Mong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ có những quy định đặc thù, “vượt trước” về văn hóa
Với tinh thần đó, PGS. TS Phạm Thu Hương đưa ra một số ý kiến đóng góp cho Điều 24 - Bảo vệ, phát triển văn hóa, thể thao của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).
Trước hết, về tên của Điều 24, Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng nên thay 2 chữ "bảo vệ" bằng "bảo tồn" vì: Bảo vệ là việc giữ gìn một hiện tượng văn hóa/thực hành văn hóa hay giá trị văn hóa nào đó khỏi bị hư hỏng, mai một mà không bao hàm cả việc phát huy giá trị của chúng. Trong khi đó, bảo tồn là việc không chỉ bảo đảm sự tồn tại lâu dài, ổn định của những hiện tượng văn hóa/thực hành văn hóa hay giá trị văn hóa ấy mà còn có cả việc phát huy giá trị của chúng.
PGS. TS Phạm Thu Hương - Hiệu trưởng trường Đại học Văn hoá Hà Nội phát biểu tại hội thảo
Tên của Điều 24 cho thấy quan điểm của Ban soạn thảo Luật là muốn hướng đến sự phát triển bền vững của văn hóa Thủ đô, đó là đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và bổ sung những giá trị văn hóa mới, phù hợp với mỗi giai đoạn phát triển của Thủ đô; Để văn hóa Thủ đô, văn hóa của người Hà Nội ngày càng phong phú và tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam. Đây là một quan điểm phù hợp, đúng đắn.
Vì thế, nếu dùng từ “bảo vệ” thì chưa thể hiện được hết ý nghĩa này, còn dùng từ “bảo tồn” sẽ bao gồm cả việc phát huy những giá trị của văn hóa truyền thống và việc sáng tạo những giá trị văn hóa mới trên cơ sở những giá trị đã có, tức là không chỉ giữ mà còn sử dụng chúng một cách hiệu quả. Do đó, dùng từ bảo tồn sẽ đầy đủ ý nghĩa và mục đích hướng tới của Điều này.
Để các quy định cần ngắn gọn, dễ hiểu, PGS. TS Phạm Thu Hương đề xuất sửa một số nội dung của Điều 24. Đó là Khoản 1 sửa thành: "Bảo tồn và phát triển văn hóa hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; Bảo đảm cân bằng giữa bảo tồn và phát triển; Quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả để văn hóa trở thành nguồn lực mới cho phát triển Thủ đô; Ưu tiên các nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa trên địa bàn Thủ đô".
Ở Khoản 2, bà Hương cũng đề xuất sửa như sau: "Các khu vực và di sản văn hóa sau đây phải được tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị" với lí do không cần thêm chữ "bảo vệ" nữa, vì tất cả những khu vực được nêu đều đã trở thành những địa điểm văn hóa, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa và có tiềm năng để khai thác, phát huy giá trị.
Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng cho rằng: "Nếu xác định di sản văn hóa đều là đối tượng để tập trung nguồn lực đầu tư như Dự thảo Luật hiện nay thì chỉ với 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể đã kiểm kê, sẽ là một con số khổng lồ (cả về nhân lực và tài chính), liệu kinh phí của cả Trung ương và thành phố có thể đảm bảo? Chắc chắn là không thể"!
Hà Nội nên đầu tư vào những di tích có tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhấn mạnh, với những di sản có giá trị không tiêu biểu thì việc phát huy giá trị sẽ không đem lại hiệu quả. Trong khi đó, các di sản văn hóa có tiềm năng phát triển công nghiệp văn hoá đều là những di sản có giá trị tiêu biểu (di sản văn hóa thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, một số di tích quốc gia). Nếu tập trung đầu tư cho những di sản này, đối tượng được đầu tư sẽ thu hẹp hơn nhiều về số lượng. Điều đó giúp Hà Nội đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và thực sự có thể tập trung nguồn lực như Dự thảo Luật đề ra. Các giá trị tiêu biểu của những di sản này sẽ là điều kiện, là “nguyên liệu” tốt để phát huy hiệu quả, nhất là phát triển công nghiệp văn hóa.
Tiếp theo, PGS Phạm Thu Hương bày tỏ ý kiến ở "Mục g" của Khoản 2 Dự thảo Luật hiện nay quy định toàn bộ các biệt thự cũ, nhà cổ và các công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 đều là đối tượng được tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị cũng không cần thiết. Bởi không phải nhà cổ nào, công trình kiến trúc được xây dựng trước năm 1954 đều có giá trị, vì thế chỉ nên tập trung cho những công trình có giá trị tiêu biểu về kiến trúc.
Khoản 3 "Mục a" hiện nay có nhiều từ trùng lặp, ý: “Việc xét tặng danh hiệu nghệ nhân Hà Nội đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể” chưa rõ, nếu là kinh phí dành cho việc xét tặng thì không nên quy định ở đây, vì đó là công việc của các cơ quan quản lý, còn nếu là quy định cho nghệ nhân thì đã có ở trên.
Theo bà Hương, có thể viết lại thành: "Phạm vi hỗ trợ, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành của Trung ương, theo khả năng cân đối ngân sách của thành phố Hà Nội đối với huấn luyện viên, vận động viên đạt giải thể thao thành tích cao, nghệ nhân, người truyền dạy, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể".
"Vì có thay đổi ở Khoản 2 nên đề nghị sửa Mục c thành: Danh mục di sản văn hóa có tiềm năng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 có giá trị quy định tại các điểm d và đ Khoản 2 Điều này", Hiệu trưởng trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết.