Lưu giữ nghề làm hương đen truyền thống làng Chóa tại tỉnh Bắc Ninh
Nghề làm hương đen có hơn 300 năm
Từ xa xưa, làng Chóa tại xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh được nhiều người biết đến nhờ có nghề thủ công nổi tiếng làm hương đen. Theo các bậc cao niên trong làng, nghề làm hương đen tính đến nay đã có hơn trăm năm tuổi. Đa số người dân nơi đây không chỉ coi nghề làm hương đen là nghiệp làm ăn, mà đó còn là tình yêu và nét đẹp của một làng văn hóa lâu đời tại tỉnh Bắc Ninh.
Để hiểu rõ hơn về quy trình làm hương đen, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất hương đen Bình Bảy - một trong các hộ gia đình giữ nghề làm hương đen lâu đời nhất. Chia sẻ với báo chí, cô Nguyễn Thị Bảy cho biết: "Người dân tại làng Chóa đa số đều được tiếp cận với nghề làm hương đen từ lúc rất nhỏ. Do hồi đó hầu hết người dân làng này đều làm hương và trở thành thu nhập chính nên các con từ bé đã có thể làm và thành thục với nghề. Còn đối với gia đình tôi thì từ khi tôi lập gia đình thì đã cùng với chồng mở ra làm riêng và bắt đầu có mối khách từ đó. Thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng đã phải nỗ lực hết sức để duy trì cái nghề làm hương đen cho tới tận bây giờ".
Theo tìm hiểu, hương đen của làng Chóa có hương thơm tự nhiên, đặc biệt là thấm nước vẫn có thể cháy được. Nguyên liệu chính để làm ra hương đen làng Chóa là: nhựa trám, than hoa, nứa.
Chia sẻ về quy trình làm hương đen, cô Bảy cho biết: "Làm hương đen cần phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau thì mới có thể tạo ra được một cây hương hảo. Đầu tiên người dân phải mua nứa hoặc mua tre về để ngâm, sau đó mới vót thành que (chính là ruột trong của cây hương), sau đó mua than hoa (than lọc nước) đem về cho vào cối giã gạo để giã, sau khi giã xong thì cho vào dây bột để dây hương.
Bước tiếp theo là công đoạn dùng nhựa trám - nhựa trám phải lên tận chợ vùng cao để mua về sau đỏ người dân phải cắt ra rồi cho vào nồi đun, rồi sau đó đổ ra cái rơm vắt xong cho vào cối giã gạo để giã tiếp. Nếu 5 người trong một buổi sáng làm thì được khoảng 50kg rồi sau đó xoa thành viên rồi lấy ra se dần. Sau khi se xong thì thành cây hương hoàn chỉnh và sau đó đem hương đi phơi, phơi khô thì cho thành phẩm và có thể xuất xưởng. Trung bình một cây hương đen sẽ được sản xuất trong vòng 2 ngày nếu thời tiết hanh khô, gió Bắc... Còn đối với thời tiết ẩm thấp thì phải mất vài ngày hoàn thành. Đặc biệt, sau Tết thời tiết thường ẩm thấp nên người dân làm hương tại làng Chóa rất ít dựng hương đen để phơi tránh ẩm thấp, nên hạn chế việc se hương".
"Một người có thể se được 500 que hương, người làm được nhiều lên đến 2.000 que/ngày. Ngày trước, người làm hương đen ở làng Chóa chỉ làm bán vào dịp Tết. Mấy năm gần đây, do nhu cầu lớn nên người làng làm hương quanh năm. Từ tháng 10 đến tháng 12, người làm hương đen làng Chóa vào vụ Tết", cô Bảy chia sẻ.
Hương đen làng chóa có rất nhiều loại, kích cỡ khác nhau từ 30cm, 40cm, 100cm... tùy vào nhu cầu của khách hàng. Giá thành hương đen khi được rao bán sẽ khác với giá bán sau quảng cáo, ví dụ hương 1m2 sẽ có giá 350-400 nghìn/100 que hương, còn đối với hương bé sẽ có giá 150 nghìn/100 que hương. Giá thành tuy không cao nhưng nó là nguồn thu nhập chính của gia đình cô chú Bình Bảy ở thời điểm hiện tại.
Hiện nay, nhiều hộ gia đình tại làng Chóa vẫn làm hương đen bằng thủ công đem lại năng suất không cao nên bắt buộc phải tìm ra cách tăng năng suất nhưng vẫn giữ được chất lượng sản phẩm. Trong đó, cơ sở sản xuất Bình Bảy đã vận dụng khoa học đưa thiết bị máy móc vào để sản xuất hương nhằm mục đích rút gọn bớt công đoạn như se hương mà vẫn đem lại hiệu quả kinh tế. Chú Bình (chồng cô Bảy) cho biết: "Tôi tự mày mò, chế tạo ra chiếc máy se hương tự động thay bằng thủ công truyền thống. Do đó, một máy có thể làm bằng 10 người giảm bớt nhân công nhưng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Năng suất là vậy, nhưng ở hiện tại vẫn có những hộ gia đình vẫn làm hương đen bằng tay như nhà ông Đào Sỹ Oanh, ông Ngô Bá Thành".
Tiếng lành đồn xa, khách buôn từ khắp nơi đã tìm về làng Chóa để mua hương đen. Trong đó, thị trường tiêu thụ loại hương này nhiều nhất là Hà Nội (đa phần ở các chùa lớn), Thái Nguyên, Hải Phòng, các tỉnh phía Nam và thậm chí phân phối sang cả nước ngoài.
"Thời gian khách buôn về làng Chóa lấy hương nhộn nhịp nhất là từ tháng 8 đến tháng 12 để phục vụ cho dịp Tết, cũng vào thời điểm này những cơ sở xuất hương thủ công như nhà cô chú Bình Bảy phải tăng thêm nhân lực để hỗ chợ cho kịp hàng Tết", chú Bình cho biết.
'Nghề làm hương đen có nguy cơ bị mai một'
So với trước kia, nghề làm hương đen tại làng Chóa ở hiện tại vẫn phát triển và trở thành nguồn thu nhập chính tại một số hộ gia đình, trong đó có gia đình cô chú Bình Bảy. Tuy nhiên, làng Chóa tính đến hiện tại chỉ còn khoảng 70/600 hộ gia đình còn giữ được nghề làm hương đen có lịch sử hàng vài trăm năm.
Trước thực trạng bị mai một, cơ sở sản xuất hương đen Bình Bảy ở hiện tại vẫn là hộ gia đình sản xuất hương đen nhiều nhất làng Chóa, từ thủ công chuyển sang dây chuyền sản xuất tạo năng xuất lớn và hiệu quả kinh tế cao và trở thành đầu mối phân phối hương đen lớn nhất vùng.
Theo cô Bảy chia sẻ: "Nghề làm hương đen với gia đình tôi là nguồn thu nhập chính. Tôi và ông xã cùng các con sẽ duy trì cái nghề mà các cụ ngày xưa để lại, chỉ có mở rộng thêm chứ không để mất nghề bởi hiện tại nhiều nhà bỏ nghề theo nghề khác để kiếm sống, nhưng gia đình tôi vẫn bám trụ được tôi nghĩ do lộc trên ban xuống nên phải giữ bằng được cái nghề này".
"Trước kia gia đình tôi sản xuất và đầu tư nguyên vật liệu cho hầu hết các hộ gia đình làm hương đen tại làng Chóa, những nhà có kinh tế thì thanh toán ngay, không có vốn thì cho phép thanh toán sau. Đặc biệt, từng có thời điểm người dân đến xếp hàng dài để mua hương, ai đến trước thì chúng tôi làm cho trước để họ đem về nhà buôn bán, phân phối cho các chi nhánh nhỏ trong vùng hay các tỉnh thành lân cận", cô Bảy tiết lộ.
Nghề làm hương vẫn tồn tại đến ngày nay như một điểm tựa của người làng Chóa giúp họ đi qua những khó khăn, xây dựng cuộc sống mới. Dù quy mô làng nghề đang dần bị thu hẹp nhưng những người dân làng Chóa luôn mong muốn vực dậy, tiếp nối truyền thống cha ông, gìn giữ và truyền nghề cho thế hệ tương lai.
Trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, dâng hương là một nghi thức cúng, bái, tế lễ, tượng trưng cho giá trị văn hoá tâm linh của. Mỗi một nén nhang thơm được thắp lên là một nét đẹp văn hoá thiêng liêng, tỏ lòng biết ơn sâu sắc của con cháu đối với ông bà tổ tiên. Có lẽ, vì ý nghĩa thiêng liêng cao đẹp này mà người dân làng Choá chẳng bao giờ có ý định bỏ nghề làm hương đen truyền thống.