1. Trang chủ /
  2. Lựa chọn khó khăn của Fed giữa việc nên dừng hay tăng lãi suất?

Lựa chọn khó khăn của Fed giữa việc nên dừng hay tăng lãi suất?

thứ ba, 21/3/2023 22:10 GMT+07
Trước thềm cuộc họp tháng 3 cùng quyết định có nên tiếp tục tăng lãi suất hay không, Fed đang đứng trước một lựa chọn vô cùng khó khăn.
Fed đang đứng trước lựa chọn khó khăn của việc có nên tiếp tục đà tăng lãi suất? (Ảnh TL) Fed đang đứng trước lựa chọn khó khăn của việc có nên tiếp tục đà tăng lãi suất? (Ảnh TL)

SVB mất thanh khoản cùng Credit Suisse có nguy cơ phá sản tác động tới quyết định của Fed

Vào đầu tháng 3, Chủ tịch của Fed ông Jerome Powell từng phát biểu và bỏ ngỏ về một khả năng Fed vẫn sẽ tiếp tục gia tăng lãi suất trong phiên họp tháng 3 tới nếu cảm thấy việc này là cần thiết trong cuộc chiến kiềm chế lạm phát. Điều này đã tác động không ít tới dự báo của nhiều cơ quan tài chính đối với tình hình kinh tế thế giới.

Tuy nhiên, vụ việc ngân hàng SVB mất thanh khoản cùng với sự kiện ngân hàng Thụy Sỹ - Credit Suisse có nguy cơ phá sản, phải bán cho UBS với giá 3,2 tỷ USD cũng đã phần nào khiến cho Fed phải nhìn nhận và đánh giá lại đối với quyết định tiếp tục tăng lãi suất cơ bản.

lua chon kho khan cua fed giua viec nen dung hay tang lai suat hinh 1
Fed đang đứng trước lựa chọn khó khăn của việc có nên tiếp tục đà tăng lãi suất? (Ảnh TL)

Quyết định về việc có nên tăng thêm 0,25% lãi suất cơ bản hay không sẽ phụ thuộc vào phản ứng của thị trường trước thương vụ sáp nhập giữa Credit Suisse và UBS. Bởi từ giữa năm 2022 trở về đây, Fed liên tục tăng lãi suất với mục tiêu kiềm chế lạm phát nhưng cơ quan này chưa nhận thấy bất kỳ một cuộc khủng hoảng đáng kể nào do tác động từ chính sách tăng lãi suất.

William English một cựu chuyên gia kinh tế của Fed, đồng thời cũng là giáo sư tại Trường Quản lý thuộc Đại học Yale cho biết: "Đây sẽ là một quyết định khó khăn bởi Fed vấp phải nhiều luồng ý kiến khác nhau".

Một số quan chức NHTW cho rằng các hoạt động cho vay và điều kiện tài chính khác sẽ là rủi ro lớn hơn so với việc thắt chặt do cú shock lớn trong ngành ngân hàng. Một số lại cho rằng tác động của sự kiện trên không quá lớn và vẫn ủng hộ việc Fed tăng lãi suất trở lại để hạ nhiệt nền kinh tế.

Các nhà kinh tế của Goldman Sachs đã đưa ra dự báo cho rằng việc thắt chặt các tiêu chuẩn cho vay sẽ tương đương với việc Fed tăng lãi suất lên khoảng 0,25% cho đến 0,5%.

Những ý kiến trái chiều trong chính nội bộ của Fed

Bản thân ngay trong nội bộ của Fed cũng đã có những ý kiến trái chiều xung quanh việc có nên tiếp tục nâng lãi suất cơ bản hay không và nên nâng bao nhiêu điểm.

Chủ tịch Fed New York - John Williams trong tháng 11 năm ngoái từng phát biểu rằng: "Việc sử dụng chính sách tiền tệ để giảm thiểu những lỗ hổng sẽ khiến nền kinh tế gặp bất lợi, chính sách tiền tệ nên là thứ để kiểm soát mọi hoạt động."

Một điểm đáng chú ý đó là số liệu thống kê gần đây cho thấy tiền lương và giá cả leo thang vẫn đang là mối lo tại Mỹ. Đà giảm của lạm phát trong tháng 1 và tháng 2 cũng đã không còn. Do đó một số cựu quan chức Fed tại Mỹ vẫn cho rằng cơ quan này sẽ tăng khoảng 25 điểm cơ bản nếu khủng hoảng tín dụng trong ngành ngân hàng không quá nghiêm trọng.

Trong khi đó, một số nhà cựu hoạch định chính sách cho rằng có lý do thuyết phục để Fed không tăng lãi suất. Eric Rosengren, cựu chủ tịch Fed Boston đưa ra ý kiến: "Tôi sẽ không đổ thêm dầu vào lửa bằng cách tăng lãi suất trong khi các cú shock đang xảy ra. Mức tăng 0,25% có tác động ít đến lạm phát nhưng lại ảnh hưởng lớn đến các điều kiện tài chính."

Hay như chủ tịch Fed Dallas Lorie Logan cũng lấp lửng ám chỉ về điều này "Khi đang đi bộ mà gặp thời tiết xấu hoặc đoạn đường nguy hiểm thì bạn nên giảm tốc độ đi chậm lại"