Lương thấp, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng: Giảm áp lực cho giáo viên bằng cách nào?
Lương thấp, áp lực lớn từ nghề là nguyên nhân chính khiến nhiều giáo viên phải nghỉ việc, tìm hướng đi khác để mưu sinh. Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng giáo viên nghỉ việc để họ yên tâm với nghề là bài toán đặt ra trong năm học mới.
Giáo viên bỏ dạy
Năm học 2022 - 2023 là năm đầu tiên môn học Tiếng Anh và Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3, thay vì tự chọn như trước đây. Tuy nhiên, nhiều địa phương trên cả nước đều thiếu giáo viên các môn này.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, để thực hiện việc dạy ngoại ngữ theo Chương trình GDPT mới cho lớp 3 năm học 2022 - 2023, cả nước cần thêm 5.322 giáo viên, còn cho 2 năm tiếp theo lần lượt là 2.207 và 2.061 giáo viên. Để đủ cho cả 3 năm sẽ cần thêm 9.589 giáo viên.
Với môn Tin học, theo Bộ GDĐT, để đủ giáo viên (tính tối thiểu 1 giáo viên/trường) cần bổ sung khoảng 3.684 giáo viên.
Lương thấp, áp lực lớn từ nghề là nguyên nhân chính khiến nhiều giáo viên phải nghỉ việc, tìm hướng đi khác để mưu sinh. Đặc biệt là giáo viên Tiếng Anh khi những người có trình độ ngoại ngữ rất dễ tìm việc làm khác có mức thu nhập tốt hơn việc đứng lớp.
Việc tuyển dụng giáo viên tiếng Anh tại TP Hồ Chí Minh nhưng mức lương chỉ có 3 triệu đồng/tháng đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội. Về vấn đề này, theo lãnh đạo Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh, khoản 3 triệu chỉ là tiền lương hàng tháng giáo viên được hưởng theo quy định. Bên cạnh đó, giáo viên còn có các khoản phụ cấp ưu đãi khác, tổng thu nhập mỗi tháng khoảng 5 triệu đồng.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, khoản thu nhập này là mức thấp trong giai đoạn hiện nay.
Ngoài thu nhập thấp, giáo viên tiếng Anh đang chịu nhiều áp lực đứng lớp bởi số tiết nhiều, áp lực sĩ số của mỗi lớp hiện nay cũng cao gây khó khăn và căng thẳng cho giáo viên.
Trong khi đó, hai mùa tuyển sinh trở lại đây, ngành sư phạm đang tăng sức hút, đồng nghĩa tính cạnh tranh để giành một vé vào các trường đào tạo giáo viên không dễ dàng.
Đạt được giấc mơ đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhưng em Nguyễn Hồng Vân, sinh viên năm thứ 4, Khoa Tiếng Anh đang đắn đo lựa chọn giữa nghề giáo hay nghề biên, phiên dịch cho các công ty tư nhân sau khi ra trường.
Vân tâm sự, sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh, điều kiện kinh tế gia đình hạn hẹp. Thời điểm thi đại học, Vân muốn thi vào trường sư phạm phần vì yêu nghề, phần vì được hỗ trợ học phí. Theo Vân, tính mức học phí được hỗ trợ trong 4 năm học với 136 tín chỉ khoảng hơn 40 triệu đồng. Tuy nhiên, theo quy định, sinh viên phải ký cam kết sau khi ra trường làm giáo viên, nếu không sẽ phải hoàn lại mức học phí trên.
“Em đang tính toán, nếu ra trường làm nghề biên, phiên dịch hoặc một công việc khác liên quan tới ngoại ngữ, mức lương khởi điểm đã hơn 10 triệu đồng/tháng. Tiết kiệm vài tháng lương là em có thể đủ hoàn lại số tiền học phí được miễn trong 4 năm học đại học, bù lại được mức lương cao hơn nhiều so với lương giáo viên hiện nay. Tuy nhiên, bố mẹ em vẫn muốn em làm giáo viên, em đang do dự giữa hai phương án”, Vân cho biết.
Đề xuất xây dựng chính sách tiền lương mới
Không chỉ thu nhập thấp mà chế độ đãi ngộ từ nghề giáo cũng chưa tương xứng. Vụ việc về 3 giáo viên ở Quảng Trị sau khi được UBND tỉnh cử sang Lào giảng dạy, về nước từ năm 2020 đến nay vẫn chưa được xét tuyển đặc cách là một điển hình. Trong khi mòn mỏi chờ đợi được đặc cách tuyển dụng, hiện 3 cô vẫn đang chạy đôn chạy đáo làm nhiều việc để kiếm tiền nuôi con.
Nhắc tới những câu chuyện kể trên, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vô cùng trăn trở.
Nhiều năm gắn bó với nghề giáo, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ thừa nhận, thu nhập từ nghề của giáo viên hiện nay chưa đủ với công sức họ bỏ ra. Lương không đủ nuôi con cái, không đủ trách nhiệm với gia đình nên ngày càng nhiều giáo viên làm thêm nhiều nghề tay trái như bán hàng online, dạy thêm để bảo đảm cuộc sống, thậm chí là sẵn sàng bỏ nghề.
“Nói tăng bao nhiều cho vừa thì khó nhưng chắc chắc lương giáo viên phải được tăng, thậm chí là tăng gấp đôi. Kèm theo đó là các chế độ đãi ngộ, tôn vinh các nhà giáo, đặc biệt là các giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, giải quyết vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi ra trường. Chỉ khi đời sống giáo viên ổn định, họ mới yên tâm với nghề, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ nêu quan điểm.
Theo tổng hợp chưa đầy đủ của Bộ GDĐT, đến thời điểm này, số giáo viên nghỉ việc, chuyển việc chiếm tỷ lệ khoảng trên 1% so với tổng số giáo viên mầm non và phổ thông trong cả nước.
Dù con số này chưa đến mức báo động nhưng ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ GDĐT rất quan tâm đến vấn đề này. Bộ sẽ tiếp tục đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập của viên chức giáo dục cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống; giúp họ yên tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Hiện Bộ GDĐT đang tiếp tục phối hợp Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng chính sách tiền lương mới. Trong đó, lương của nhà giáo sẽ được trả tương xứng tính chất mức độ phức tạp của công việc, đặc thù nghề nghiệp và không thấp hơn mức lương hiện hưởng.
Ông Đức cũng cho biết, ngoài chính sách tiền lương chung của Nhà nước, các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, có các chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc cho giáo viên. Đồng thời, có chính sách cải thiện điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ, tạo động lực cho cán bộ, giáo viên cống hiến và gắn bó với nghề, chú trọng hỗ trợ và trao quyền cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thông qua các cơ hội phát triển liên tục trong nghề nghiệp.