Mua ô tô kiểu ‘bia kèm lạc’ bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi)
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, chiều 25/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Những hành vi nào doanh nghiệp bị nghiêm cấm?
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để thực hiện mục đích trên, Dự án Luật xác định các nguyên tắc xây dựng cơ bản, gồm: bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của xã hội, có sự kế thừa, phát triển các quy định hiện hành, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện tại Việt Nam; bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên cơ sở tăng cường nhận thức và năng lực tự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Đối với nội dung hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Dự thảo Luật đã hoàn thiện quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng trong quá trình thực hiện các giao dịch, đặc biệt là các giao dịch trên không gian mạng.
Về bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù, trong bối cảnh phát triển của công nghệ thông tin, để kịp thời điều chỉnh và tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch có yếu tố mới, đặc thù, Dự thảo Luật bổ sung một Chương quy định về các giao dịch đặc thù, trong đó, hoàn thiện quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp thông tin, giao kết hợp đồng, tiếp nhận, giải quyết yêu cầu của người tiêu dùng trong các giao dịch, đặc biệt là giao dịch trên không gian mạng.
Đối với việc hoàn thiện quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thực hiện chủ trương tăng cường xã hội hóa trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định nhằm xác định rõ quyền, nghĩa vụ, hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bổ sung quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội khi thực hiện một số hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do nhà nước giao.
Đặc biệt, Dự thảo Luật cũng nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm đối với các tổ chức kinh doanh như: Lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua việc cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ; Quấy rối thông qua hành vi tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người tiêu dùng để giới thiệu về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; Ép buộc mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trái với ý muốn; Yêu cầu thanh toán cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước; Ngăn cản người tiêu dùng được kiểm tra về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; Yêu cầu phải mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác như là điều kiện tiên quyết để giao kết hợp đồng với người tiêu dùng…
Lưu ý về sự phát triển của phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT ) của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban KH,CN&MT cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, cần lưu ý về sự phát triển mạnh mẽ của các phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới; yêu cầu bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; sự phối hợp, phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý, yêu cầu đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về phạm vi sửa đổi của Luật, đa số ý kiến đề nghị cần định vị rõ hơn vị trí của Luật trong hệ thống pháp luật; tiếp cận theo hướng chỉ quy định những vấn đề mới, đặc thù, chưa được điều chỉnh bởi pháp luật hiện hành để bảo vệ vị trí yếu thế của người tiêu dùng. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu thể chế hóa cụ thể hơn nữa những nội dung liên quan trong Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới.
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy nêu rõ, về cơ bản, dự thảo Luật đã thể chế hóa và phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng; phù hợp với Hiến pháp, hệ thống pháp luật và tương thích với các điều ước quốc tế; bảo đảm tính khả thi. Tuy nhiên, đề nghị cần tiếp tục thể chế hóa cụ thể hơn nữa, bảo đảm tính kịp thời, đầy đủ và toàn diện các nội dung có liên quan trong các văn bản của Đảng mới được ban hành gần đây.
Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, đa số ý kiến Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng theo Tờ trình của Chính phủ, đồng thời nhất trí với bố cục của dự thảo Luật. Về chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và chính sách của Nhà nước về sản xuất và tiêu dùng bền vững (Điều 6), một số ý kiến đề nghị làm rõ việc cụ thể hóa các chính sách nêu trên tại các điều, khoản trong dự thảo Luật hoặc dẫn chiếu pháp luật khác liên quan để bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.
Liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương tương tự Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai. Mặt khác, cần xem xét lại đối tượng "người cao tuổi" cho phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời nghiên cứu quy định cụ thể hơn chính sách bảo vệ phù hợp với từng nhóm đối tượng và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh có liên quan.
Về bảo vệ thông tin và sử dụng thông tin của người tiêu dùng, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị bổ sung cơ chế, hình thức thông báo của tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc bên lưu trữ thông tin liên quan cho người tiêu dùng bên cạnh việc thông báo cho cơ quan chức năng sau khi phát hiện sự cố hệ thống thông tin bị tấn công làm phát sinh nguy cơ mất thông tin của người tiêu dùng.
Đề cập về giải quyết tranh chấp (Chương V), Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bảo đảm tính khả thi của các phương thức giải quyết tranh chấp, đặc biệt là phương thức Tòa án (áp dụng thủ tục rút gọn) và Trọng tài.