1. Trang chủ /
  2. Liên tiếp bắt giữ các đối tượng mua bán keo dán chuyên dùng xây dựng giả mạo

Liên tiếp bắt giữ các đối tượng mua bán keo dán chuyên dùng xây dựng giả mạo

chủ nhật, 29/10/2023 10:48 GMT+07
Các đối tượng trong đường dây buôn bán hàng giả khai nhận thấy các sản phẩm làm giả chính hãng đang bán chạy nên đã mua hàng giả từ Trung Quốc nhập lậu về trong nước để về bán lại kiếm lời.
Hai đối tượng Đức và Hảo mua các sản phẩm keo chuyên dụng là hàng giả từ Trung Quốc về bán kiếm lời. Ảnh: CSĐT Hai đối tượng Đức và Hảo mua các sản phẩm keo chuyên dụng là hàng giả từ Trung Quốc về bán kiếm lời. Ảnh: CSĐT

Ngày 27/10, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 2 bị can Nguyễn Thành Đức và Nguyễn Thị Hảo (cùng SN 1991, đều trú tại xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) về tội buôn bán hàng giả.

Trước đó, khoảng 10 giờ 5 phút ngày 28/9, tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế đã phát hiện Nguyễn Thành Đức cùng với Nguyễn Văn Long (SN 1968; ở Hà Nội) đang dừng đỗ xe ô tô và có dấu hiệu nghi vấn.

Tổ công tác đã kiểm tra, phát hiện xe ô tô cất giấu 1.392 chai dầu tẩy gỉ sét và bôi trơn đa dụng nhãn hiệu RP7 (xịt chống gỉ RP7); keo chuyên dùng trong xây dựng Titebond (Keo Titebond) xịt tẩy gỉ sét, dầu chống gỉ bôi trơn đa năng nhãn hiệu WD-40 (xịt chống gỉ WD-40) không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Khám xét khẩn cấp đối với các địa điểm liên quan, cơ quan chức năng thu giữ thêm 19.955 lọ keo Titebond, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, nghi là hàng giả.

Cơ quan điều tra, thống kê, niêm phong tổng số sản phẩm nghi giả thu giữ của Nguyễn Thành Đức là 21.347 sản phẩm gồm 20.675 lọ keo Titebond, 624 xịt chống gỉ WD-40 và 48 xịt chống gỉ RP7.

Ngay sau đó, Phòng Cảnh sát kinh tế đã trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự và các đơn vị sản xuất giám định đối với số hàng hóa phát hiện, thu giữ là hàng giả, không phải hàng do chính hãng sản xuất, phân phối trên thị trường.

Qua đấu tranh, cơ quan công an xác định Nguyễn Thành Đức và Nguyễn Thị Hảo là vợ chồng, chuyên bán các loại nguyên vật liệu dùng trong lĩnh vực cơ khí, xây dựng. Do nhận thấy các sản phẩm làm giả chính hãng đang bán chạy nên đã mua hàng giả từ Trung Quốc, không có hóa đơn chứng từ về bán lại kiếm lời.

Cũng liên quan đến công tác triệt phá đường dây sản xuất buôn bán hàng giả, ngày 26/10, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết đã khởi tố vụ án, tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với 4 đối tượng: Vũ Văn Vương (SN 1993; ở xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương); Đỗ Thị Kim Tuyến (SN 1989); Lê Thị Hằng (SN 2000) và Đoàn Văn Thắng (SN 1993), đều ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, về tội buôn bán hàng giả quy định tại Điều 192, Bộ luật Hình sự.

 Tổng số 6.355 sản phẩm keo silicone nhãn hiệu Apollo trên được xác định là hàng giả

Qua nắm bắt thông tin địa bàn, ngày 8/9, tổ công tác Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Công an huyện Thường Tín, Hà Nội và Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an làm nhiệm vụ tại khu vực gần khu biệt thự liền kề ở thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín, phát hiện xe ô tô tải biển kiểm soát 18C-134.36 do Phạm Văn Hưng (SN 1988; ở xóm Mỹ Bình, xã Giao Châu, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đang bốc xếp hàng hóa có biểu hiện nghi vấn nên đã kiểm tra.

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trên xe chở 2.000 chai keo silicone các loại mang nhãn hiệu Apollo. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp của số hàng trên.

Tại cơ quan công an, lái xe Phạm Văn Hưng khai nhận, tối ngày 7/9, Đoàn Văn Thắng thuê Hưng đến nhà riêng của Thắng tại xã Giao Yến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định để nhận hàng giao cho khách tại huyện Thường Tín, Hà Nội.

Căn cứ tài liệu, chứng cứ thu thập được, cơ quan chức năng đã tiến hành khám xét khẩn cấp đối với 4 địa điểm liên quan ở Hà Nội, Nam Định, Hải Dương và phát hiện, thu giữ thêm 4.355 chai keo silicone nhãn hiệu Apollo không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Tổng số 6.355 sản phẩm keo silicone nhãn hiệu Apollo trên được xác định là hàng giả. Căn cứ bảng giá do đơn vị phân phối độc quyền sản phẩm cung cấp, xác định trị giá 6.355 sản phẩm đã bị làm giả tương đương giá trị hàng thật hơn 384 triệu đồng.

Qua đấu tranh, xác định Thắng cùng với các đối tượng gồm Vũ Văn Vương, Đỗ Thị Kim Tuyến và Lê Thị Hằng đặt mua hàng giả từ Trung Quốc rồi thuê vận chuyển về Việt Nam tập kết tại nhiều địa điểm bí mật tại Hà Nội, Nam Định, Hải Dương... sau đó đi giao cho khách có nhu cầu tại một số tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội.

Khi có khách hàng mua, đường dây trên sử dụng hình thức giao hàng thông qua công ty chuyển phát nhanh, qua bưu điện, không thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, chỉ sử dụng thanh toán tiền mặt (ship COD) để đối phó với việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng.