1. Trang chủ /
  2. Long Biên (Hà Nội): Người dân chưa đồng thuận cơ chế đền bù tại Dự án mở đường 25m tại phường Việt Hưng

Long Biên (Hà Nội): Người dân chưa đồng thuận cơ chế đền bù tại Dự án mở đường 25m tại phường Việt Hưng

thứ hai, 27/6/2022 15:11 GMT+07
(PLM) - 142 hộ dân thuộc tổ 3, 5, 6, 7, phường Việt Hưng, quận Long Biên thuộc diện bị thu hồi đất để thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường 25m từ khu Trung tâm thương mại Gia Thụy đến đường 40m Khu đô thị mới Việt Hưng. Giá đền bù rất thấp, chỉ bằng 1/4 giá thị trường khiến người dân bất bình. Cơ sở nào để bố trí tái định cư bằng căn hộ khi nhiều dự án tương tự vẫn được tái định cư bằng đất?

Giá đền bù bằng 1/4 giá thị trường

Tìm hiểu được biết, ngày 4/6/2020 UBND Thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2271/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng tuyến đường 25m từ Khu trung tâm thương mại Gia Thụy đến đường 40m Khu đô thị mới Việt Hưng, quận Long Biên. Theo đó, dự án thuộc nhóm B, công trình giao thông trong đô thị - Đường chính khu vực, cấp II. Tổng mức đầu tư hơn 277,8 tỷ đồng và UBND quận Long Biên là chủ đầu tư, trong đó Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Long Biên làm đại diện chủ đầu tư. Thời gian thực hiện Dự án là từ năm 2019 đến 2022.

Ngày 9/9/2020, Sở Xây dựng có Văn bản số 8206/SXD-PTĐT với nội dung sau: UBND Thành phố Hà Nội đã chấp thuận bố trí quỹ nhà ở tái định cư tại Dự án khu nhà ở cao tầng tại lô đất 5.B3 Đông Hội, huyện Đông Anh để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, trong đó có Dự án xây dựng tuyến đường 25m từ Khu trung tâm thương mại Gia Thụy đến đường 40m Khu đô thị mới Việt Hưng, phường Việt Hưng, quận Long Biên là 50 căn hộ.

Ngày 22/12/2020, UBND Thành phố Hà Nội có Quyết định số 5639/QĐ-UBND về việc phê duyệt giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án tuyến đường 25m từ Khu trung tâm thương mại Gia Thụy đến đường 40m Khu đô thị mới Việt Hưng, quyết định: Vị trí 1 phố Lệ Mật (đoạn từ Ô Cách đến Việt Hưng) giá đất cụ thể làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ GPMB là 39.505.950 đồng/m2, vị trí 4 thấp nhất là 16.379.979 đồng/m2; vị trí 1 phố Kim Quan là 30.918.118 đồng/m2, vị trí 4 thấp nhất là 13.971.875 đồng/m2.

Tái định cư bằng căn hộ có đúng luật?

Liên quan đến nội dung Thành phố Hà Nội bố trí tái định cư bằng căn hộ chung cư cho người dân thuộc diện có đất bị thu hồi tại dự án này. Theo người dân, áp dụng khoản 2, Điều 7 Quyết định 10/2017/QĐ - UBND ngày 29/3/2017 của UBND Thành phố Hà Nội: “2. Trường hợp quy định tạ khoản 1 Điều này, nếu ở khu vực các quận thì hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được bồi thường bằng 1 (một) căn hộ chung cư tái định cư cho 1 chủ sử dụng đất...”.

Đơn kêu cứu của người dân phường Việt Hưng – quận Long Biên.


Các hộ dân không đồng tình, bởi theo quy định của Luật Đất đai, Nghị định, Thông tư... cho đến thời điểm này, thì người sử dụng đất sẽ được bồi thường bằng đất ở nếu thỏa mãn các điều kiện sau: Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Không còn nhà ở, đất ở nào khác trên địa bàn xã phường nơi bị thu hồi đất. Đối với địa phương còn quỹ đất ở thì được xem xét bồi thường bằng đất ở.

Luật Đất đai năm 2013 hay Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ; Thông tư 05/VBHN-BTNMT ngày 7/8/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đều có chung quy định: Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của UBND cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư; Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của UBND cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân còn đất ở, nhà ở khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.

Trong các căn cứ nêu trên, không có điểm nào quy định về việc thu hồi đất ở đối với khu vực quận hay huyện. Thế nhưng, tại Quyết định 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND Thành phố Hà Nội lại đang có thêm quy định là trường hợp bị thu hồi toàn bộ đất ở, thì áp dụng với khu vực quận sẽ bố trí tái định cư bằng căn hộ chung cư.

Như vậy, căn cứ nào UBND Thành phố lại ra một quyết định mâu thuẫn với quy định của Luật và các Nghị định, Thông tư? Vấn đề này cần được Thành phố Hà Nội giải thích rõ để nhận được sự đồng thuận cao từ quần chúng nhân dân.

Trong khi giá bồi thường của Nhà nước là rất thấp, có những hộ giá trị thị trường đang giao dịch cao gấp 3-5 lần giá bồi thường nên rất khó để người dân ổn định nơi ăn chốn ở mới. Ví dụ như trường hợp 3 anh chị em bà Dương Thị Hương, ông Dương Đức Hải và bà Dương Thị Dung có cùng 1 vị trí, có giá trị thị trường thời điểm này khoảng 80-90 triệu đồng/m2, tính ra 1 căn nhà khoảng 200m2 rơi vào khoảng 18 tỷ đồng. Song nếu giá Nhà nước bồi thường chỉ được khoảng 4,6 tỷ đồng (cả nhà, đất). Bởi vậy, khiến người dân cảm thấy rất đau xót và không biết sẽ lấy tiền ở đâu để bù vào khoảng chênh lệch để mua đất, nhà ở khu vực lân cận.

Thẩm định giá độc lập định giá khoảng 48 triệu/m2 song Nhà nước chỉ bồi thường khoảng 22-23 triệu/m2 cả xây dựng.


Để có cơ sở khiếu nại với cơ quan chức năng xem xét, người dân tự thuê đơn vị thẩm định giá độc lập thì thấy rằng, giá bồi thường của Nhà nước vẫn chỉ bằng 1/2 so với giá đơn vị thẩm định đưa ra. Cụ thể như, trường hợp nhà ông Dương Đức Hải, có diện tích 200m2, tổng giá trị thẩm định giá cả nhà, đất khoảng 9,7 tỷ đồng, tức là khoảng 48 triệu đồng/m2. Song, cơ chế đền bù chỉ ở khoảng 23triệu đồng/m2 (cả đất và nhà).

Trước thực tế đó, người dân không đồng tình với cách tính giá bồi thường, đồng thời kiến nghị chính quyền cần xem xét kỹ lưỡng, nhiều mặt, nhất là trên phương diện tạo cơ chế an cư lạc nghiệp cho nhân dân để nhân dân yên tâm, tình nguyện di dời để dự án được thực hiện thuận lợi.

Qua đó, dư luận đặt vấn đề, cơ chế bồi thường giải phóng mặt bằng của Nhà nước có vẻ phi logic. Bởi lẽ, có những nhà giá thị trường khoảng 80-90 triệu/m2 thì được bồi thường khoảng 23 triệu/m2, nhưng phương án tái định cư cho người dân là được mua nhà ở chung cư với giá khoảng 20,4 triệu đồng/m2 trong khi giá thị trường của các căn chung cư này là khoảng 23-24 triệu/m2. Vậy khoảng cách chênh lệch giữa giá thị trường với giá đền bù và giá căn hộ được mua ưu đãi với giá thị trường của căn hộ là khoảng chênh lệch quá lớn. Tại sao, không áp dụng tỷ lệ % giữa giá thị trường với giá đền bù và giá trị trường căn hộ với giá được mua ưu đãi.

Trong khi đó, người dân so sánh với 1 số dự án thu hồi đất tại quận Long Biên đang thực hiện vẫn được tái định cư bằng đất ở tại địa bàn quận Long Biên. Cụ thể: Dự án đường 40m Hoàng Như Tiếp kéo dài được tái định cư tại Đầm Nấm với giá mua hỗ trợ là 12tr/m2; Dự án thu hồi đất giao cho Vincom (giao đất đối ứng dự án BT) cũng được giao đất ở tái định cư tại địa bàn quận Long Biên. Từ đó thấy rằng, bất công trong cơ chế giải tỏa, đền bù đất trong cùng một địa phương.

Tại buổi làm việc giữa phóng viên Báo điện tử Xây dựng với đại diện UBND quận Long Biên. Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Long Biên giải đáp: Cái khó của chúng tôi là chỉ làm nhiệm vụ thực hiện cấp trên đề ra, quận không có nhiệm vụ, quyền hạn ra chính sách. Về vấn đề phương pháp tính hệ số đền bù do Sở Tài chính tính toán theo công thức, quận không có quyền tính. Hiện đã có 101/183 hộ gia đình đã đồng thuận, nhận tiền bồi thường, số chưa kiểm đếm khoảng 17 hộ.

Theo đại diện UBND quận Long Biên, dự án buộc phải thực hiện để kết nối hạ tầng sau khi có chủ trương xây dựng cầu Trần Hưng Đạo. Đây là dự án Nhà nước thu hồi, bồi thường nên thành phố thực hiện theo quy trình thủ tục và giao cho quận thực hiện.

Về vấn đề tái định cư bằng đất hay căn hộ thì vị lãnh đạo này cho biết, phía quận cũng có đề nghị phương án tái định cư bằng đất, nhưng Thành phố không duyệt. Việc quyết định tái định cư bằng đất hay căn hộ thẩm quyền của Thành phố và tùy từng dự án cụ thể quyết định hình thức tái định cư nào.

Như vậy, có thể thấy những mong mỏi, bức xúc của người dân là có lý, có tình rất cần UBND Thành phố Hà Nội, quận Long Biên xem xét, cân nhắc để đưa ra phương án hợp lý nhất. Đảm bảo lợi ích tối đa của nhân dân từ đó nhận được sự đồng thuận cao từ người dân. Khi mở đường, hộ dân bị thu hồi đất ít nhiều bị thiệt thòi, người dân rất cần sự thấu hiểu, đồng hành từ chính quyền để hướng tới phát triển hạ tầng, xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.