Mùa xuân và những lễ hội riêng có
Hội xuân Tây Nguyên kéo dài chừng 2 đến 3 tháng, từ ngày đưa lúa vào kho đến ngày sấm ran đầu mùa… (Ảnh minh họa).
Vùng đất - mỗi bước chân đi là một huyền thoại
Có người nói Tây Nguyên là vùng đất mà mỗi bước chân đi là có một huyền thoại. Phía sau những ngọn thác trắng xóa, những cánh rừng đại ngàn xanh biếc có biết bao điều bí ẩn. Theo các nhà văn hóa, do tín ngưỡng “vạn vật hữu linh”, nên bất cứ điều gì liên quan đến sản xuất và đời sống con người, đều phải có sự cầu xin để được Yang (ông trời) cho phép tiến hành. Khi làm xong và được việc thì phải tạ ơn. Vi phạm luật lệ cộng đồng sẽ khiến Yang nổi giận thì phải tạ tội… Từ đó vùng đất Tây Nguyên diễn ra dày đặc các lễ thức, lễ nghi, lễ hội: lễ đâm trâu, lễ hội cồng chiêng, lễ bỏ mả, lễ cướp chồng…
Dọc dài trên khắp buôn làng Tây Nguyên, rừng cây, bến nước thì nhà dài... là “không gian thiêng” truyền đời. Ở không gian ấy, tiếng chiêng cất lên như tiếng lòng, tạo nên chiều sâu văn hóa đặc trưng của các tộc nơi đây. Từng diễn hàng ngàn bài chiêng từ lễ hội của buôn làng đến huyện, tỉnh, nghệ nhân Y Wil Ênuôl (người Ê Đê ở buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột) hiểu hơn ai hết chất men say đã giúp mình bền bỉ với chiêng hơn nửa thế kỷ qua. Nhiều lần, ông bảo, người Tây Nguyên thích gọi nơi mình sống là “buôn”, là “làng” hơn là “thôn”, “xóm”. Trong ánh lửa bập bùng hay ánh trăng le lói qua những cánh rừng thâm u, xanh thẳm, bên căn nhà rông hoặc nhà dài, tiếng chiêng cất lên vang vọng, réo rắt như tiếng rền vang của tâm tư, ý nguyện cả cộng đồng.
Hiện vẫn chưa có thời gian diễn ra lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên cụ thể mà mỗi năm tổ chức vào một thời điểm khác nhau. Lễ hội cồng chiêng tổ chức luân phiên trong 5 tỉnh Tây Nguyên đó là Đắk Lắk, Lâm Đồng, Kon Tum, Đắk Nông và Gia Lai.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có thể nói là một lễ hội lớn và thu hút du khách nhất ở Tây Nguyên, mà ai cũng muốn một lần có duyên tham dự. Nhờ vào những truyền thống quý báu còn lưu giữ và sự tinh tế trong nét văn hóa của người dân Tây Nguyên, lễ hội này đã trở thành di sản truyền khẩu và phi vật thể nhân loại được Tổ chức UNESCO công nhận. Trong mùa lễ hội, bạn sẽ được hòa mình vào những giai điệu hào hùng hay nhẹ nhàng được đánh ra do những chiếc cồng chiêng người dân Tây Nguyên tự tay làm ra.
Đặc trưng trong mỗi lễ hội, cồng chiêng là phương tiện duy nhất để con người thông linh (với thần), giao hòa với trời đất và giao tiếp trong cộng đồng. “Đánh cho khỉ trên cây cũng quên bám chặt vào cành đến ngã xuống đất/Đánh cho ma quỉ mải nghe đến quên làm hại người (Trường ca Đam San). Sử thi của người Ê Đê, M’Nông còn kể lại những cuộc “chiến tranh” giữa các bộ tộc nhằm chiếm đoạt cồng chiêng. Bởi lẽ, các tộc người Tây nguyên quan niệm nhạc cụ như con người, càng nhiều tuổi tiếng nói càng được tôn trọng. Cồng chiêng càng lâu năm, trải qua nhiều lần nghi lễ càng linh thiêng.
Cùng với đó, Lễ đâm trâu là nghi lễ độc đáo trong các ngày hội lớn của buôn làng đại ngàn Tây Nguyên như: Mừng lúa mới, mừng nhà rông, mừng được mùa… Đó là ngày hội mang những nét văn hóa truyền thống, thể hiện tinh thần đoàn kết của mọi thành viên trong cộng đồng tình yêu thiên nhiên, thần linh được gắn với nhau chặt chẽ, là sự kế tục truyền thống xa xưa của người Tây nguyên. Lễ hội thường tổ chức ở bãi đất trống trong làng. Trong suốt thời gian này, cồng chiêng liên tục nổi lên để khuấy động không khí, làm vang động núi rừng.
Vào khoảng tháng Chạp đến tháng 3 âm lịch, người Banar ở Tây Nguyên lại mở Lễ hội đâm trâu, gọi là Koh Kpo hoặc Groong Kpo Tonơi, để vui đón năm mới, mừng sức khỏe mọi người và cầu chúc mùa màng tươi tốt.
Và một trong những lễ hội riêng có ở Tây Nguyên, ấy là mùa xuân đi… “bắt chồng”. Tháng 2, tháng 3 trên Tây Nguyên mùa hoa cà phê nở trắng, những bông hoa pơlang trên những thân cây cao vút nở rực cả đất trời, khi “mùa con ong” đi lấy mật cũng là lúc ở khắp các bản làng của đồng bào Chu Ru ở Lâm Đồng rộn ràng bước vào mùa cưới, mùa bắt chồng của các thiếu nữ.
Theo chế độ mẫu hệ, khi đã ưng ý một chàng trai nào đó, cô gái sẽ về thông báo với gia đình. Vào ban đêm, khi mọi người đã say giấc nồng, thiếu nữ cùng 10 người thân trong gia đình sẽ đến nhà trai. Trước đây, những thiếu nữ không đủ tiền để cưới chồng chỉ cần dệt cho mình 3 chiếc khăn thổ cẩm để làm lễ vật sang nhà trai.
Nếu được sự đồng thuận, cô gái sẽ dâng khăn cho chàng trai và kể từ giây phút đó, họ đã được chấp nhận là con cái trong nhà. Hai bên tiến hành lễ hợp hôn cho đôi trai gái. Cô dâu (sơ đíu) và chú rể (pơ sang) sẽ trùm chung một tấm khăn trong khi nghe lời răn dạy của các bậc cao niên hai dòng họ về cuộc sống gia đình. Đến khoảng 1-2 giờ sáng, đôi trai gái sẽ được đưa về nhà gái, chính thức nên vợ, thành chồng.
Sau khi được đồng ý, cô dâu sẽ phải ở nhà chồng một tuần. Ngoài việc trổ tài làm nội trợ và làm các công việc nặng nhọc khác, cô dâu mới còn phải tự bỏ tiền túi ra sắm sửa một số đồ dùng cần thiết cho chồng. Đến ngày thứ 8 hoặc thứ 10 thì nhà gái mới đem lễ vật, có thể là một con heo hoặc lương thực, thực phẩm đủ làm 5-7 mâm cỗ cho nhà trai, gái thết đãi họ hàng, bà con. Tàn cuộc vui, nhà gái đưa các con về ở bên nhà mình.
Trong đám cưới, người thân, dân làng sẽ tổ chức màn đấu chiêng nhằm mong muốn cho mọi sự mâu thuẫn, bất đồng giữa hai họ sẽ được bỏ qua, cùng chung vui cho cặp vợ chồng mới cưới…
Ngôi nhà chung “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”
Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, tại Hà Nội, hoạt động điểm nhấn trong Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” diễn ra vào ngày 12 -13/2/2022 gồm lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Nhâm Dần 2022; Lễ cắt băng khánh thành nhà truyền thống Nghệ An và nhà Rường truyền thống Quảng Nam, Khu các làng dân tộc IV và trồng cây lưu niệm; Tái hiện các Lễ hội truyền thống của các dân tộc nhân dịp đầu Xuân năm mới Nhâm Dần 2022; Lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt, nói chuyện và chúc Tết đồng bào các dân tộc tại Ngôi nhà chung, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Chương trình “Bài ca Mừng Đảng quang vinh - Mừng Xuân đất nước” diễn ra vào lúc 9 giờ 30 ngày 12/2/2022 tại Sân Lễ hội làng dân tộc Ba Na, khu các làng dân tộc II. Lễ cúng tổ tiên của dân tộc Lô Lô tỉnh Hà Giang sẽ được tái hiện vào lúc 9 giờ ngày 12/2/2022 tại Khu các làng dân tộc I. Lễ cưới của dân tộc Ba Na tỉnh Gia Lai được tái hiện chiều 12/2 tại Khu các làng dân tộc II. Du khách có thể tìm hiểu Lễ mừng lúa mới (nhô lir bong) của dân tộc K'ho tỉnh Lâm Đồng, sẽ diễn ra vào 9 giờ 30 ngày 12/2/2022 (ngày 12 tháng giêng) tại Sân Lễ hội làng dân tộc Ba Na, khu các làng dân tộc II…
Ngoài các hoạt động điểm nhấn, các hoạt động theo chủ đề, cuối tuần, cuối tháng như chương trình dân ca dân vũ “Khúc hát mùa xuân” của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên (ngày 3/2, tức mùng 3 Tết Nhâm Dần), chương trình giao lưu văn nghệ “Vui Tết đón Xuân” tại làng dân tộc Thái (ngày 4-5/2, tức mùng 4 -5 Tết Nhâm Dần) cùng các trò chơi như đi cà kheo, đánh yến, ném còn... và tổ chức chương trình “Hội xuân” đậm sắc màu Tây Bắc của đồng bào các dân tộc đang hoạt động hàng ngày; Tổ chức hoạt động hưởng ứng Tết trồng cây năm 2022 và phong trào “Sắc xanh bản làng” với ý nghĩa mùa nào thức ấy, vùng miền nào cây trồng ấy: Trồng 54 cây mận hậu tại không gian làng dân tộc Thái, tái hiện Lễ hội Ariêu Aza - Lễ hội “Mừng lúa mới” của đồng bào dân tộc Tà Ôi, Cơ Tu tỉnh Thừa Thiên - Huế (27/2)...
Vào các ngày cuối tuần, các hoạt động “Vui Tết đón Xuân” tại không gian các làng đồng bào thể hiện các phong tục chúc Tết theo truyền thống và mang đậm sắc màu dân tộc vùng miền, nhất là thời gian từ mùng 5 Tết đến 15 tháng giêng; Giao lưu các tiết mục văn nghệ và các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu mang âm sắc mùa Xuân như múa xòe, nhảy sạp, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa…; Tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống mùa xuân như: Ném còn, đi cà kheo, đánh đu, đánh yến; Tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc của đồng bào các dân tộc...
Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các hoạt động trong Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2022 diễn ra trang trọng, tiết kiệm, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.