Một phụ nữ tử vong do ong "mặt quỷ" đốt
Theo thông tin từ gia đình, vào khoảng 12 giờ trưa ngày 15/8, chị N.T.K.Y (SN 1972, ngụ tại tổ 3, khu phố 2, thị trấn huyện Dương Minh Châu) cầm dao ra phạt nhánh cây xoài ở phía sau nhà, không ngờ phía trên cây xoài có một tổ ong “mặt quỷ” khá lớn. Bị động tổ, bầy ong lập tức tấn công, chị chạy vội vào nhà ẩn nấp rồi bất tỉnh.
Chị N.T.K.Y được bà con hàng xóm đưa đến Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu, sau đó được chuyển nhanh đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.
Theo các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh, chị N.T.K.Y bị ong "mặt quỷ" đốt gần 200 nốt đốt, tình hình sức khoẻ tiên lượng rất xấu. Ngay lập tức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh hội chẩn với bệnh viện tuyến trên và tiến hành điều trị bằng phương pháp dùng thuốc vận mạch, chống sốc điều trị theo phác đồ, đồng thời giảm đau, truyền dịch cho người bệnh, ngăn biến chứng nặng hơn.
Đến sáng ngày 18/8, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh để tiếp tục cấp cứu, nhưng chị đã không qua khỏi.
Được biết, ong "mặt quỷ" có nguồn gốc từ Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc. Cơ thể chúng được đặc trưng bởi khuôn ngực màu nâu sẫm, đen. Phần đầu có màu vàng nâu với hai chiếc râu phân đốt màu nâu đen. Ở phần bụng, chúng có sự xen kẽ giữa các dải màu sắc khác nhau, ở dải rộng đầu tiên gần với phần ngực có màu nâu sẫm, tiếp tục đan xen giữa các dải màu vàng, nâu vàng hoặc màu nâu đỏ ở cuối bụng. Kích thước trung bình của chúng thường từ 20mm – 28mm, trong đó, ong chúa thường có chiều dài là 30 mm, ong đực là khoảng 24mm.
Ong "mặt quỷ" có nọc độc cực mạnh, có thể tái tạo nọc nhiều lần. Khác với loài ong mật, sau khi đốt hết nọc độc, chúng sẽ chết, còn ong "mặt quỷ" không chỉ đốt một lần mà có thể nhiều lần. Nọc của loài ong này độc giống như nọc rắn, có thể gây ra tình trạng sốc phản vệ, tan máu, vỡ hồng cầu, rối loạn đông máu, tổn thương cơ do vậy nếu không may bị tấn công phải khẩn trương đến ngay cơ sở y tế gần nhất để giải độc.