Mộc Châu, Sơn La: Khai thác tiềm năng du lịch theo hướng bền vững
Theo nhiều ý kiến, đến Mộc Châu mùa nào cũng đẹp, bởi nơi đây có những đặc điểm riêng biệt không phải nơi nào cũng có. Rất nhiều điểm du lịch nổi tiếng ở Mộc Châu đã để lại những ấn tượng khó quên với du khách như trải nghiệm rừng thông bản Áng; thác Dải Yếm; đồi chè trái tim; ngũ động bản Ôn; thung lũng Mu Náu; động sơn Mộc Hương…
Không những thế, Mộc Châu còn là vùng đất sinh sống lâu đời của nhiều đồng bào dân tộc, mỗi dân tộc có nét riêng về văn hóa, lễ hội, phong tục truyền thống riêng. Để khai thác tốt các thế mạnh, tiềm năng du lịch của địa phương, những năm qua cấp ủy, chính quyền huyện Mộc Châu đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, mục tiêu phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của huyện, dần đưa ngành du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Hiện ở Mộc Châu đã hình thành nhiều loại hình du lịch mang bản sắc riêng như du lịch sinh thái, trải nghiệm; du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch nông nghiệp…
Với mục tiêu phát triển du lịch theo hướng bền vững, vừa bảo tồn tài nguyên thiên nhiên vừa phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, Mộc Châu còn tập trung đẩy mạnh xúc tiến du lịch, vận dụng linh hoạt chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư phát triển du lịch. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Mộc Châu; phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch theo hướng đồng bộ; nâng cao nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; đa dạng các sản phẩm du lịch; nâng cao vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong phát triển và quản lý du lịch…
Qua thống kê, đến nay toàn huyện có 271 cơ sở lưu trú; trong đó có 1 khách sạn 4 sao, 1 resort, 9 khách sạn từ 1 - 3 sao; trên 340 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm; 12 DN kinh doanh dịch vụ du lịch, lữ hành, từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách.
Theo lộ trình, Mộc Châu đang phấn đấu đến năm 2025 được công nhận là khu du lịch quốc gia. Huyện đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng; cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt đầu tư cơ sở hạ tầng, các khu du lịch sinh thái, khu vui chơi trải nghiệm...
Cùng với đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực du lịch đạt tiêu chuẩn, có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới. Đặc biệt là đa dạng hóa các sản phẩm, loại hình du lịch, dựa trên tài nguyên thiên nhiên như cảnh quan, nghỉ dưỡng, lễ hội, thưởng thức văn hoá ẩm thực các dân tộc gắn các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp như hái quả, chế biến các sản phẩm chè, sữa...
Huyện Mộc Châu cũng đang tích cực thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ các tổ chức, DN để duy trì và triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực du lịch. Phát triển hạ tầng viễn thông, internet (đặc biệt là hệ thống internet công cộng) để đáp ứng nhu cầu sử dụng công nghệ trong hoạt động du lịch của người dân và du khách. Nghiên cứu giải pháp nhằm tăng cường việc ứng dụng CNTT trong lĩnh vực du lịch. Phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu đề ra, nhất là các chỉ tiêu về lượng khách, doanh thu xã hội từ du lịch, đào tạo bồi dưỡng nhân lực du lịch, sản phẩm du lịch, khu du lịch đạt chuẩn hài hòa cảnh quan, các chỉ tiêu về ứng dụng CNTT nhằm từng bước thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch.
Với những giải pháp trên, Mộc Châu đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện với du khách. Giai đoạn 2015 - 2020, khách du lịch tăng bình quân 13,7%. Doanh thu từ dịch vụ du lịch năm 2018 đạt 1.085 tỷ đồng, năm 2019 đạt 1.135 tỷ đồng. Sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch hoạt động trở lại, từ đầu 2022 đến nay, lượng khách đến Mộc Châu ước đạt gần 600.000 lượt người, doanh thu ước đạt hơn 540 tỷ đồng. Đặc biệt, chỉ trong 4 ngày nghỉ lễ dịp 2/9, huyện Mộc Châu đã đón hơn 97.000 lượt khách đến tham quan.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 264 ra ngày 21/9/2022)