhau với các nước thành viên ASEAN và cam kết là đối tác bình đẳng nhằm xây dựng hòa bình, thịnh vượng trong khu vực.

Để kỷ niệm cột mốc quan hệ ASEAN-Nhật Bản này, ASEAN và Nhật Bản đã nhất trí chọn năm 2023 là Năm Hữu nghị và Hợp tác ASEAN-Nhật Bản.

Sau 50 năm, quan hệ ASEAN-Nhật Bản phát triển toàn diện và sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, xã hội và hợp tác phát triển.

Nhận định về mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong 50 năm qua, nhiều chuyên gia, học giả cho rằng quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản là một trong những mối quan hệ ý nghĩa và toàn diện nhất của ASEAN với các đối tác, trải rộng trên các lĩnh vực vì hòa bình, thịnh vượng, vì chất lượng cuộc sống và gắn kết từ trái tim đến trái tim.

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, quan hệ ASEAN-Nhật Bản gắn kết sâu sắc là bởi hai bên cùng chia sẻ các giá trị chung của liên kết kinh tế mở, thúc đẩy một cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ và gắn kết người dân.

Những giá trị chung đó đã được các nhà lãnh đạo Nhật Bản, ASEAN cam kết mạnh mẽ và hiện thực hóa bằng những con số đầy ấn tượng trên các lĩnh vực hợp tác nền tảng như chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, văn hóa.

Đơn cử, trên lĩnh vực kinh tế, từ sau năm 2000, Nhật Bản và ASEAN đã ký kết các hiệp định đối tác kinh tế song phương, hiệp định đầu tư song phương và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP).

Trong những năm gần đây, vốn đầu tư trực tiếp trung bình hằng năm của Nhật Bản vào các nước ASEAN đạt khoảng 2,8 nghìn tỷ yen và có khoảng 15.000 cơ sở kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đặt tại các nước ASEAN.

Các doanh nghiệp này không chỉ kết hợp sức tăng trưởng ấn tượng của ASEAN vào nền kinh tế Nhật Bản, mà còn đang tạo ra hàng loạt sản phẩm, dịch vụ và cơ hội việc làm, đóng góp vào sự phát triển kinh tế tại các quốc gia ASEAN.

Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 và đối tác đầu tư lớn thứ 2 của ASEAN. Tổng giá trị xuất nhập khẩu của Nhật Bản với ASEAN tăng 11,6% năm 2022.

Với nền tảng hợp tác trên, theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng, Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Nhật Bản được tổ chức ngay sau khi ASEAN và Nhật Bản thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, là dịp lãnh đạo cấp cao hai bên đánh giá quan hệ hợp tác và đề ra tầm nhìn, định hướng phát triển quan hệ trong thời gian tới cho xứng tầm với khuôn khổ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới được xác lập.

Còn theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno, tại Hội nghị cấp cao sắp tới, Chính phủ Nhật Bản và ASEAN sẽ vạch ra "tầm nhìn mới" về hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio kỳ vọng hội nghị cấp cao đặc biệt mang tính lịch sử này sẽ trở thành một "cơ hội vàng" để trao truyền "tình hữu nghị vàng" giữa Nhật Bản và ASEAN cho thế hệ tiếp theo.

Là thành viên tích cực, chủ động trong ASEAN, Việt Nam luôn ủng hộ sự phát triển mạnh mẽ, gắn kết chặt chẽ hơn nữa của quan hệ ASEAN-Nhật Bản.

Theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu, trên nền tảng mối quan hệ hai nước Việt Nam- Nhật Bản đang phát triển hết sức tốt đẹp, chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ góp phần quan trọng vào thành công chung của Hội nghị, đồng thời thúc đẩy hơn nữa Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện mới được xác lập.

Cũng theo Đại sứ Phạm Quang Hiệu, khi Nhật Bản đưa ra đề xuất tổ chức Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm và thiết lập Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN-Nhật Bản trong năm 2023, Việt Nam sớm ủng hộ và luôn tham gia đóng góp tích cực, kịp thời để cụ thể hóa những đề xuất này, bảo đảm đúng lộ trình mà ASEAN-Nhật Bản đã đề ra từ đầu năm.

Đại sứ khẳng định việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới mà còn góp phần tích cực vào tăng cường hơn nữa quan hệ ASEAN-Nhật Bản, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân Nhật Bản, Việt Nam và ASEAN.

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng không (AZEC) do Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio chủ trì nhằm thúc đẩy hợp tác giảm phát thải carbon, bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Việc tham dự Hội nghị này của Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam về xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện các cam kết tại COP26, cũng như COP28 vừa qua, trong đó có cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

Làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản

Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có các hoạt động song phương tại Nhật Bản. Các hoạt động này của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh hai nước Việt Nam-Nhật Bản đang có có chuỗi các hoạt động sôi động từ đầu năm 2023 đến nay kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và triển khai Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.

Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản thời gian qua phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Các hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cấp cao, đặc biệt là giữa các lãnh đạo của hai nước được tăng cường.

ttxvn-1512vietnamnhatban2-2562.jpg
Tháng 9/2015, trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Abe Shinzo đã ra “Tuyên bố Về Tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.” (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Hợp tác kinh tế tiếp tục là trụ cột chính trong quan hệ song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản. Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế, thương mại, đầu tư hàng đầu của Việt Nam.

Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo cấp cao Nhật Bản; phát biểu tại tọa đàm với các doanh nghiệp Nhật Bản và Diễn đàn kinh tế Việt Nam-Nhật Bản; gặp các lãnh đạo của các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp hàng đầu của Nhật Bản và một số hoạt động quan trọng khác.

"Có thể nói, những hoạt động này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tạo thêm một điểm nhấn, sự kiện quan trọng trong hàng loạt các hoạt động đối ngoại của Việt Nam thời gian qua, đặc biệt trong tháng 12 này," bà Phạm Thu Hằng nói.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio cho biết trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Hội đàm cấp Thủ tướng đầu tiên sau khi nâng cấp quan hệ song phương sẽ được tổ chức.

Theo Đại sứ Phạm Quang Hiệu, việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Nhật Bản không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương trong thời gian tới mà còn góp phần tích cực vào tăng cường hơn nữa quan hệ ASEAN-Nhật Bản.

Lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ có cuộc trao đổi sôi nổi về các hoạt động quan trọng nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế, dựa trên nền tảng quan hệ đối tác mới.

Với thời gian công tác ngắn, nhưng lịch trình nghị sự dày đặc, chuyến công tác Nhật Bản lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính có ý nghĩa rất quan trọng. Kết quả đạt được của chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Nhật Bản, cũng như ASEAN-Nhật Bản cùng nhau đóng góp cho sự phát triển của khu vực và thế giới./.