Liên kết xây dựng thương hiệu du lịch di sản, biển đảo mang tầm quốc tế
Giàu tài nguyên, yếu thương hiệu
Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung (gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định) hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi nổi bật để phát triển kinh tế du lịch với đa dạng sản phẩm và loại hình du lịch. Nơi đây hội tụ chuỗi bãi biển sạch, đẹp có thể liên kết hình thành các không gian du lịch biển đảo độc đáo và hấp dẫn.
Khu vực này còn sở hữu hệ thống di tích lịch sử, văn hóa dày đặc, có nhiều di sản thế giới như Quần thể Di tích Cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Nhã nhạc Cung đình Huế, Di sản Bài chòi…
Cùng với đó là hệ thống quần thể sinh thái đa dạng như Khu dự trữ sinh quyển Cù lao Chàm, khu bảo tồn Bà Nà-Núi Chúa, Bán đảo Sơn Trà, khu bảo tồn sinh thái biển Cù lao Xanh, khu bảo tồn biển Lý Sơn…
Đây là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch di sản, văn hóa, du lịch sinh thái.
Đặc biệt, diện mạo kiến trúc mang bản sắc của các đô thị du lịch như Huế, Đà Nẵng, Hội An cũng tạo nên những điểm hấp dẫn thu hút du khách. Với Cố đô Huế là các tổ hợp kiến trúc cung đình điểm xuyết vào thiên nhiên một cách khéo léo để TP. Huế luôn giữ được vẻ đẹp của thiên nhiên, thanh bình, thơ mộng "rất Huế". Còn Đà Nẵng là thành phố trẻ trung, năng động với những cây cầu bắc qua sông Hàn, những tổ hợp du lịch đẳng cấp thế giới, những tuyến phố sạch, thông thoáng. Trong khi đó, Thành phố Hội An với lối kiến trúc xưa, những góc phố rêu xanh, tạo nên một bức tranh cổ kính bình dị thu hút du khách gần xa…
Trong những năm qua, du lịch Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung phát triển nhanh nhờ khai thác khá hiệu quả tài nguyên để hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn phục vụ du khách, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra nhiều việc làm.
Theo thống kế, giai đoạn 2015-2019, tốc độ tăng trưởng du lịch của vùng đạt 8,66%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước 7,29%/năm. Tổng lượng khách du lịch đến khu vực giai đoạn 2015-2019 đạt 101, 29 triệu lượt, tăng bình quân 20,31%/năm, trong đó có 36,67 triệu lượt khách quốc tế.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, trong quá trình phát triển du lịch, Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cũng như cả khu vực miền Trung đã bộc lộ những vấn đề cần giải quyết, nhất là chưa phát huy hết tiềm năng, thiếu chiến lực chung và thiếu sự liên kết chặt chẽ trong phát triển du lịch. Đặc biệt, từ năm 2020, dịch COVID-19 đã tạo nên thách thức lớn trong phát triển kinh tế du lịch bền vững ở miền Trung. Hoạt động du lịch bị đứt gãy kéo dài trong 2 năm liên tiếp khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở kinh doanh dịch vụ kiệt quệ, nhiều lao động rời bỏ ngành du lịch.
TS. Trịnh Thị Thu (Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ) cho rằng hoạt động đầu tư phát triển du lịch tại miền Trung còn dàn trải, các điều kiện cơ sở vật chất, công tác quy hoạch, chiến lực mang tính liên tỉnh, liên vùng và quốc tế… chưa được sự quan tâm đúng mức. Sản phẩm du lịch còn manh mún, nhỏ lẻ, chồng chéo, trùng lặp, lãng phí và cạnh tranh lẫn nhau, còn yếu thế về hiệu và cạnh tranh quốc tế. Tính liên kết giữa các địa phương lỏng lẻo, phần lớn là nhờ vào "hữu xạ tự nhiên hương", chưa tạo thương hiệu chung mang tầm khu vực và quốc tế.
Cùng tạo dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo
Từ những đánh giá trên, TS. Trịnh Thị Thu cho rằng liên kết là giải pháp quan trọng nhất để khai thác tối đa giá trị tài nguyên, tạo ra sản phẩm, thương hiệu hấp dẫn mang tầm quốc gia và khu vực. Cùng với liên kết, cần ưu tiên hợp tác hoàn hoàn thiện quy hoạch vùng, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng, tuyến đường ven biển nối liền các trung tâm du lịch, kết nối đầu tư hình thành chuỗi du lịch biển. Khai thác có hiệu quả các sân bay, đầu tư cảng biển chuyên dùng cho du lịch quy mô lớn kết nối vùng với đường biển quốc tế, kết nối với con đường di sản Đông Dương, với khu vực Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan.
Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bình Định cho rằng với tiềm năng, lợi thế của Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, việc liên kết phát triển các sản phẩm du lịch di sản, lễ hội, cộng đồng, biển đảo, nghỉ dưỡng chữa bệnh, nông nghiệp… là định hướng phù hợp. Trong đó, xác định du lịch biển là thế mạnh, lợi thế đặc trưng nhất để đầu tư theo hướng chuyên sâu, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo, không trùng lặp giữa các địa phương.
Cùng với đó, cần định hướng Huế là trung tâm du lịch di sản, trung tâm y tế chuyên sâu với loại hình du lịch khám chữa bệnh cao cấp. Đà Nẵng là trung tâm du lịch mua sắm, hội nghị, hội thảo gắn với nghỉ dưỡng ven biển. Hội An là trung tâm du lịch di sản, cộng đồng, sinh thái và biển đảo. Lý Sơn là trung tâm du lịch sinh thái, cộng đồng và biển đảo, còn Bình Định là trung tâm du lịch gắn với giao lưu nghiên cứu khoa học và biển đảo quốc tế.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Bình Định, các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp du lịch miền Trung cần xác định thương hiệu "Con đường di sản miền Trung" và "Thiên đường du lịch biển, đảo" là thương hiệu của chính mình và của cả khu vực để quảng bá ra thế giới. Việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch địa phương phải dựa vào thế mạnh đặc trưng, đặc thù của địa phương nhưng không tạo ra sự trùng lặp thương hiệu, cạnh tranh thương hiệu giữa các địa phương với nhau.
Để thu hút du khách đến lưu trú dài ngày, ngoài chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, cần tập trung đầu tư cho sản phẩm du lịch văn hóa di sản, văn hóa cộng đồng với các hình thức trải nghiệm văn hóa bản địa đặc sắc, tăng cường các sản phẩm du lịch văn hóa có tính nghiên cứu, trải nghiệm, nhận thức cao để thu hút khách từ các đô thị, từ các khu vực phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ, Bắc Á, Australia…
Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho rằng du lịch miền Trung giữ vị trí quan trọng trong việc phát triển du lịch của cả nước. Việc tăng cường hợp tác sẽ hình thành được liên minh kết nối các hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch lữ hành, liên kết với các đối tác du lịch tầm cỡ, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, đầu tư, quảng bá điểm đến; cùng tạo dựng sản phẩm du lịch chất lượng, độc đáo, hấp dẫn mang tầm khu vực và quốc tế.