1. Trang chủ /
  2. Mẹ cầu cho con vượt qua ngày tròn

Mẹ cầu cho con vượt qua ngày tròn

thứ hai, 28/2/2022 10:05 GMT+07
(PLM) - Đầu năm, người Việt có phong tục đi chùa giải hạn, cầu an. Lời thầm thì nguyện cầu đó nhiều người cho là mê tín, nhưng với người tín thì họ vẫn làm.

Mẹ tôi là người quá mê tín, bà tin từ nhà sư, thầy cúng, thầy bói… Có nghĩa, ông nào nói gì bà cũng nghe, rồi tin, làm theo. Tôi hay tranh cãi với mẹ về chuyện này, nhưng cuối cùng tôi thua vì tôi biết bà đã tin tưởng.

Đó là niềm tin nhiều khi có tuyệt vọng và hy vọng, nhưng tôi nghĩ mẹ tôi vui khi tin vào thế giới tâm linh. Đó cũng là niềm vui của tuổi già, cần sự an ủi của tổ tiên hay thánh thần…

Ngày rằm tháng Giêng, chúng ta chứng kiến người Hà Nội tràn ra đường để làm lễ giải hạn đầu năm ở chùa. Nhiều người cho rằng hành vi vậy là mê tín quá, ảnh hưởng giao thông và không có ý nghĩa. Người chê bai cho rằng không thể bỏ vài trăm ngàn, rồi nhờ nhà sư cúng bái là giải được hạn của mình. Đó là điều phi lý.

Nhưng họ là người quan sát, họ đâu phải là người bỏ lễ để được ghi danh cho lễ giải hạn đầu năm đó. Họ đâu có niềm tin tuyệt đối rằng Đức Phật sẽ giải thoát vận đen cho họ trong năm nay. Đó là cách bấu víu, che chở mà người ta tin sức mạnh của Đức Phật sẽ giúp họ qua cơn hoạn nạn nếu có.

Tôi nghĩ mẹ tôi cũng có cách nghĩ như vậy để bà muốn Đức Phật, thánh hay tổ tiên chở che cho mình, cho gia đình mình, dù bà không biết rằng nhiều khi niềm tin của mình bị trục lợi từ những người cúng bái và tinh thần của thần thánh cũng chẳng giúp gì được mình.

Nên những khi tranh luận tôi hay đưa ra lý lẽ, còn mẹ tôi bức xúc, lắm khi còn lớn tiếng nạt lại tôi, điều bà ít khi làm trong giao tiếp hàng ngày.

Người Việt dù khi thờ phụng bất kỳ ai họ đều tin rằng thờ cúng như là một nghĩa vụ, một đức tin, một giá trị đạo đức, một hướng niệm về người đã khuất… “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” là thế. Nên hằng năm, những hội hè, đình đám đầu năm diễn ra rất nhiều phần lớn để tưởng nhớ những con người đặc biệt đó. Nó là sức mạnh vũ bão để con người được bảo vệ về mặt tinh thần trong một cuộc sống nhiều biến động.

Khi họ nghe một thầy bói, lá số, tử vi rằng năm nay gặp nhiều tai ương, hoạn nạn, tuổi tác không hợp…thì niềm tin vào thần thánh, Phật, tổ tiên lại càng mãnh liệt. Những tín lễ sẽ được bày ra, phải tìm những người thầy giỏi nhất, ngồi chùa, miếu… thiêng nhất, để tâm niệm vào đó mong được phù hộ độ trì qua khiếp nạn.

Và niềm tin của mẹ tôi là vậy. Bà đã sống như vậy để cầu cho con cái vượt qua ngày tròn, cho gia đình không phải gặp kiếp nạn nào.

Gửi gắm vào thế giới không nhìn thấy, có thể ai đó cho là mê tín, nhưng với tín ngưỡng nó là niềm tin ở nhân gian. Hậu thế tin vào thế giới bên kia để sống đời hôm nay sao không hổ thẹn với ông bà.

Có thể sẽ còn có tiếp những tranh cãi giữa tôi và mẹ về chuyện xem bói, cúng bái, vì đơn giản tôi không quá tín như mẹ. Nhưng từ sâu thẳm tôi cũng hiểu rằng cái sự mê tín đó là thứ bà vin vào để sống như một điểm tựa. Một điểm tựa mơ hồ tuy chưa chắc đã xử lý tốt cho mẹ những khó khăn trong cuộc sống, nhưng nó tạo nên sự thoải mái trong tâm hồn và cho những người mẹ thương yêu.