LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI): Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất
Sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai
Sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và sử dụng đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả, khai thác nguồn lực đất đai cho việc phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho đất đai tham gia vào thị trường bất động sản; tạo ra những động lực mạnh mẽ cho phát triển đô thị, tăng đáng kể nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng nhưng Luật Đất đai 2013 cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra…
Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai, đồng thời bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh một số nội dung phát sinh trong thực tiễn là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên, nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Thông tin tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.
Bộ trưởng Hà nhấn mạnh: “Dự thảo Luật thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, từ đó giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn và xu thế phát triển với nhiều điểm đổi mới”.
Đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật
Thông tin cụ thể, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Dự Luật quy định cụ thể hơn quyền và trách nhiệm của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai và quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của Hiến pháp về sở hữu đất đai và quyền con người.
Hoàn thiện đồng bộ các quy định về việc xây dựng hệ thống quy hoạch sử dụng đất đai đồng bộ ở 03 cấp, gắn với quy hoạch đô thị, xây dựng, hạ tầng để đảm bảo phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau phát triển. Đảm bảo quy hoạch sử dụng đất phải kết hợp giữa chỉ tiêu các loại đất gắn với không gian, phân vùng sử dụng đất theo 03 khu vực, hệ sinh thái tự nhiên, thể hiện được thông tin đến từng thửa đất.
Phân cấp thẩm quyền cho các địa phương trong quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn, đồng thời thiết lập các cơ chế quản lý của Trung ương thông qua quy định về hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu về đất đai. Tiếp tục thực hiện công khai, minh bạch trong thu hồi đất; chỉ được thu hồi đất sau khi hoàn thành bố trí tái định cư, trừ trường hợp tái định cư tại chỗ. Giải quyết hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư thông qua chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải quyết vấn đề an sinh bền vững cho người có đất bị thu hồi.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận cho ý kiến về một số vấn đề như: phạm vi điều chỉnh, mục đích của Dự thảo Luật; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi, trưng dụng đất; bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giá đất; đấu giá đất…
Sau khi nghe các ý kiến, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu khẳng định, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thể chế hóa đầy đủ, chính xác, kịp thời các chính sách lớn trong Nghị quyết số 18- NQ/TW vừa được Ban Chấp hành Trung ương thông qua. Tuy nhiên, một số vấn đề bức xúc trong thực tế liên quan đến quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân nước ngoài, quyền chuyển nhượng, thế chấp, hợp đồng thuê đất với đất thuê trả tiền hàng năm… vẫn chưa được đề cập. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc nội dung nào chưa rõ để tiếp tục báo cáo trong những đợt sửa đổi tiếp theo.
Cho rằng Luật Đất đai liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật, đặc biệt là các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Quy hoạch, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Lâm nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công… “Dự án Luật này sửa cùng thời gian với nhiều luật khác nên phải rà soát thật kỹ đối với cả Luật hiện hành và các Luật đang trong quá trình sửa đổi hoặc định hướng sửa đổi, bổ sung các dự án luật khác để đảm bảo khi ban hành thống nhất với nhau” - Thứ trưởng lưu ý.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 223 ra ngày 11/8/2022)