“Mánh khóe” lừa đảo hàng chục tỷ đồng của nhiều cựu nhân viên ngân hàng
Mánh khóe lừa đảo từ việc đáo hạn ngân hàng
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai đã khởi tố, truy tố, xét xử nhiều vụ án liên quan đến các bị can, bị cáo nguyên là nhân viên của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh. “Mánh khóe” của các đối tượng này chủ yếu đánh vào sự nhẹ dạ cả tin và lãi suất hậu hĩnh.
Theo đó, “siêu lừa” Chu Nữ Diệu Huyền (SN 1985, trú tại phường Phù Đổng-TP Pleiku- nguyên là nhân viên Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh Gia Lai) và bà Lê Thị T.H. (Chủ doanh nghiệp tư nhân của một tiệm vàng trên địa bàn tỉnh Gia Lai) có quan hệ vay mượn tiền với nhau.
Hình thức vay mượn, bà H. chuyển tiền cho Huyền vay để Huyền làm đáo hạn ngân hàng với lãi suất thỏa thuận: Huyền vay của bà H. 2.000 đồng/triệu/ngày rồi cho người khác vay lại 2.500 đồng/triệu/ngày để Huyền được hưởng chênh lệch.
Trong quá trình vay mượn, thấy bà H. không kiểm soát chặt chẽ được nguồn tiền vay mượn giữa hai bên nên Chu Nữ Diệu Huyền đã chiếm đoạt hơn 18 tỷ đồng tiền vay của bà H. để thực hiện việc mua các tài sản cho bản thân.
Sau khi phát hiện Huyền gian dối trong việc tính toán tiền, chồng của bà H. đã yêu cầu vợ mình không cho Huyền vay tiền.
Lúc này, Huyền tiếp tục đưa ra thông tin gian đối với bà H. là cần nguồn tiền lớn để làm đáo hạn. Do tin tưởng thông tin mà Huyền đưa ra là thật, bà H. đã tiếp tục chuyển tiền cho Huyền vay.
Sau khi nhận tiền vay từ bà H., Huyền liên tục chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản ngân hàng và rút tiền mặt từ tài khoản ngân hàng này nộp tiền mặt vào tài khoản ngân hàng khác của chính mình. Sau đó, thực hiện giao dịch với bên thứ ba để tài sản đứng tên sở hữu của chính cá nhân Chu Nữ Diệu Huyền và người thân trong gia đình, từ đó chiếm đoạt của bà H. số tiền gần 35 tỷ đồng.
Cùng thủ đoạn tương tự, Đặng Văn Quân (SN 1988, tạm trú tại xã An Khê-Gia Lai; nguyên là nhân viên ngân hàng làm việc tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu - Phòng giao dịch An Khê).
Từ công việc đang làm, Quân quen biết với chị Trương Thị Cẩm H., anh Thái Xuân B., chị Văn Thị Hồng P. và chị Nguyễn Thị Cẩm D. là các khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính của Ngân hàng ACB.
Trong khoảng thời gian từ 06/11/2020-25/11/2021, mặc dù không có khách hàng nào liên hệ vay tiền của Quân để đáo hạn ngân hàng, nhưng để có tiền sử dụng vào mục đích tiêu xài cá nhân nên Quân đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại bằng cách dùng thủ đoạn đưa ra thông tin gian dối là cần tiền cho khách hàng vay lại đáo hạn ngân hàng, sẽ trả mức lãi suất cao.
Vì thế, các bị hại tin tưởng là thật nên đã cho vay tổng cộng số tiền hơn 4,2 tỷ đồng. Xong màn kịch, Quân bỏ đi khỏi địa phương, chiếm đoạt toàn bộ số tiền này.
Một “siêu lừa” khác, là Lê Thị Thương (SN 1988, tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa; chỗ ở phường Hoa Lư, TP Pleiku - nguyên là nhân viên của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Gia Lai), cũng đã lừa đảo của 15 bị hại với số tiền gần 20 tỷ đồng.
Do có quan hệ làm ăn vay mượn tiền của nhiều người, sau đó cho người khác vay lại để đáo hạn ngân hàng và hưởng tiền lãi suất chênh lệch. Việc vay và cho vay mượn với số tiền rất lớn, không đáo hạn được tại các ngân hàng để giải ngân được tiền trả cho những người cho vay nên đến tháng 12/2019, Lê Thị Thương đã bắt đầu mất khả năng thanh toán các khoản vay trước.
Vậy nhưng, để có tiền trả nợ xoay vòng tiền gốc, tiền lãi vay, Thương tiếp tục lợi dụng danh nghĩa là nhân viên ngân hàng, đưa ra thông tin gian dối cần huy động tiền với lãi suất cao để làm đáo hạn ngân hàng và kinh doanh mua bán bất động sản để đặt vấn đề vay tiền của nhiều người. Trong đó, có 15 người đã làm đơn tố giác việc cho Thương vay gần 20 tỷ đồng. Đến khi không thể vay được tiền để tiếp tục trả nợ xoay vòng, thì Lê Thị Thương đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Cái giá phải trả
Cơ quan chức năng xác định, hành vi đưa ra thông tin gian dối làm người khác tin tưởng là thật cho vay tiền sau đó chiếm đoạt số tiền gần 35 tỷ đồng và hành vi vay tiền của người khác rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt số tiền hơn 18 tỷ đồng của Chu Nữ Diệu Huyền là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người khác, được pháp luật bảo vệ và gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an xã hội tại địa phương.
Do đó, hành vi này của bị can Chu Nữ Diệu Huyền đã phạm vào tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự với tình tiết định khung “Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên” và tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự. Theo đó, mức hình phạt cao nhất bị VKSND tỉnh Gia Lai truy tố lần lượt cho mỗi tội danh của Huyền lên đến tù chung thân và 20 năm tù.
Đối với hành vi của Lê Thị Thương cũng đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điểm a Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Cùng với đó, bị can Thương đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền nhiều lần, của nhiều người, mỗi lần đều trên 2.000.000 đồng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội 02 lần trở lên theo Điểm g Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự đối với bị can. Theo cáo trạng truy tố, mức hình phạt cao nhất dành cho Thương cũng lên đến tù chung thân.
Riêng đối với Đặng Văn Quân, mới đây TAND tỉnh Gia Lai đã đưa bị cáo này ra xét xử sơ thẩm về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đồng thời, HĐXX đã tuyên phạt Quân với mức án 15 năm tù.
Trước những vụ, việc này, Luật sư Ngô Thanh Quảng (Công ty Luật TNHH MTV Hồng Phát), thuộc đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai cho rằng: Trong hầu hết các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các bị hại đều tin rằng số tiền mà họ đưa cho đối tượng lừa đảo sẽ được dùng vào mục đích “đáo hạn ngân hàng”, vì đây là một nhu cầu có thật, một nhu cầu rất lớn trong xã hội.
Các bị hại không chỉ tin vào một nhu cầu có thật phát sinh từ hoạt động vay vốn Ngân hàng, mà còn tin vào địa vị xã hội, vị trí công tác và khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng của đối tượng lừa đảo.
Bên cạnh đó, việc hứa hẹn sẽ trả tiền lãi với mức lãi suất cao cũng là một trong những lý do khiến đối tượng lừa đảo dễ dàng chiếm được lòng tin của các bị hại, khiến bị hại mất cảnh giác, từ đó dẫn đến việc bị chiếm đoạt số tiền rất lớn.
Các cơ quan pháp luật tỉnh Gia Lai đã xử lý rất nhiều vụ án, nhưng thực tế số lượng và quy mô của tội phạm này chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Thậm chí, tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn, khó nhận diện để đối phó và xử lý hơn.
Do vậy, người làm dịch vụ cho vay tiền trong thị trường tự do trước hết cần nâng cao sự cảnh giác và sức đề kháng của mình trước các mối quan hệ dân sự nói chung và quan hệ vay tài sản nói riêng. Đảm bảo sự rõ ràng, chặt chẽ trong việc giao kết, thực hiện hợp đồng và nắm bắt được thông tin về đối tác cũng là một trong những cách thức để phòng tránh rủi ro trong các mối quan hệ kinh tế.