Lối đi nào cho Hãng phim truyện Việt Nam?
Tại buổi họp báo, đại diện các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã trả lời các vấn đề báo chí quan tâm trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật; cấp visa du lịch; cơ sở vật chất thể thao của Bộ, đặc biệt là Sân vận động Mỹ Đình. Bên cạnh đó là vấn đề đời sống của cán bộ, Hãng phim truyện Việt Nam sau cổ phần hóa; thực trạng của các hãng phim nhà nước; vấn đề phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú...
Lối vào Hãng Phim Truyện Việt Nam (số 4, Thụy Khuê, Hà Nội).
Suốt bao năm qua, những bất cập trong quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam vẫn chưa có hồi kết. Trước đó, từ năm 2017, Tổng Công ty Vận tải Thủy trở thành nhà đầu tư chiến lược nắm giữ 65% cổ phần của Hãng phim truyện Việt Nam. Tuy nhiên, từ đó đến nay, nhiều nghệ sĩ bức xúc với việc Công ty nắm cổ phần chính của Hãng phim không đảm bảo việc làm, tôn trọng nghề nghiệp cũng như đảm bảo mức lương theo quy định Nhà nước.
Đã có những buổi đối thoại giữa Ban lãnh đạo Công ty và các nghệ sĩ thuộc Hãng phim nhưng không thành công bởi góc độ người nghệ sĩ và góc độ chủ doanh nghiệp chưa có sự đồng thuận khiến hoạt động của Hãng phim rơi vào tình trạng đóng băng từ lâu. Nếu tình trạng này cứ kéo dài sẽ dẫn đến hệ lụy lớn là tâm lý sáng tác, sáng tạo của nghệ sĩ trong hãng bị mai một, kéo theo sự thất thu của chính doanh nghiệp. Nhưng có lẽ cái mà nhiều người đang băn khoăn là liệu điện ảnh Việt sẽ đi về đâu?
Giải pháp lúc này là xử lý vấn đề cổ phần hóa, tức nhà đầu tư chiến lược thoái vốn. Tại buổi họp báo, trả lời vấn đề này, bà Phan Linh Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, (Bộ VHTTDL) đã thông tin về quá trình Bộ VHTTDL tích cực triển khai kết luận sau thanh tra cùng những nội dung liên quan đến triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình tại thời điểm năm 2019.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính về phương án hoàn trả tiền và nhận lại cổ phần của nhà đầu tư chiến lược; thực hiện đàm phán với nhà đầu tư về hình thức thực hiện cũng như xác định cụ thể số tiền phải hoàn trả cho nhà đầu tư chiến lược. Từ thời điểm cuối tháng 11/2019, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ VHTTDL đã liên tiếp ban hành các công văn gửi Tổng Công ty Vận tải Thủy đề nghị xác định số tiền nhận lại để hoàn trả cổ phần đã mua tại Hãng Phim truyện Việt Nam cho Bộ VHTTDL.
Tuy nhiên, theo bà Phan Linh Chi, Tổng Công ty Vận tải Thủy không hợp tác tích cực để giải quyết tình hình. Tổng Công ty Vận tải Thủy chưa đưa ra văn bản, tính toán chi phí, tiến hành các thủ tục có liên quan, đề xuất cụ thể về số tiền muốn nhận lại để hoàn trả cho Nhà nước số cổ phần đã mua tại Hãng phim truyện Việt Nam.
Với việc tìm nhà đầu tư chiến lược mới, theo bà Phan Linh Chi, việc này không phải bây giờ mới được đặt ra. Bộ VHTTDL đã làm việc với các cơ quan, ban, ngành liên quan và tại thời điểm năm 2018-2019, Đài Tiếng nói Việt Nam có đề xuất về việc sẽ là nhà đầu tư chiến lược, mua lại cổ phần của Tổng Công ty Vận tải Thuỷ. Nhưng sau đó 7 tháng, Đài có văn bản cho biết không đủ nguồn lực tài chính.
Hiện nay, Bộ VHTTDL vẫn nghiên cứu, đề xuất tìm nhà đầu tư chiến lược mới. “Điện ảnh là lĩnh vực đặc thù, lại vừa gặp nhiều khó khăn khi trải qua đại dịch, vì vậy sự quan tâm của các nhà đầu tư đến Hãng phim chưa có dấu hiệu tích cực…”, bà Phan Linh Chi thông tin.
Trả lời với báo chí, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam trực thuộc Tổng Công ty Vận tải Thủy Nguyễn Danh Thắng cho biết, sau hơn 7 năm đầu tư vào Hãng phim, Tổng Công ty Vận tải Thủy đã xin được thoái vốn trước hạn, bởi quy định nhà đầu tư chiến lược chỉ được thoái vốn sau 5 năm. Trong thông báo kết luận, Thanh tra Chính phủ đã đồng ý để chúng tôi được thoái vốn trước hạn.
Tuy nhiên, hai bên chưa có tiếng nói chung vì thực hiện kết luận sau thanh tra, Bộ VHTTDL lại triển khai theo hướng “thu hồi cổ phần của nhà đầu tư”. Trong khi đó, khái niệm thoái vốn trong doanh nghiệp và thu hồi cổ phần là hoàn toàn khác nhau về bản chất. Phía Bộ VHTTDL yêu cầu tính toán chi phí để hoàn trả tiền, nhưng Tổng Công ty Vận tải Thủy thấy không có quy định nào của pháp luật hướng dẫn việc thoái vốn trong doanh nghiệp dựa trên cơ sở tính toán chi phí, nên không biết tính toán thế nào.
Tại buổi họp báo, liên quan đến việc triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết dứt điểm những vấn đề bất cập tại Hãng phim, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ nêu rõ, quan điểm và định hướng chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL là nhìn thẳng những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ từng bước. “Đây không chỉ là những vấn đề trước mắt mà đã tồn đọng, kéo dài trong nhiều năm qua. Bộ VHTTDL đã và đang tiếp tục nỗ lực thực hiện kết luận sau thanh tra cũng như chỉ đạo của Chính phủ về vụ việc cổ phần hoá ở Hãng phim”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh.
“Chúng tôi đang tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất với Thủ tướng những giải pháp cụ thể để tháo gỡ, giải quyết dứt điểm những khó khăn vướng mắc tại Hãng phim truyện. Mong rằng trong quá trình triển khai thực hiện tới đây sẽ nhận được sự đồng hành, chia sẻ của các cơ quan báo chí, truyền thông. Về phía Bộ VHTTDL sẽ nỗ lực với trách nhiệm cao nhất để tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng ổn định và có định hướng phát triển Hãng phim theo đúng quy định pháp luật…”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho hay.