Mất gần 900 triệu đồng vì bị lừa cài ứng dụng VNeID giả mạo
Đại tá Triệu Tuấn Hải - Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn vừa ký văn bản cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua phương thức cài ứng dụng VNeID giả mạo.
Theo Công an tỉnh Lạng Sơn, lợi dụng vùng chồng lấn sóng di động giữa Việt Nam với các nước trong khu vực hoặc mỗi khi các cơ quan quản lý nhà nước ban hành chủ trương chính sách mới liên quan đến ứng dụng, thủ tục hành chính phục vụ nhân dân thì lập tức các đối tượng phạm tội (chủ yếu người nước ngoài) lợi dụng để viết ra các phần mềm, ứng dụng (App) lừa đảo trên internet giống như các ứng dụng thật của các cơ quan, doanh nghiệp, sau đó tán phát trên mạng xã hội, làm cho người dân hiểu lầm là App thật.
“Thực tế cho thấy các thủ đoạn ngày càng nhiều, tinh vi, khó dự báo, khó phòng ngừa, gây bức xúc, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự và đời sống nhân dân”, Công an tỉnh Lạng Sơn nhận định.
Theo Công an tỉnh Lạng Sơn, nổi lên gần đây là lợi dụng việc lực lượng Công an ra quân hướng dẫn cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử trên ứng dụng VneID, các đối tượng đã tạo các phần mềm giả mạo sau đó giả danh lực lượng Công an yêu cầu người dân cài đặt để chiếm quyền sử dụng điện thoại di động rồi chiếm đoạt tài sản trong ứng dụng ngân hàng điện tử.
Cụ thể, theo Công an tỉnh Lạng Sơn, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra vụ việc chiếm đoạt tài sản với hình thức nói trên với số tiền thiệt hại gần 900 triệu đồng. Thủ đoạn như sau: Các đối tượng giả làm lực lượng Công an địa phương gọi điện thoại vận động người dân đi cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử VNeID để tạo lòng tin. Sau đó các đối tượng sẽ gợi ý hướng dẫn người dân tự thực hiện trên điện thoại di động để không cần phải trực tiếp đến cơ quan Công an. Các đối tượng hướng dẫn người dân tải ứng dụng VNeID giả mạo thông qua liên kết được cung cấp với lý do tích hợp thông tin, xác minh tài khoản. Khi cài đặt ứng dụng đối tượng sẽ yêu cầu người dân cấp tất cả các quyền cho ứng dụng như truy cập danh bạ, vị trí, trợ năng (Accessibility) trên điện thoại.
Ngay sau khi ứng dụng được cấp quyền, điện thoại của người dân sẽ mất quyền kiểm soát. Với quyền truy cập trợ năng, các đối tượng sẽ theo dõi các thao tác của người dùng trên màn hình điện thoại, đọc được mã OTP ngân hàng gửi về điện thoại. Sau khi biết được thông tin đăng nhập dịch vụ ngân ngân hàng điện tử của người dân, các đối tượng sẽ đăng nhập ứng dụng ngân hàng điện tử và chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng khác để chiếm đoạt.
“Đặc điểm dễ nhận biết điện thoại di động đã bị chiếm quyền điều khiển là không truy cập được cài đặt ứng dụng, phông chữ trên điện thoại bị thay đổi, điện thoại thường xuyên tự bật sáng màn hình và khi thao tác bị loạn cảm ứng”, Công an Lạng Sơn cho biết.
Để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và phối hợp đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, Công an tỉnh Lạng Sơn đề nghị Thủ trưởng các Ban, Sở, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thành phố Lạng Sơn quan tâm chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến cán bộ, đảng viên, nhân dân biết để cảnh giác, tránh vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.
“Lực lượng Công an không làm việc với công dân qua điện thoại”, Công an Lạng Sơn khẳng định.