Mặt trái của phim truyền hình lạm dụng drama
Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu gây ức chế trong phim “Thương ngày nắng về 2”.
Cứ mẹ chồng, nhà chồng là... tai ác?
Thời điểm này, hai bộ phim truyền hình thu hút sự chú ý của khán giả phải kể đến “Thương ngày nắng về 2” và “Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ”. Không hẹn mà gặp, hai bộ phim đều có những tình tiết đầy drama về mối quan hệ giữa “nàng dâu” và “nhà chồng”. Nếu như trong “Thương ngày nắng về 2”, nhân vật nữ Vân Khánh (diễn viên Lan Phương đóng) bị mẹ chồng và chị chồng quái ác ức hiếp đến tối tăm mặt mũi thì trong phim “Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ”, nhân vật Giang (diễn viên Lã Thanh Huyền đóng) bị con chồng hành hạ, đối xử tệ bạc.
Những cốt truyện như thế không phải là không có thật ngoài đời, nhưng cách xây dựng nhân vật làm quá, đẩy mọi thứ lên cao trào, gây ra nhiều tình tiết vô lý, khiến nhiều khán giả bức xúc.
Ở phim “Chồng cũ, vợ cũ, người yêu cũ”, cô con gái chồng liên tục hành hạ mẹ kế “lên bờ xuống ruộng” bằng những chiêu trò của trẻ con, mặc dù đã là sinh viên đại học. Không chỉ dùng những lời lẽ hỗn hào cho mẹ kế, cô gái trẻ còn thái độ vô lễ với mẹ của mẹ kế...
Còn ở bộ phim “Thương ngày nắng về 2”, mẹ chồng Vân Khánh bắt cô phải chịu trách nhiệm với số tiền nợ mà chị chồng gây ra, còn ép vợ chồng cô phải bán căn nhà đang ở để trả nợ giúp chị chồng. Hay mẹ chồng ép con dâu trả tiền mua quần áo cao cấp cho mình, rồi gọi con dâu đến nhà nấu nướng phục vụ bạn mình và bắt con dâu phục vụ ở đó mà không cho ăn gì. Khi con gái bị thương ở chân, mẹ chồng cũng chẳng kịp hỏi gì mà thẳng tay tát con dâu. Không chỉ vậy, người mẹ chồng này còn coi thường thông gia, liên tục mắng nhiếc cha mẹ con dâu, gọi bà sui gia là “giúp việc theo giờ”, kích động vợ chồng con dâu hiểu nhầm, bất hòa nhau.
Mẹ chồng đã thế, chị chồng cũng nanh nọc, tai ác không kém khi liên tục hùa với mẹ bắt nạt, chèn ép em dâu và bày ra những trò mưu mô “bẫy” em dâu với nhiều tình tiết quá đáng đến vô lý. Trong khi đó, người chồng một mực nhẫn nhịn, không thể bảo vệ vợ.
Sự vô lý trong nhiều tình tiết khiến khán giả bày tỏ sự ngán ngẩm. Nhiều người phê phán phim đang “bóp méo” sự thật, khiến khán giả nhìn thấy những gì xấu xa, tồi tệ nhất trong hôn nhân và trong mối quan hệ giữa nàng dâu và nhà chồng. Thậm chí, NSND Lan Hương đóng vai mẹ chồng quái ác trong phim “Thương ngày nắng về 2” còn lên tiếng nói rằng “sợ” chính vai diễn của mình trong phim.
“Bôi đen” cuộc đời
Hình tượng mẹ chồng khắc nghiệt, tai ác không phải chỉ xuất hiện một, vài lần trong phim truyền hình Việt Nam. Như phim “Sống chung với mẹ chồng”, nhân vật mẹ chồng bị cường điệu hóa đến mức làm ra những hành động vô duyên và ngớ ngẩn. Phim “Hoa hồng trên ngực trái” tràn ngập những tình tiết căng thẳng như mẹ chồng giả điên đánh đập con dâu. Trong phim “Cả một đời ân oán”, nhân vật mẹ chồng luôn làm mình làm mẩy, can thiệp, kiểm soát, đến nỗi hai con trai của bà lần lượt phải ly hôn cho bà vừa lòng.
Cách thức đẩy tình tiết thành drama cũng được nhiều đạo diễn phim truyền hình áp dụng ở những thể loại nhân vật khác, như... mẹ ruột. Trong phim “Hãy nói lời yêu”, bà Hoài (Nguyệt Hằng đóng) là người mẹ bảo thủ, áp đặt, đối diện với sự ngoại tình của chồng nên ngày càng trở nên điên loạn với những hành xử kì quái như bắt con trai đã trưởng thành học 7 quyển sách một ngày và nhồi nhét ăn liên tục như một đứa trẻ, chửi bới, đánh đập con gái...
Hay như phim “Hương vị tình thân”, hai người mẹ cũng được xây dựng với nhiều tính xấu, ghét bỏ, tính toán thực dụng với chính con gái ruột của mình, gây ra nhiều hành vi phi lý mà một người mẹ khó có thể xử sự với con. Bà mẹ trong phim “Cây táo nở hoa” thì ăn trộm chính thùng tiền cưới của con...
Dường như, drama đã trở thành một công thức hút khách, tăng rating mà các đạo diễn áp dụng cho những bộ phim truyền hình. Trong khi đó, khán giả tỏ ra chán ngán, mệt mỏi vì phải “thưởng thức” những “món ăn” tinh thần quá ức chế, căng thẳng. Trên các diễn đàn về phim truyền hình, nhiều khán giả đã bày tỏ ý kiến sẽ “ngừng xem” nếu các phim đang chiếu tiếp tục đem đến những diễn biến vô lý và gây ức chế tinh thần như trên nữa.
Thực tế, đâu chỉ drama mới có khả năng khiến phim truyền hình được khán giả chú ý, theo dõi? Tạo ra những cao trào, những tình tiết éo le, phi thực tế chỉ là cách nhanh và dễ dàng nhất để thu hút dư luận. Nhưng mặt trái là nó tạo ra nhiều mệt mỏi, chán nản khi tiếp nạp quá nhiều cái xấu, cái ác, cái tiêu cực trên phim, nó khiến khán giả thấy cuộc sống, thấy hôn nhân, mối quan hệ giữa người và người quá nhiều dối trá, mưu mô, bất đồng và ghen ghét.
Còn quá nhiều đề tài hay, cách xử lý tình huống nhẹ nhàng mà cảm động, cách xây dựng con người thật hơn, nhân văn hơn, sao người làm phim cứ mải mê chọn con đường “rút gọn” mang lại nhiều cảm xúc tiêu cực như trên?