Lan tỏa nông nghiệp hữu cơ
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn(NNPTNT), sau 3 năm thực hiện đề án, tính đến nay đã có 57/63 tỉnh, thành phố triển khai và nông nghiệp hữu cơ (NNHC) đang lan tỏa. Năm 2021, diện tích đất NNHC đã đạt trên 174 ngàn ha, tăng 47% so với năm 2016, đứng thứ 9/10 nước có diện tích đất NNHC hàng đầu châu Á. Trong đó, diện tích đất trồng trọt hữu cơ hơn 63 nghìn ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ hơn 100 nghìn ha, diện tích thu hái tự nhiên NNHC hơn 12 nghìn ha. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm NNHC đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 nước trên thế giới, hơn 17 nghìn nhà sản xuất, 555 nhà chế biến, 60 nhà xuất khẩu NNHC.
Theo Bộ NNPTNT, đã có hơn 90% các địa phương trên cả nước quan tâm và chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích sản xuất hữu cơ, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng người sản xuất, doanh nghiệp (DN). Số lượng các mô hình sản xuất và liên kết sản xuất, tiêu thụ theo quy trình canh tác hữu cơ tại các địa phương ngày càng nhiều giúp cho diện tích sản xuất hữu cơ tăng nhanh, qua đó nâng cao chất lượng nông sản so với canh tác theo phương thức truyền thống. Nhận thức và sự quan tâm của xã hội, người tiêu dùng đối với các sản phẩm NNHC có chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và được chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế ngày càng được nâng lên.
Chia sẻ về xu hướng tiêu dùng sản phẩm hữu cơ thế giới tại diễn đàn “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm NNHC và các sản phẩm chế biến” diễn ra chiều 28/9 tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp nhận định, người tiêu dùng đang dần nhận thức rõ tầm quan trọng của sản phẩm hữu cơ đối với môi trường, sức khỏe con người và tạo ra hệ sinh thái bền vững, nhất là trong bối cảnh hậu Covid-19.
Theo ông Tiến, doanh số bán lẻ sản phẩm hữu cơ trên toàn cầu đã tăng 15% lên 129 tỷ USD vào năm 2020. Thị trường sản phẩm hữu cơ đã tăng mạnh lên 188 tỷ USD vào năm 2021, và ước đạt 208 tỷ USD năm 2022. Bắc Mỹ và Châu Âu chiếm hầu hết doanh số bán hàng, với 90% thị phần. Tuy nhiên, hầu hết tăng trưởng đến từ các khu vực khác, đặc biệt là châu Á. Thị trường sản phẩm hữu cơ đang trở nên quan trọng ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… Thị trường này vẫn chủ yếu là rau quả hữu cơ, trong đó trái cây nhiệt đới, các loại hạt và gia vị chiếm tỷ lệ chính. Đặc biệt, những nông sản này đều là những mặt hàng xuất khẩu chính và có lợi thế của Việt Nam.
Để phát triển thị trường sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam, ông Tiến nhấn mạnh việc xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng, sản phẩm cần đa dạng chủng loại, mẫu mã để người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng.
Bên cạnh đó, các DN cũng cần nắm bắt được các xu thế tiêu dùng nói chung và xu thế tiêu dùng sản phẩm hữu cơ nói riêng như sự chuyển dịch sang mua sắm tại nhà hay gia tăng số lượng các tiêu chuẩn bền vững và quy trình ghi nhãn mác sản phẩm về kiểm dịch động thực vật hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao chia sẻ, xã hội luôn cần loại thực phẩm tốt nhất và nông sản hữu cơ cần được đứng ở vị trí dẫn dắt như tiêu chuẩn mà nền nông nghiệp nên hướng tới. Tuy nhiên, phải cần xem xét thực trạng kinh tế, khả năng tiêu dùng nói chung của người dân. Vì vậy, vẫn cần khuyến khích các loại thực phẩm an toàn và sạch, đáp ứng nghiêm túc các tiêu chuẩn cần thiết. Các DN nông nghiệp đang sản xuất hay kinh doanh nông sản và thực phẩm hữu cơ đều có chung một điểm là cần thiết phải giữ vững niềm tin của người tiêu dùng với chất lượng sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam.
“Mỗi người cần đề cao trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn sự vi phạm về chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm, cũng là cho mình và cho nền kinh tế nói chung. Ngoài ra công tác truyền thông, thông tin sát thực, kiên trì để mọi người phân biệt được trước nhất là sản phẩm an toàn, sạch và hữu cơ khác nhau thế nào, cần cho ai, như thế nào” - bà Hạnh nhấn mạnh.