Liên kết vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ: Doanh nghiệp phải chung tay xóa 'lõi nghèo'
Tiềm năng chưa được khai phá
Phát biểu tại Diễn đàn “Liên kết DN thúc đẩy phát triển bền vững vùng TD&MNBB” do VCCI chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn DN tổ chức chiều 27/9, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết, vùng TD&MNBB có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế, thuận lợi kết nối giao thương với Trung Quốc và ASEAN.
Trong đó, tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biên mậu, là vùng giàu tài nguyên, khoáng sản; thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản; hội tụ đầy đủ nhiều tiềm năng du lịch đặc sắc; đặc biệt, đây là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng.
Tuy nhiên, lợi thế của vùng vẫn chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Trong đó, vùng TD&MNBB vẫn là "vùng trũng" trong phát triển kinh tế và là "lõi nghèo" của cả nước, liên kết vùng còn chưa chặt chẽ.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết, vùng TD&MNBB đã có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước song quy mô còn khiêm tốn (chỉ chiếm khoảng 8-9% GRDP cả nước), chưa địa phương nào trong Vùng tự cân đối được ngân sách, phát triển vùng ở nhiều lĩnh vực còn thấp hơn mức trung bình cả nước. Tỷ lệ nghèo đa chiều của Vùng năm 2022 là 22%, gấp gần 3 lần bình quân cả nước.
Về DN, các tỉnh vùng TD&MNBB mới chỉ có mật độ DN chưa bằng 1/3 mức trung bình của cả nước. Tính đến hết năm 2022 toàn vùng mới chỉ có 39.341 DN. Và có tới 8 tỉnh trong Vùng góp mặt trong nhóm 10 tỉnh có số DN hoạt động thấp nhất cả nước…
Liên kết để phát triển
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã chỉ đạo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 37 và ban hành Nghị quyết 11 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng TD&MNBB đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu phát triển vùng TD&MNBB trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện và là hình mẫu phát triển xanh của cả nước.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 96/NQ-CP ngày 01/8/2022 với 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Đồng thời đề ra 17 nhiệm vụ cụ thể, 33 dự án liên vùng, kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện với lộ trình thời gian cụ thể.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước nói tới rất nhiều điểm “mới”. Với tư duy mới, tầm nhìn mới, lộ trình phát triển mới, vận hội mới… chính là nền tảng quan trọng, giúp “vùng lõi nghèo” miền núi Bắc Bộ phát triển đột phá trong thời gian tới..
“Tư duy mới là khi không chỉ Chính phủ, các cơ quan hoạch định chính sách, mà từng địa phương đều hiểu rõ rằng, liên kết là để phát triển và muốn phát triển thì phải liên kết…” - ông Phòng nhấn mạnh
Đồng thời lưu ý, liên kết chặt chẽ là khi không chỉ chính quyền mà ngay cả DN cùng chung tay xây dựng một quy hoạch chung cho toàn vùng.
Liên kết để hình thành và phát triển hệ thống đô thị kết nối nội vùng với các đô thị lớn Vùng Đồng bằng sông Hồng, phát triển các chuỗi liên kết, trung tâm kinh tế đô thị vùng gắn với các đô thị vùng biên giới.
Liên kết để hình thành một số cực tăng trưởng và trung tâm kinh tế của Vùng, song hành với phát triển hành lang kinh tế, gắn với không chỉ hệ thống giao thông kết nối, mà còn với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương trong vùng, tránh cạnh tranh lẫn nhau bằng mọi giá.
Chính sự liên kết toàn diện này sẽ giúp các địa phương trong vùng biến thách thức thành cơ hội, biến thách thức thành cơ hội, biến tiềm năng thành tiềm lực, biến tiềm lực thành nguồn lực, để Vùng TD&MNBB có thể phát triển đột phá, bắt kịp các vùng kinh tế động lực khác.
Nếu liên kết vùng tại tất cả các vùng được đẩy mạnh, thì tình hình kinh tế - xã hội của từng vùng và của cả nước chắc chắn sẽ có bước đột phá. Quan trọng hơn cả, khi liên kết nội vùng được phát triển, DN sẽ tìm thấy sức hút riêng có của Vùng.
“Đất có lành, chim mới đậu”, liên kết vùng Trung du miền núi Bắc Bộ không chỉ đem đến động lực mới cho vùng mà còn đem đến sự kết nối từ chính mối dây DN…” - Lãnh đạo VCCI nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị VCCI với kinh nghiệm quốc tế sâu rộng quan tâm nghiên cứu giải pháp để hỗ trợ các địa phương xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy việc liên kết giữa các DN trong nước với các DN FDI, qua đó xây dựng chuỗi giá trị toàn cầu bền vững theo đúng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 đã được Quốc hội ban hành tại Nghị quyết 81/2023/QH15. Đồng thời, tích cực tư vấn, hỗ trợ các địa phương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các thành phần kinh tế, từ đó giúp nâng cao năng lực cạnh tranh toàn vùng.