1. Trang chủ /
  2. Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi): Cần quy định thật rõ về những dấu hiệu đáng ngờ cơ bản

Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi): Cần quy định thật rõ về những dấu hiệu đáng ngờ cơ bản

thứ ba, 25/10/2022 10:41 GMT+07
Các đại biểu tán thành cao với sự cần thiết sửa đổi; đồng thời đề nghị quy định tường minh về những dấu hiệu đáng ngờ cơ bản trong giao dịch.

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, chiều 24/10, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Cần quy định thật rõ về dấu hiệu đáng ngờ

Tổ 04 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Lai Châu, Hải Dương, Quảng Ngãi, Bạc Liêu. Ảnh quochoi.vn

Tại phiên thảo luận, cơ bản các đại biểu Quốc hội tại Tổ 04 tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống rửa tiền để thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước; đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện các điều ước, cam kết quốc tế, khắc phục những bất cập của luật hiện hành; bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia; góp phần đẩy mạnh và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; khắc phục thiếu hụt về cơ chế phòng, chống rửa tiền.

buisihoan
Đại biểu Bùi Sĩ Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu. Ảnh Quochoi.vn

Để bảo đảm hiệu lực thi hành của Luật sau khi được ban hành, một số đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát toàn bộ các quy định, luật hóa tối đa các quy định của văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm và áp dụng ổn định trong thực tiễn thời gian qua; hoàn thiện đồng bộ dự thảo các văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Đối với quy định về dấu hiệu đáng ngờ, đại biểu Bùi Sĩ Hoàn chỉ ra rằng Dự thảo Luật quy định một số dấu hiệu đáng ngờ cơ bản như: Khách hàng thuyết phục đối tượng báo cáo không báo cáo giao dịch cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Sử dụng thư tín dụng và các phương thức tài trợ thương mại khác có giá trị lớn bất thường, tỷ lệ chiết khấu với giá trị cao so với bình thường; Khách hàng thường xuyên đổi tiền có mệnh giá nhỏ sang mệnh giá lớn; Thông tin về nguồn gốc tài sản bảo đảm của khách hàng xin vay vốn không đầy đủ, không chính xác …

Tuy nhiên, theo đại biểu, việc quy định dấu hiệu đáng ngờ trong một số ngành lĩnh vực vẫn mang tính định tính, vẫn khó xác định. Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo quy định cụ thể, rõ ràng, không quy định chung chung để đảm bảo tính thống nhất với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và đảm bảo tính khả thi của Luật.

Doducduy
Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy điều hành nội dung thảo luận tại Tổ 07. Thảo luận tại Tổ 7, các đại biểu tán thành sự cần thiết phải sửa đổi luật Phòng, chống rửa tiền, đồng thời đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các đối tượng báo cáo…

Trong khi đó, tại Tổ 07, liên quan đến các báo cáo giao dịch đáng ngờ tại Điều 26, Điều 27, Điều 28, Điều 29, Điều 31, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà cho rằng, quy định tại dự luật còn chung chung, khó áp dụng. Đại biểu, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện để quy định sau khi ban hành đảm bảo tính khả thi, phát huy hiệu quả trên thực tế.

Cần quy định rõ về thẩm quyền, điều kiện trì hoãn giao dịch đáng ngờ

Liên quan đến quy định về trì hoãn giao dịch tại Điều 44, đại biểu Quốc hội Trần Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa (Tổ 15) cho rằng, Ban soạn thảo cần phải làm rõ cơ sở hợp lý để nghi ngờ và trì hoãn giao dịch, nếu không sẽ mang cảm tính và rất dễ bị lạm dụng. Tốt nhất nên quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật để bảo đảm không hạn chế quyền con người và đồng thời phù hợp với Hiến pháp 2013. 

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng cần có những quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, trách nhiệm, điều kiện trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản, niêm phong và phong tỏa, tạm giữ tài sản để đảm bảo minh bạch, rõ ràng và tránh lạm quyền.

241020220430-bt-tran-tuan-anh---quang-tri
Đại biểu Quốc hội Trần Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa

Liên quan đến nội dung về báo cáo giao dịch đáng ngờ, các đại biểu cho rằng, trên thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, dự thảo Luật nên có những quy định mô tả và xác minh rõ hành vi có dấu hiệu bất thường. Cho rằng, các quy định trong dự thảo Luật còn mang tính định tính quá nhiều, các đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần phải làm rõ như thế nào thì sẽ coi là “bất thường”, chúng ta phải có tiêu chí để xác định.

Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Lê Minh Trí - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho rằng, có nhiều cách để diễn đạt “giao dịch đáng ngờ”, chúng ta có thể sử dụng là “giao dịch đáng lưu ý” hoặc “giao dịch đáng quan tâm”. Cho rằng Dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) tác động đến hoạt động kinh tế - xã hội, đại biểu Lê Minh Trí đề nghị tham khảo thêm ý kiến của các cơ quan chức năng, tính toán sao cho chặt chẽ, đảm bảo không chồng lấn, các chế tài xử phạt hành chính và hình sự cần được làm rõ ranh giới giữa hai chế tài này.

Ngoài ra, về công tác phòng, chống rửa tiền, các đại biểu Quốc hội cho rằng, chúng ta đang hội nhập sâu rộng với các hoạt động giao dịch xuyên biên giới, dự thảo luật nên rà soát, bổ sung để chặt chẽ hơn về kết nối giữa các cơ sở dữ liệu để đảm bảo sự chia sẻ, phục vụ mục đích xác minh thông tin.

241020220440-pho-chu-tich-quoc-hoi-nguyen-khac-dinh-(1)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thảo luận cùng các đại biểu tại Tổ 15.

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) là một dự án Luật rất quan trọng, cần thiết và cấp bách. Trên cơ sở nền tảng của Luật Phòng, chống rửa tiền 2012 và những yêu cầu mới của thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ cũng đã trình Ủy ban Thường vụ quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội (Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật) cũng đã góp ý cho dự án Luật này, cơ bản đã có tiếp thu, chỉnh sửa.

Trên cơ sở những ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu tại Tổ hôm nay và những phiên thảo luận về dự án Luật này trong những lần tiếp theo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ để tiếp thu một cách hợp lý, có những quy định cụ thể hóa hơn.

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) có bố cục gồm 4 Chương, 65 Điều quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền; việc phòng, chống hành vi rửa tiền của các tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.