Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất: Dấu ấn một Liên hoan phim trẻ, tươi mới, giàu sức sống
Phim Việt thắng lớn
Sau gần một tuần diễn ra với nhiều hoạt động sôi động, hào hứng và đầy màu sắc, Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần thứ nhất (DANAFF I) đã khép lại với nhiều dư âm tốt đẹp.
Tham dự Liên hoan phim lần này có 26 bộ phim của Việt Nam và 10 bộ phim đến từ nhiều nước trong khu vực, tranh tài ở hai hạng mục gồm: “Giải thưởng Phim châu Á - ASIAN Film Award” và hạng mục “Giải thưởng Phim Việt Nam”. Bên cạnh đó, giải NETPAC cho phim Việt Nam xuất sắc được chọn trong phim Việt Nam dự thi và Giải khán giả cho phim Việt Nam được yêu thích nhất do khán giả bình chọn trong các phim tham dự Chương trình “Điện ảnh Việt Nam hôm nay”.
Buổi lễ bế mạc DANAFF I tại nhà hát Trưng Vương, TP. Đà Nẵng, trong tổng số 12 giải thưởng thuộc 2 hạng mục, điện ảnh Việt Nam thắng lớn khi những bộ phim Việt Nam đình đám đã liên tục được xướng tên.
Ở hạng mục Phim Việt Nam dự thi, “Nhà bà Nữ” của Trấn Thành đoạt giải Phim Việt hay nhất, đồng thời Trấn Thành cũng “ẵm” về giải Đạo diễn xuất sắc nhất. Giải đặc biệt của Ban Giám khảo ở hạng mục này được trao cho phim “Đêm tối rực rỡ”. Bộ phim này cũng tiếp tục đại thắng với giải Diễn viên nam chính xuất sắc nhất (Huỳnh Kiến An), Diễn viên nữ chính xuất sắc nhất (Nhã Uyên) và giải Kịch bản xuất sắc nhất (biên kịch Nhã Uyên và Aaron Toronto).
Tại hạng mục Phim châu Á, bộ phim Việt Nam “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn trẻ 9X Hà Lệ Diễm đã xuất sắc vượt qua 11 phim khác để giành Giải phim hay nhất. Trong số các “đối thủ” nặng ký đó, phải kể đến 3 phim nước ngoài là “Joyland” (phim được công chiếu tại Liên hoan phim Cannes); “White Building” (phim tranh giải trực tiếp tại Liên hoan phim Venice); “World war III” (phim được Iran chọn làm đại diện dự thi Oscar) và cả bộ phim Việt Nam gây nhiều tiếng vang “Tro tàn rực rỡ” (phim đoạt giải Quả cầu vàng tại Liên hoan phim 3 châu lục năm 2022 tại Nantes, Pháp).
Liên hoan phim DANAFF I cũng trao các giải thưởng Phim Việt Nam được yêu thích nhất do khán giả bình chọn cho “Siêu lừa gặp siêu lầy” của đạo diễn Võ Thanh Hòa; Giải NETPAC được trao cho phim “Memento Mori: Đất” của đạo diễn Vũ Mạnh Cường.
“Chạm” đến trái tim
Tại DANAFF I, hạng mục Phim châu Á dự thi rất được mong chờ vì nó đem lại những món ăn “lạ” mà khán giả Việt Nam không thường xuyên được thưởng thức. Hạng mục này càng trở nên đặc biệt bởi thể lệ đăng ký gửi phim dự thi không chỉ dành cho phim sản xuất bởi các nước châu Á - Thái Bình Dương mà Liên hoan phim còn nhận đơn đăng ký cho cả ba thể loại: Phim truyện điện ảnh, phim tài liệu, phim hoạt hình.
Đúng như kỳ vọng, một trong những bộ phim nổi bật nhất, phải kể tới “World war III” với 2 giải danh giá, đó là Giải Đặc biệt do Ban Giám khảo bình chọn cùng Giải Nam chính xuất sắc dành cho Mohsen Tanabandeh. Trước đó, “World war III” cũng đã giành được 13 giải thưởng cùng 8 đề cử tại nhiều Liên hoan phim quốc tế.
“World war III” xoay quanh câu chuyện Shakib (Mohsen Tanabandeh đóng) - một người lao động vô gia cư đã mất vợ và con trai trong một trận động đất trước đó nhiều năm. Sau đó, anh đã có mối quan hệ với Ladan (Mahsa Hejazi) - một cô gái mại dâm bị câm điếc. Địa điểm xây dựng mà Shakib đang làm việc hóa ra là bối cảnh của một bộ phim về những hành động tàn bạo của Hitler trong Thế chiến II. Shakib được giao một vai trong phim nhờ ngoại hình của mình và ở tạm trong một căn nhà dựng làm bối cảnh. Khi Ladan biết về vai diễn, cô đã đến nơi làm việc của anh để nhờ giúp đỡ. Kế hoạch che giấu Ladan của Shakib thất bại và dẫn đến nguy cơ mất đi cơ hội đổi đời mà anh đang nắm giữ...
Trong phim, Houman Seyyedi đã khiến khán giả đi từ bất ngờ này qua bất ngờ khác với câu chuyện cùng cực và bi đát về thân phận con người. Tên phim “World war III” cũng đem lại nhiều suy ngẫm, bởi khi xã hội loài người đã trải qua vô vàn những cuộc chiến tranh, nhưng cuộc chiến mỗi người luôn phải đối mặt, đó là chính là bản thân mình.
Bộ phim tài liệu của Việt Nam “Những đứa trẻ trong sương” lại kể câu chuyện về tuổi thơ bị đánh mất của một cô bé người dân tộc Mông. Phim làm theo phong cách tài liệu trực tiếp, được đạo diễn tự quay và trải nghiệm cuộc sống bên một gia đình người Mông. Đạo diễn Hà Lệ Diễm cho biết, khi bắt đầu làm “Những đứa trẻ trong sương”, kinh nghiệm sống và kinh nghiệm làm phim với cô đều còn quá ít ỏi. Quá trình thực hiện tác phẩm đã giúp Diễm hiểu hơn về thực tế cuộc sống của người Mông ở miền núi phía Bắc, giúp cô lớn lên rất nhiều, cả về con người, suy nghĩ và nghề nghiệp.
“Với “Những đứa trẻ trong sương”, tôi muốn lưu giữ những khoảnh khắc đẹp nhất của tuổi thơ. Khi nhìn nhân vật Di trong phim, tôi có suy nghĩ không biết Di lớn lên sẽ thay đổi như thế nào?... Tôi muốn kể câu chuyện về cảm giác cô đơn, buồn bã của một cô bé đang lứa tuổi lớn lên, không ai hiểu mình, lạc lõng và đối diện nhiều vấn đề của thế giới người lớn”, đạo diễn Hà Lệ Diễm chia sẻ.
Trong khi đó, với “Memento Mori: Đất”, đạo diễn Vũ Mạnh Cường đưa câu chuyện về một bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối từ sách lên phim bằng ngôn ngữ điện ảnh thanh thoát, đầy cảm xúc cùng với ánh sáng, góc máy sáng tạo. Ban Giám khảo nhận xét, bộ phim đã khai thác những khoảnh khắc đầy nghệ thuật của nỗi buồn, đại diện cho tiếng nói mới của điện ảnh Việt.
NSND Lan Hương - thành viên Ban Giám khảo hạng mục Phim Việt Nam nhận xét, DANAFF I mang đến nhiều bộ phim rất tốt ở nhiều hạng mục khác nhau. Còn theo NSND Như Quỳnh - thành viên Ban Giám khảo hạng mục Phim châu Á, để nâng cao thương hiệu điện ảnh Việt Nam, một trong những việc cốt yếu là nâng cao chất lượng Liên hoan phim. Trong đó, cần nâng cao chất lượng giải thưởng, chất lượng các phim tham gia Liên hoan, quốc tế hóa Ban Giám khảo...
“Muốn có một liên hoan phim chất lượng, trước hết phải tập hợp được nhiều bộ phim hay, thu hút sự tham gia của đông đảo đội ngũ làm phim, bên cạnh đó là đội ngũ giám khảo quốc tế và trong nước có uy tín, trao giải cho những tác phẩm xứng đáng. Đó là những điều mà DANAFF đã làm được và thực sự lan tỏa”, NSND Như Quỳnh nói.
Thêm một cánh cửa để điện ảnh Việt Nam hội nhập
Lần đầu tiên được tổ chức, DANAFF I được các đại biểu, khách mời khen ngợi tiệm cận được với mô hình của nhiều Liên hoan phim quốc tế trên thế giới. Trong đó, Ban Giám khảo, đại biểu, khách mời tham dự chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ DANAFF I là các ngôi sao, chuyên gia điện ảnh, các nhà làm phim, nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam và quốc tế.
Theo TS. Ngô Phương Lan - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Liên hoan phim DANAFF 2023, dù là kỳ mở màn, nhưng DANAFF I đã cho thấy sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức; chất lượng cao của các phim được tuyển chọn dự thi và chiếu giới thiệu tại các chương trình.
“Khó thể so sánh Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng với các Liên hoan phim lâu năm và nổi tiếng trong khu vực nhưng chúng tôi ý thức rõ trách nhiệm xây dựng Liên hoan phim theo thông lệ quốc tế, nhưng có dấu ấn của thành phố biển Đà Nẵng tươi đẹp và hiện đại. Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng đã thực sự tạo được dấu ấn riêng của một Liên hoan phim trẻ, tươi mới, giàu sức sống, hứa hẹn sẽ là thương hiệu Liên hoan phim có chỗ đứng trong khu vực” - TS. Ngô Phương Lan đánh giá.
Cùng với Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, Liên hoan phim Việt Nam được tổ chức 2 năm/lần và Giải Cánh diều, DANAFF được coi là thêm một cánh cửa để điện ảnh Việt Nam phát triển và hội nhập quốc tế. Với sự khởi đầu thành công, DANAFF I mở ra tương lai trở thành sự kiện điện ảnh tầm cỡ thường niên, khích lệ những sáng tạo mới, góp phần phát triển công nghiệp điện ảnh trong khu vực nói chung, Việt Nam nói riêng.