Linh thiêng và xúc động ở Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
Sau Lễ tưởng niệm 35 năm ngày 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc (14/3/1988 - 14/3/2023) do lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa tổ chức tối ngày 13/3 thì đến ngày 14/3, từng đoàn cán bộ, chiến sĩ, người dân… từ khắp nơi đổ về Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma để dâng hương tưởng nhớ tới các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh.
Tròn 35 năm trước, vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu và hy sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam vì sự toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.
Ngày lịch sử ấy, với lực lượng tàu chiến hùng hậu, có trang bị vũ khí hiện đại, kẻ thù đã bất ngờ tấn công, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải và đánh chiếm một số bãi đá ngầm của ta ở Trường Sa.
Với quyết tâm "bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là mệnh lệnh trái tim của người lính", cán bộ, chiến sĩ các tàu vận tải và lực lượng Công binh Hải quân xây dựng đảo, trong tay chỉ có cuốc xẻng, xà beng và súng bộ binh nhưng đã mưu trí, sáng tạo, chủ động, thực hiện nghiêm đối sách, bình tĩnh, khôn khéo xử lý các tình huống để giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Trong cuộc chiến đấu không cân sức đó đã xuất hiện những tấm gương ngời sáng của cán bộ, thủy thủ các tàu HQ505, HQ604, HQ605 thuộc Lữ đoàn 125; cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146; Lữ đoàn Công binh 83 Hải quân.
Nhiều tấm gương đã anh dũng hy sinh giữ vững lá cờ Tổ quốc trên đảo, bảo vệ đội tàu như: Anh hùng liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông - Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Anh hùng liệt sĩ, Đại úy Vũ Phi Trừ - Thuyền trưởng Tàu HQ 604; Anh hùng liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương - Phó Chỉ huy đảo Gạc Ma...
Đặc biệt trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hiên ngang quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình, động viên đồng đội "không được lùi bước, hãy để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng Hải quân Việt Nam"...
Trước tình thế mất đảo chỉ trong gang tấc, anh hùng, thuyền trưởng, Thiếu tá Vũ Huy Lễ cũng đã bình tĩnh, mưu trí chỉ huy Tàu HQ505 vừa chiến đấu, vừa nhanh chóng lao lên đảo đá Cô Lin để con tàu trở thành pháo đài và cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm. Các anh đã ra đi trong khí phách sáng ngời niềm tin quyết thắng, làm sáng đẹp thêm phẩm chất cao đẹp "Bộ đội cụ Hồ" - Người chiến sĩ Hải quân".
Cuộc chiến đấu ngày 14/3/1988 ở Gạc Ma thực sự đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, là một dấu ấn không bao giờ phai trong tâm khảm của mỗi người dân đất Việt. Những người lính đầy nhiệt huyết, trách nhiệm và sức trẻ đã mãi mãi nằm lại biển sâu, nhưng ý chí quật cường của các anh đã trở thành tượng đài bất tử về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tiếp nối truyền thống đấu tranh giữ nước bất khuất của dân tộc Việt Nam. Máu của các anh đã hòa vào biển mặn, nhắc nhở các thế hệ muôn đời sau nhớ về tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.