Lối đi nào cho sách giáo khoa điện tử?
Có thay thế được SGK truyền thống?
Năm học 2021 - 2022, để khắc phục tình trạng thiếu sách giáo khoa (SGK) do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc vận chuyển, cung ứng đến nhiều địa phương, Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam đã xây dựng trang “hành trang số” và số hóa toàn bộ SGK, một số sách bài tập và sách giáo viên. Nhờ vậy, học sinh có thể đọc sách dễ dàng và hoàn toàn miễn phí trong trường hợp chưa kịp mua SGK cho năm học mới. Việc số hoá SGK không chỉ là giải pháp giúp cho phụ huynh học sinh đỡ “đau đầu” khi tìm mua SGK cho con, mà đây còn là kênh học tập hiệu quả với nguồn tư liệu phong phú, học sinh có thể vừa học tập vừa thực hành ngay trên trang web.
Mới đây, Tọa đàm trực tuyến “Sách giáo khoa điện tử tương tác cao - Hướng đi cho tương lai” do Mạng lưới tri thức trẻ Việt Nam tổ chức đã thu hút sự tham gia của nhiều thành viên trong mạng lưới cùng các diễn giả, các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục. Nhiều người cho rằng, đây sẽ là hướng đi mới cho học liệu điện tử tương tác cao ở Việt Nam. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Hiển đến từ Trường THPT Tây Trà, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: “SGK điện tử có tiềm năng lớn, nêu rõ được toàn cảnh thực tại, những khó khăn khi sử dụng SGK điện tử vào giảng dạy và đề xuất những phương hướng phát triển bởi cô nhận định rằng SGK điện tử sẽ là một xu hướng trong tương lai”.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Huy Du, CEO Công ty DUCA Holding đã chỉ ra những lợi ích của SGK điện tử, như khả năng lưu trữ nhiều loại sách, đa luồng, cập nhật dữ liệu nhanh chóng và không giới hạn chia sẻ trong cộng đồng. Theo CEO Huy Du, chúng ta không thể thay thế học liệu truyền thống ngay lập tức, vì có nhiều yếu tố liên quan đến văn hóa, tư duy và cơ sở vật chất…
Chia sẻ về những khó khăn NXB Giáo dục Việt Nam gặp phải khi triển khai SGK điện tử, bao gồm khối lượng công việc lớn, thời gian hạn hẹp, nguồn lực và tài chính, ông Nguyễn Văn Đại, Phó Bí thư Đoàn Bộ GD-ĐT cũng cho rằng dịch COVID-19 đã tạo ra nhiều lợi thế và cơ hội cho SGK điện tử. Đồng thời, ông cho biết, NXB đang cố gắng phát triển song hành cả SGK giấy lẫn phiên bản điện tử hướng tới việc phục vụ tốt nhất cho nhu cầu mua sách của học sinh, giáo viên...
Với những kinh nghiệm thực tế khi triển khai, ông Phạm Thúc Trương Lương, Giám đốc Công ty CP Công nghệ Tinh Vân nhận định rằng SGK điện tử không mới mẻ ở các nước phát triển, nhưng quá trình triển khai ở Việt Nam với dự án Classbook năm 2013 vẫn còn khó khăn. Dựa trên bài học từ việc Thụy Điển quay lại với hình thức SGK giấy, ông đã phân tích và khẳng định rằng, không có loại SGK nào có thể thay thế hoàn toàn loại giấy và NXB nên cung cấp bản mềm để triển khai SGK điện tử là hợp lý nhất.
Cần chiến lược cụ thể
Chủ trì cuộc Tọa đàm, TS. Trần Lê Hưng - thành viên Ban Chủ nhiệm Mạng lưới trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu, giảng viên Trường Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng các ý kiến đều khẳng định, việc phát triển SGK điện tử là một xu hướng mới và cần thiết cho đổi mới ngành giáo dục Việt Nam nhưng cần sự cân nhắc và kế hoạch chi tiết.
Để phát triển SGK điện tử, các chuyên gia kiến nghị một số vấn đề như: Thứ nhất, cần xây dựng một chiến lược rõ ràng và cụ thể cho phát triển SGK điện tử. Điều này bao gồm xác định mục tiêu, lộ trình, các bước cụ thể để đạt được mục tiêu đó. Chiến lược này nên bao gồm sự tham gia của các nhà NXB và doanh nghiệp trong việc phát triển và triển khai SGK điện tử. Thứ hai, cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng công nghệ, bao gồm việc cải thiện mạng Internet, bảo đảm sự truy cập dễ dàng và ổn định cho người dùng. Đồng thời, cần phát triển các thiết bị phù hợp để sử dụng SGK điện tử một cách thuận lợi.
Thứ ba, cần tạo ra môi trường hợp tác giữa các NXB và doanh nghiệp công nghệ để cùng phát triển SGK điện tử. Các NXB có thể cung cấp bản mềm của sách giấy để triển khai sách điện tử; hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ có thể giúp tăng cường khả năng phát triển và cung cấp các thiết bị, ứng dụng hỗ trợ SGK điện tử.
Thứ tư, để bảo đảm việc triển khai SGK điện tử thành công, cần tăng cường đào tạo và hỗ trợ cho giáo viên về việc sử dụng công nghệ trong giảng dạy và sử dụng SGK điện tử; Tận dụng tối đa tiềm năng của SGK điện tử trong quá trình giảng dạy…
Các đại biểu cũng kiến nghị Trung ương Đoàn có thể tạo ra môi trường để các giáo viên, đoàn viên thanh niên có thể trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những thử thách và thành công trong việc sử dụng SGK điện tử; từ đó giúp tăng cường sự hỗ trợ và cung cấp thông tin hữu ích cho nhau trong quá trình triển khai SGK điện tử.
“Trung ương Đoàn có thể thúc đẩy việc triển khai mô hình thí điểm SGK điện tử tại một số trường học hoặc cấp độ cụ thể, sau đó tuyên truyền kết quả và lợi ích của việc sử dụng SGK điện tử cho cộng đồng giáo viên, học sinh và phụ huynh. Đồng thời, tổ chức cuộc thi, hội thảo, dự án nghiên cứu hoặc khuyến khích tham gia đóng góp nội dung SGK điện tử và phù hợp với nhu cầu của học sinh. Điều này không chỉ đẩy mạnh sự phát triển của SGK điện tử mà còn góp phần đưa ra những đề xuất cải tiến và phát triển SGK điện tử trong tương lai…” - TS. Trần Lê Hưng nhấn mạnh.