Mùa lễ hội và ký ức nguồn cội
Thương về những tháng Giêng Hai
Có thể nói, tháng Giêng là mùa lễ tết lớn nhất của dân tộc như Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu... đều diễn ra trong tháng này. Mọi người, dù đang làm ăn sinh sống ở đâu, trên mọi miền đất nước hay ở nơi xa xứ, đều cố gắng tìm cách trở về hay hướng về với cội nguồn tổ tiên trong những ngày thiêng liêng này.
Trong hoài niệm của nhiều người, vẫn đau đáu về những Tết, xuân xưa bâng khuâng nhớ mẹ tần tảo lo cho những ngày Tết trong những tháng ngày đầy gian khó: “Mẹ gom gạo cuối đông, đau đáu đợi giêng hai…”. Và cụm từ “Ba ngày Tết” là cách nói của ông bà ta xưa để biểu chỉ cái khó nghèo.
Theo cổ xưa, khi chưa tính lịch âm và người Việt Nam lúc đó đang chia ra mùa nắng, mùa mưa, mùa nóng và mùa lạnh nhưng kể từ khi sử dụng lịch âm có tháng năm, mùa, trong đó mùa xuân được người Việt coi đó là mùa nông nhàn. Mặt khác, trước đây, cấy lúa chiêm thường cấy trước trước Tết, cấy xong là nhàn rỗi khoảng một thời gian, tầm một tháng. Vì thế người dân dùng khoảng thời gian đó để tổ chức lễ hội và tham gia hội.
Tháng Giêng được coi là tháng của các ngày tết lớn nhưng cũng là một thời điểm mà dân ta được phép nghỉ ngơi, nông nhàn. Lúc này mùa màng, lúa má, rau màu... thu hoạch đã xong. Những chân ruộng cần cấy sớm cũng đã được cấy trước tết. Thời tiết lúc này cũng vào trà rét đậm, nếu tiếp tục triển khai công việc đồng áng cũng không thật thuận lợi.
Vì vậy, cùng với việc sắm sanh lo liệu tết nhất, thăm viếng, hỏi han và chúc tụng nhau, người ta cũng tổ chức các lễ hội cho bõ những tháng ngày làm lụng vất vả suốt năm.
Chẳng thế, “tháng Giêng là tháng ăn chơi” với đủ các lễ hội từ ngàn xưa đến nay hãy còn tấp nập: Hội chùa Hương, Hội Phủ Giầy, Hội chùa Thầy, Lễ Bà Chúa Kho, Hội Lim, Hội Gióng, hội đâm trâu, hội đua ghe ngo, hội vật... bắt đầu mở màn và sôi động từ ngay sau Tết Nguyên đán và kéo dài đến tận tháng Hai, tháng Ba âm lịch…
Từ xa xưa, người Việt nói chung và người theo đạo Phật nói riêng thường xuất hành ngày đầu Xuân bằng việc đi lễ chùa, cầu sức khỏe, bình an cho gia đình trong một năm mới. Người Việt tin rằng, đi lễ chùa đầu năm không chỉ là để ước nguyện, mà là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả trong cuộc mưu sinh. Lễ xong, người đi lễ thường xin nhà chùa một thứ gì đó về làm lộc đầu năm như là gạo, muối, diêm...
Mỗi người đi lễ với những mục đích khác nhau, người thì cầu tài, cầu lộc, cầu duyên; người thì cầu bình an, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Cũng có những người đi lễ chỉ để tìm lấy những giây phút bình yên, nhằm xua tan đi những lo toan bộn bề trong cuộc sống. Không ít người du xuân còn để xin chữ đầu năm hay những câu đối có ý nghĩa để đem về nhà treo ở nơi trang trọng nhất, cầu nguyện thành đạt cho cuộc sống và học hành thi cử cho con cái.
Nhìn chung, đối với mỗi người Việt, du xuân, đi lễ đầu năm là nét văn hóa truyền thống được hình thành từ lâu, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Qua đó, không chỉ thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc, no đủ mà còn là dịp để vun đắp cho tinh thần người Việt thêm yêu và trân trọng những giá trị cội nguồn. Tại những nơi tâm linh, tín ngưỡng, giữa không gian thanh tịnh, hương trầm lan tỏa hòa cùng sắc màu của đèn hoa, lòng người lắng lại, thanh thản và nhẹ nhàng hơn.
Ngày nay, việc đi lễ đầu năm đã không còn giữ được nét đẹp mà ít nhiều đã bị “thương mại hóa”, làm mất đi vẻ đẹp truyền thống vốn có của việc đi lễ đầu Xuân, vãn cảnh chùa, hay du Xuân. Nhiều người đi lễ không mang tâm thức, tâm linh, linh thiêng mà chỉ nghĩ đến việc mưu cầu đạt được thành tựu cho riêng mình bằng cái tâm “sân si”, việc đi lễ đầu năm không còn mang ý nghĩa và nét đẹp của truyền thống văn hóa Việt. Và không ít người đi theo phong trào, khi tất cả đều chùa chiền, phật pháp như một món trang sức thời thượng… Và lễ hội mùa xuân vì thế mà vẫn đi dọc suốt Giêng, Hai…
Chẳng thế: “Tháng Giêng, ăn nghiêng bồ thóc” với hàm ý đây là quãng thời gian “tiêu tốn” nhiều vật lực, sức lực của con người và qua đó cũng nhắn nhủ ta đừng để “tháng Giêng” làm… nghiêng bồ thóc. Bởi mùa xuân quá rình rang và kéo dài, bởi thời tiết khắc nghiệt, nên trước đây, cứ sau Tết là phần lớn các gia đình ở làng quê đều không đủ no. Mưa rét và đói đến se sắt. Khi mà quanh năm chỉ ba ngày Tết mới được ăn đủ đầy các món truyền thống, mới được no. Còn nhớ những năm bao cấp ở nhiều vùng quê miền trung, bánh chưng được làm từ nhân xương băm và củ sắn thay cho thịt và đỗ… Và hết Tết là đói lòng… Bởi thế, những người con đi xa càng thêm quay quắt thương cha mẹ mình… Thế nên, trong tâm thức mỗi chúng ta, dù không còn trong cảnh “no ba ngày Tết” nhưng tháng Chạp, tháng Giêng vẫn luôn là miền thương nhớ, của yêu thương đong đầy trong ký ức…
Và lễ hội là nguồn cội, là tâm thức an lành
Trở lại với các lễ hội mùa xuân, theo chuyên gia văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, .trong kho tàng văn hoá lễ hội của dân tộc, chúng ta có thể chia lễ hội săn bắt hái lượm, lễ hội nông nghiệp, lễ hội vui chơi, lễ hội các ngành nghề… mỗi lễ hội chứa đựng nội dung, ý nghĩa riêng. Chẳng hạn, với lễ hội săn bắn thường diễn đạt lại tục săn bắt của người xưa. Còn lễ hội nông nghiệp thường diễn đạt hoạt động khai khẩn, gieo trồng, thu hoạch, gắn với thờ tự các tổ nghề như nghề may, đan, làm ngói, gạch, mộc, hát xướng… Vì là trình diễn nên lễ hội thường có hành động hội, động thái hội khi tổ chức… Thế nên trong tổng thể lễ hội luôn có các hoạt động như ẩm thực, nghệ thuật, thể thao, cúng tế…
Theo nhà văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ, chúng ta có 9.000 lễ hội tưởng như rất lớn, nhưng nếu so với số lượng làng, bản, thôn, tổ thì chúng ta thấy quá nhỏ. Cụ thể, với khoảng 9.000 lễ hội trong khi cả nước có 100 nghìn thôn làng. Nghĩa là trung bình 10 thôn, làng chúng ta có 1 lễ hội và 9 thôn làng khác không có lễ hội.
Trước đây, nhiều người không bao giờ lên núi chặt củi một mình mà thường đi theo nhóm. Từ tập trung sinh hoạt đó tạo ra các kiểu hội. Nên hội chính là tập trung đông người lại và biểu tượng hóa thần thánh thiêng liêng nên người ta tổ chức lễ.
Theo đó, giá trị đầu tiên của lễ hội đó là cố kết cộng đồng và biểu dương sức mạnh của cộng đồng. Đặc biệt, cảm hứng của lễ hội bao giờ cũng được gọi là cảm hứng ngược nguồn, nhất là trong các lễ hội cổ truyền những ký ức về cội nguồn luôn bùng lên rất mạnh mẽ. Với giá trị đó, việc tổ chức, tham gia lễ hội là cách để chúng ta uống nước nhớ nguồn, không quên nguồn gốc, nguồn cội.
Bên cạnh đó, lễ hội luôn là niềm tự hào của cư dân, cộng đồng. Thậm chí, nhiều thôn làng, lễ hội mùa xuân có khi còn được coi trọng hơn cả Tết. Nhiều nhà dân, vào dịp lễ hội họ thường mời rất nhiều khách, nhà nào nhiều khách đến chơi luôn cảm thấy đây là niềm tự hào.
Trong giá trị về niềm tự hào của cộng đồng, lễ hội còn trưng diện tổng hợp các yếu tố nghệ thuật. Do đó, hàng năm với các lễ hội truyền thống, nếu không tự diễn được cộng đồng sẽ mời các đoàn chèo, đoàn tuồng đến biểu diễn.
Cuối cùng, lễ hội bao giờ cũng gắn với thờ cúng, gửi gắm những kỳ vọng đến tương lai, để củng cố điểm tựa tâm linh và khát vọng ấm no, hạnh phúc cho mỗi người. Theo đó, tham gia hội ai cũng kỳ vọng 3 mùa còn lại trong năm được an vui, tốt lành. Qua đó hệ giá trị lễ hội luôn nằm trong tổng thể các giá trị của quốc gia dân tộc.
Mặc dù ngày nay có những thay đổi gây phản cảm như nghi thức chém lợn Ném Thượng (Bắc Ninh). Nếu trước đây nghi thức này được thực hiện trong đền kín nhưng gần đây lại tái diễn trước sự chứng kiến của cộng đồng, cho thấy, có những hành động hội đã bị làm sai. Ngoài ra, trước đây, người dân ở Hà Đông muốn đi hội Lim (Bắc Ninh) phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ. Nhưng hiện nay chỉ mất 30 phút, có nghĩa là nhanh gấp 10 lần. Và xưa 1 người có thể đi hội, nhưng nay là 10 người trong khi thời gian hội, không gian hội vẫn vậy. Chính vì tích tụ người đột xuất nên xuất hiện các tiêu cực, lộn xộn, chen chúc, người dân không có thời gian xem hội, chiêm ngưỡng hội.
Bên cạnh đó, nhiều lễ hội mục tiêu kinh doanh đang lấn át các mục tiêu khác đẹp đẽ của lễ hội. Đó là những biến tướng tập trung tận dụng lễ hội để kinh doanh tận thu lễ hội. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường, tục ép rượu, cờ bạc, mê tín, xin xăm, xin quẻ, bói toán thường xuất hiện trong không gian lễ hội.
Trước thực trạng không ít người dân đi lễ hội trong sân si, nhà văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ cho rằng, đi lễ hội quan trọng nhất là tâm thế. Đến hội là để vui, để được hưởng thụ. Nên trước hết mỗi người dân cần có tâm thế tôn trọng lẫn nhau khi lễ hội. Đến lễ hội không quá chén, để tránh các hệ luỵ, cúng dường, cung tiến cho lễ hội… nhằm thể hiện sự từ tâm, tử tế.
Đặc biệt, dù lễ hội là dịp tôn vinh những “hình tượng thiêng”, những vị thần, những người có công lao với đất nước, với cộng đồng và đi lễ hội là gửi gắm những cầu mong được che chở, có thêm niềm tin trong cuộc sống. Tuy nhiên, mỗi người đừng nên mê tín qua lại đem về nỗi buồn không đáng có. Từ xưa đã có câu “đức năng thắng số” do vậy mỗi người hãy luôn ý thức sống tốt, sống có đức độ để có thể thắng số phận. Hãy sống an vui trong chánh niệm hiện tiền, sống đức độ hiền lành nhân hậu, lấy con tim đối đãi lẫn nhau thì sớm muộn gì nghiệp báo tốt đẹp cũng sẽ tới với mình…
Và như thế, với tâm thế đó, đến bất cứ lễ hội nào chúng ta cũng tìm thấy niềm vui, sự hưởng thụ, khám phá lễ hội một cách trọn vẹn nhất. Cho một mùa xuân đủ đầy và khát vọng…