Mạnh tay “dọn rác” trên TikTok
Nhiều Tiktoker bị xử phạt
Hiện Việt Nam có khoảng 49,9 triệu người dùng Tiktok, xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia sử dụng nền tảng mạng xã hội này nhiều nhất trên thế giới (theo số liệu công bố DataReportal). Gần đây trên mạng xã hội TikTok ngày càng xuất hiện nhiều nội dung xấu, phản cảm, các thông tin sai sự thật, mê tín dị đoan.
Vừa qua, Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05 - Công an tỉnh Lâm Đồng) đã xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt 10 triệu đồng đối với chủ tài khoản TikTok Hoàng Minh (tên gọi khác “hoangminhkhumbeo”, 23 tuổi, thường trú TP Biên Hòa, Đồng Nai, tạm trú phường 4, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) vì nói xấu người miền Trung gây “dậy sóng” dư luận. Sau khi bị cộng đồng mạng “ném đá” do cách cư xử thiếu chuẩn mực, miệt thị người nghèo, xúc phạm người lớn tuổi trong một video, TikToker Nờ Ô Nô đã bị Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM phạt 7,5 triệu đồng. Cụ thể, TikToker này có series clip “Một ngày tử tế”, trong đó có clip “Người nghèo ăn gì - Nờ Ô Nô cho ăn đó” với nội dung gặp những hoàn cảnh vô gia cư, hỏi họ thích ăn gì và sẽ tặng món đó. Tuy nhiên, cách nói chuyện của TikToker này với bà cụ bị nhiều người đánh giá là “quá khó nghe”, “không thể chấp nhận”.
Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh Quảng Ngãi vừa ra quyết định xử phạt 5 triệu đồng đối với TikToker “V.P” về hành vi đăng tải thông có nội dung xúc phạm uy tín, danh dự của lực lượng Cảnh sát cơ động
Công an thị xã Kinh Môn, Hải Dương vừa quyết định phạt cô đồng T.H bổ cau xem bói “đúng nhận, sai cãi” 7,5 triệu đồng do cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín dị đoan… Trong các video đăng trên TikTok, cô đồng T.H luôn xưng “cô – con” với người xem bói. Cô vừa bổ cau vừa phán cùng câu nói cửa miệng “đúng nhận, sai cãi”...
Nhiều trào lưu trên TikTok còn đặt người tham gia vào nguy hiểm khi bày ra những thử thách nguy hiểm. Như thử thách “Blackout”, là nín thở hoặc tự gây nghẹt thở cho chính mình càng lâu càng tốt, cho đến khi đạt được trạng thái choáng váng. Hành động này nguy hiểm đến mức có thể gây tổn thương não hoặc tử vong.
Thực tế hiện nay chỉ cần mở TikTok là người dùng như bước vào một “mê hồn trận” bởi rất nhiều video ngắn được đăng tải trên nền tảng này. Việc xuất hiện ngày càng nhiều video có nội dung nhảm nhí “câu view”, thậm chí đưa thông tin sai lệch… có thể gây hậu quả nguy hại đến nhận thức giới trẻ. Nhiều ý kiến cho rằng, mức xử phạt các hành vi vi phạm trên môi trường mạng xã hội hiện còn quá nhẹ, người vi phạm chủ yếu chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt vài triệu đồng là chưa đủ sức răn đe. So với món lợi “khổng lồ” từ quảng cáo, truyền thông trong một clip được phổ biến thì mức phạt này là quá nhỏ.
Sẽ kiểm tra hoạt động của TikTok
Thông tin từ Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy có 6 sai phạm lớn của TikTok mà cơ quan chức năng tổng hợp như: không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước, tin giả, nội dung nhảm nhí, độc hại, thậm chí là gây nguy hiểm với trẻ em; mạng xã hội này sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng nhằm phát tán những nội dung giật tít, “câu view”, bất chấp là nội dung độc hại, phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng và giới trẻ; mạng xã hội này không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc; xuất hiện Idol TikTok, cho phép người dùng xem và tặng quà, tặng tiền với Idol, dẫn đến tình trạng nhiều Idol TikTok có xu hướng sản xuất những nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa để nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, thậm chí còn tạo “trend” để thu lời từ những nội dung này; tình trạng vi phạm bản quyền; không có biện pháp quản lý, để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, hoặc bôi nhọ, xúc phạm người khác; việc tự ý quay phim, sử dụng hình ảnh người khác khi chưa được sự đồng ý của họ…
Trước các sai phạm của TikTok, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết, thời gian qua, cơ quan chức năng đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nhiều lần tổ chức làm việc, có văn bản kiên quyết yêu cầu TikTok và các nền tảng xuyên biên giới khác như Facebook, Youtube thực hiện việc chủ động ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm; đồng thời phát triển công cụ, kỹ thuật để rà quét, phát hiện và xử lý thông tin vi phạm.
Để triển khai kế hoạch kiểm tra toàn bộ hoạt động của TikTok Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi công văn cho các bộ, ngành có liên quan để hình thành đoàn công tác liên ngành. Dự kiến từ ngày 15/5 đến hết tháng 5/2023, đoàn thanh tra sẽ tiến hành kiểm tra hoạt động của TikTok và xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm.