1. Trang chủ /
  2. Linh hoạt chính sách tài khóa, ổn định kinh tế vĩ mô

Linh hoạt chính sách tài khóa, ổn định kinh tế vĩ mô

thứ sáu, 28/10/2022 07:52 GMT+07
Ngày 27/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Chủ động kịch bản ứng phó lạm phát gia tăng

Trong phát biểu của mình, ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, báo cáo của Chính phủ nhìn nhận nước ta còn nhiều khó khăn và thách thức. Theo đó, cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp (DN) nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa đạt yêu cầu.

Từ đó, theo ông Ngân, thời gian tới cần đẩy mạnh tái cơ cấu mạnh mẽ các tập đoàn, tổng công ty, DN nhà nước, xử lý nhanh các DN kém hiệu quả, phát huy hơn nữa vai trò của các tập đoàn, tổng công ty, DN nhà nước, hướng đến các công trình, dự án lớn mang tầm quốc gia, nhất là đầu tư cho các ngành công nghiệp nền tảng công nghiệp vật liệu, công nghiệp luyện kim, cơ khí.

Ông Ngân cũng cho rằng, Nghị quyết 43 có nhiều gói triển khai thuận lợi nhưng có gói không thuận lợi. Cụ thể, gói hỗ trợ lãi suất cho DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh cho đến nay mới giải ngân được 12,8 tỷ so với kế hoạch là 40 ngàn tỷ, đạt 0,03% so với kế hoạch do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, gói hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn thuế triển khai thuận lợi hơn và đến nay đã đạt được 72,5% so với kế hoạch. Vì vậy, đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thêm thời gian nộp thuế, tiền thuê đất cho các DN trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. Như vậy sẽ giúp được nhiều DN, nhiều hợp tác xã và hộ kinh doanh.

Về thu hút vốn đầu tư nước ngoài hiện nay tuy vẫn tăng, nhưng gặp khó khăn trong chuyển giao công nghệ, liên kết giữa khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với khu vực kinh tế trong nước, ông Ngân đề nghị, trong thời gian tới cần thận trọng hơn trong thu hút FDI, không vì tăng trưởng, không vì thành tích địa phương mà cấp phép ồ ạt vì có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, an ninh, năng lượng và môi trường.

ĐBQH Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Vinh.
ĐBQH Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Quang Vinh.


Theo ĐB Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh), việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế còn chậm. Nhiều thủ tục còn rườm rà làm hạn chế khả năng tiếp cận của người dân. Giải ngân đầu tư công còn chậm, kỷ luật, kỷ cương giải ngân chưa được đảm bảo. Do đó trong năm 2023, ông Phương cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp như: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19 với các biến thể mới và các bệnh dịch khác nhằm đảm bảo an toàn xã hội, ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá các mặt hàng.

“Cần theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới để thực hiện một cách linh hoạt trong quá trình kết hợp chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Công khai, minh bạch các thông tin về điều hành giá, không điều chỉnh tăng giá bất hợp lý” - ông Phương nêu ý kiến.

Đồng quan điểm, ĐB Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) cũng bày tỏ sự lo ngại khi vấn đề giải ngân đầu tư công tiếp tục chậm với tỷ lệ thấp. Kinh tế chưa phát triển bền vững, sức chống chịu của nền kinh tế còn yếu. Do đó, Chính phủ phải chủ động kịch bản ứng phó lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu, báo cáo Quốc hội để chủ động ứng phó phù hợp.

Sớm tăng lương, có giải pháp kiềm chế giá

Theo ĐB Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu), ngay sau khi Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng lương cơ sở cho công chức, viên chức và người lao động đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và công luận.

Lần tăng lương cơ sở này là nỗ lực lớn của Chính phủ. Việc điều chỉnh tăng là thấu tình, đạt lý trong sức chống chịu của nền kinh tế và sức chịu đựng của ngân sách và đây là điều rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, để cho niềm vui của người làm công ăn lương trọn vẹn hơn và để nhanh chóng bù đắp những trượt giá trầm trọng của đồng lương eo hẹp bấy lâu nay, theo ông Thái, cần thực hiện tăng lương cơ sở sớm hơn dự định 6 tháng, thay vì thực hiện từ 1/7/2023 thì thực hiện ngay từ đầu năm, tức là từ 1/1/2023.

Cần đẩy nhanh và mạnh hơn nữa việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế để doanh nghiệp có thể tiếp cận, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Quang Vinh.
Cần đẩy nhanh và mạnh hơn nữa việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế để doanh nghiệp có thể tiếp cận, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Quang Vinh.


Ông Thái cũng cho rằng, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương là một trong những giải pháp cơ bản cùng với những giải pháp căn cơ khác nữa để khắc phục tình trạng cán bộ công chức viên chức và người lao động từ khu vực công nghỉ việc và từ khu vực công chuyển sang khu vực tư. Khi thị trường lao động phát triển, giữa khu vực công và khu vực tư tất sẽ có sự liên thông tương tác và cạnh tranh để cùng phát triển. Chấp nhận sự điều tiết của thị trường lao động thì cũng đồng thời phải cạnh tranh, phải giữ chân những người tài, những người có năng lực, những người thực sự có tâm huyết ở khu vực công bằng chính sách tiền lương phù hợp. Lương đủ sống cán bộ công chức viên chức và người lao động sẽ làm việc theo đúng giá trị của tiền lương mà họ được trả.

Cùng quan điểm, ĐB Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang) phân tích: Tình hình nhiều cán bộ, công chức, viên chức bỏ việc trong thời gian gần đây do áp lực công việc quá lớn nhưng sự quan tâm đối với lực lượng lao động này chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng đối với công sức của họ bỏ ra.

Từ đó bà Xương đề nghị phải nhanh chóng có giải pháp căn cơ trong việc giải bài toán thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực y tế và giáo dục để đủ sức phục vụ cho nhân dân.

Ở khía cạnh khác, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho rằng sự thiếu hụt cục bộ xăng dầu diễn ra tại các tỉnh phía Nam cho thấy sự lúng túng trong xử lý của các bộ, ngành liên quan trong trách nhiệm quản lý nhà nước. Việc điều hành lúng túng thể hiện từ việc quy định tính đúng, tính đủ với giá xăng đến việc điều tiết nguồn cung của các doanh nghiệp đầu mối. Những việc này khiến nhân dân, doanh nghiệp rất bức xúc, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Thậm chí, đến nay, hiện tượng này vẫn đang diễn ra tại một số địa phương và chưa được xử lý dứt điểm.

Còn ĐB Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho biết, vẫn còn nhiều cán bộ, công chức đùn đẩy, né công việc; vẫn còn tình trạng sợ không dám thực hiện nhiệm vụ. Một số cán bộ có năng lực nhưng ý thức, tinh thần trách nhiệm hạn chế và còn tình trạng nghe ngóng, né tránh. Vì thế cần có giải pháp quyết liệt chấn chỉnh trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ quản lý để không ảnh hưởng đến tiến độ, nhiệm vụ công việc và trách nhiệm phục vụ nhân dân.