1. Trang chủ /
  2. Liên hoan Văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam 2023: Chung tay giữ hồn dân tộc

Liên hoan Văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam 2023: Chung tay giữ hồn dân tộc

chủ nhật, 30/4/2023 12:40 GMT+07
Tối 29/4, Liên hoan Văn hóa Nghệ thuật dân gian Việt Nam lần 2 năm 2023 chính thức khai mạc tại khu vực đường đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM, thu hút đông đảo người dân và khu khách đến tham dự.
Các nghệ nhân trình diễn tiết mục "Mời trầu" của dân ca quan họ Bắc Ninh - Ảnh: Vũ Hường Các nghệ nhân trình diễn tiết mục "Mời trầu" của dân ca quan họ Bắc Ninh - Ảnh: Vũ Hường

Liên hoan do Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn TP.HCM phối hợp tổ chức, nhằm thiết thực chào mừng 48 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023).

Với chủ đề “Chung tay giữ hồn dân tộc”, Ban tổ chức mong muốn làm giàu thêm kiến thức văn hóa nghệ thuật truyền thống cho giới trẻ, tạo điều kiện tham quan, vui chơi, giải trí, tìm hiểu các loại hình văn hóa dân gian Việt Nam cho người dân và du khách quốc tế. Đồng thời, tăng cường sự đoàn kết, giao lưu văn hóa của các nghệ nhân, nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật dân gian.

Liên hoan Văn hóa Nghệ thuật dân gian Việt Nam lần 2 năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 29/4 đến 1/5/2023, với nhiều chương trình đặc sắc.

Tại đêm khai mạc, các nghệ sĩ, nghệ nhân từ nhiều địa phương trên cả nước đã giới thiệu đến công chúng các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc, như Quan họ Bắc Ninh, Bài Chòi, Đờn ca tài tử, Múa bóng rỗi, múa Rô băm của đồng bào Khmer, múa trống Chhay-dăm của đồng bào Khmer tại Tây Ninh,…

Múa trống Chhay-dăm là một điệu múa dân gian độc đáo của người Khmer, thường được biểu diễn trong các ngày lễ hội như Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dolta, Ook om bok,… Trống Chhay - dăm là loại trống bịt da một mặt, tang trống làm bằng thân cau già đục rỗng ruột. Để có thể thực hiện các động tác trong bài múa Chhay-dăm, người múa phải có sức khỏe, sự dẻo dai, biết khéo léo kết hợp hài hòa giữa tiết tấu của trống với điệu bộ hình thể. Múa trống Chhay-dăm được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2014.

Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ của Việt Nam được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2017. Bài Chòi Trung bộ Việt Nam xuất hiện từ cách đây hàng trăm năm. Nguồn gốc của Bài Chòi được cho là bắt nguồn từ công cuộc khẩn hoang. Người dân khi ấy dựng chòi trên những khu đất rừng mới vỡ để canh chừng thú dữ, bảo vệ hoa màu. Trong chòi có để các nhạc cụ như mõ, canh, trống nhằm tạo tiếng động xua thú dữ. Và nghệ thuật Bài Chòi đã ra đời như một thú vui lúc nhàn rỗi của người dân ở đây. Ngày nay, Bài Chòi vẫn được thịnh hành ở các tỉnh thành khắp miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Định…

Múa Rô băm là loại hình nghệ thuật múa dân gian sáng tạo, đầy tài năng của người nghệ sĩ Khmer, là loại kịch múa cổ điển trên sân khấu cung đình của người Khmer xưa và đã đạt đến trình độ nghệ thuật rực rỡ. Xuất hiện trong đời sống xã hội người Khmer từ xa xưa, múa Rô băm được biểu diễn vào dịp các lễ tết của cộng đồng như: Lễ cầu an, tết Chol Chnam Thmay, lễ dâng bông, lễ Đol Ta, lễ cúng trăng Ook-Om-bok,…

Dân ca Quan họ là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam. Dân ca quan họ Bắc Ninh đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2009, sau nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên và cùng đợt với Ca trù…

Biểu diễn Quan họ Bắc Ninh thu hút đông đảo công chúng thưởng thức.
Biểu diễn Quan họ Bắc Ninh thu hút đông đảo công chúng thưởng thức.
Biểu diễn múa trống Chhay-dăm của đồng bào Khmer tại Tây Ninh.
Biểu diễn múa trống Chhay-dăm của đồng bào Khmer tại Tây Ninh.
Trình diễn Múa bóng rỗi vô cùng độc đáo.
Trình diễn Múa bóng rỗi vô cùng độc đáo.
Múa Rô băm của đồng bào Khmer.
Múa Rô băm của đồng bào Khmer.

Trong những ngày tiếp theo, công chúng và du khách sẽ được giới thiệu thêm về các lọai hình văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam, các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh hoặc di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: Ca trù, Cồng chiêng, Múa Xòe múa Sạp, Hát Then đàn Tính, Múa rối Tày, Sình ca, Hầu đồng, Chèo, Xuân phả, Bài chòi, Múa Chăm, Cổ nhơn, Hát bội Bình Định, Nhạc Lễ, Múa bóng rỗi, Múa Khmer - Múa Chằng (Yeak Sava), Xây chầu đại bội, Hò – Lý, Sơn Đông mãi võ; giao lưu nghệ thuật văn hóa dân gian các nước ASEAN…

Bên cạnh không gian của các sân khấu, Liên hoan năm nay cũng sẽ tái hiện 17 trò chơi dân gian, trong đó có thể kế đến như: Ô ăn quan, nhảy dây, lò cò, cà kheo, Bài chòi, đập niêu....

Theo NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Tổng đạo diễn Liên hoan, tất cả diễn xướng dân gian sẽ được thể hiện trên một không gian đậm đà bản sắc, mang đặc trưng của vùng đất mà tác phẩm dân gian ra đời. Đặc biệt, nét đặc sắc về văn hóa truyền thống của ba miền Bắc - Trung - Nam, những giá trị bất biến qua thời gian sẽ được trải nghiệm một cách mới mẻ hơn, thông qua các hình ảnh chủ đạo từ những vật dụng quen thuộc gắn bó với dân tộc, quê hương, chất liệu truyền thống mộc mạc giản dị mang đậm hồn cốt của dân tộc Việt.

Để giúp du khách nước ngoài cảm thụ nhiều hơn về các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian Việt Nam, tại các khu vực trong Liên hoan đều có phần giới thiệu khái quát bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

Tại đêm khai mạc, BTC tặng hoa và kỷ niệm chương tri ân các nghệ nhân tiêu biểu, trao học bổng hỗ trợ tài năng cho nghệ nhân nhí.