Muốn trị 'bệnh' sợ trách nhiệm phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân
Sợ trách nhiệm - một biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sợ trách nhiệm. Nguyên nhân khách quan của “bệnh” sợ trách nhiệm có thể do quy định của pháp luật chưa đáp ứng đầy đủ và rõ ràng các yêu cầu liên quan đến trách nhiệm cá nhân và bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Nguyên nhân chủ quan có thể do sự hạn chế về năng lực và trình độ của một số cán bộ; sự thiếu hiểu biết và kỹ năng cần thiết dẫn đến sự lo ngại về việc đảm nhiệm trách nhiệm và tiềm ẩn nguy cơ gây ra những sai lầm không mong muốn.
Bên cạnh đó, ở mỗi cơ quan, đơn vị, người có thẩm quyền quyết định có vai trò rất quan trọng. Nếu họ thiếu chuyên môn và không tin tưởng vào cấp dưới, điều này có thể dẫn đến sự mất động lực và lòng tin của cán bộ dưới quyền. Sự thiếu hiểu biết và tinh thần thụ động trong công việc tạo ra một “môi trường” sợ trách nhiệm, trong đó cán bộ, nhân viên có xu hướng trông chờ ý kiến và chỉ thị từ cấp trên.
Trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Nguồn gốc chủ yếu của “bệnh” sợ trách nhiệm là chủ nghĩa cá nhân. Chính vì luôn luôn tính toán cho lợi ích cá nhân, bo bo “bảo vệ” lấy cái cá nhân của mình mà mất cả dũng khí đấu tranh, thiếu hẳn “tinh thần trách nhiệm nghiêm túc, tính kiên quyết, tính nguyên tắc trong khi giải quyết các vấn đề”, không dám đương đầu trước khó khăn, không dám nghĩ, không dám làm, chỉ tránh khó, ngại phiền”.
“Tại sao từ trước tới nay không xuất hiện hiện tượng cán bộ có tâm lý sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện? Không những thế, còn lan rộng từ Trung ương đến địa phương và tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư?”. Một đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi đó trong nghị trường. Nhưng nếu để ý kỹ, chúng ta sẽ thấy tâm lý sợ trách nhiệm không phải tới giờ mới xuất hiện.
Cuối năm 1958, Bác Hồ viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng”, Người đã chỉ rõ nguồn cơn tâm lý sợ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên ta, rằng: “Họ lầm tưởng rằng miền Bắc không còn thực dân và phong kiến nữa, thì tức là cách mạng thành công rồi. Do đó mà họ để chủ nghĩa cá nhân chớm nở, họ yêu cầu hưởng thụ, yêu cầu nghỉ ngơi, họ muốn lựa chọn công tác theo ý thích của cá nhân mình, không muốn làm công tác mà đoàn thể giao phó cho họ. Họ muốn địa vị cao, nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”.
Còn trong bối cảnh hiện nay, khi mà công tác thanh tra, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đi vào thực chất, được triển khai quyết liệt, hiệu quả cũng là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng không ít cán bộ có tâm lý… lo sợ làm sai. Từ đó tạo ra hiệu ứng lây lan đến các cán bộ khác, hình thành tâm lý thụ động, sợ bị kỷ luật, nhất là bị xử lý hình sự. Thậm chí có những cán bộ, đảng viên còn có tư tưởng “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”, hay “bị phê bình vì làm chậm, chưa hoàn thành nhiệm vụ còn hơn bị kỷ luật, hoặc có thể bị truy cứu hình sự”. Đó là một hiện tượng rất đáng quan ngại, thậm chí hậu quả của nó là cán bộ, đảng viên sẽ mất dần tinh thần đấu tranh, tiến lên phía trước, làm cản trở sự phát triển của đất nước.
“Thang thuốc” đặc trị “bệnh” sợ trách nhiệm
Cách đây 54 năm, vào đầu năm 1969, nhân dịp toàn Đảng, toàn dân ta chuẩn bị kỷ niệm 39 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài: Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, xem đó là nhiệm vụ rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để Đảng ta hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Đây là bài viết sau cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng. Dù rất ngắn gọn, nhưng luận điểm được Người đề cập trong bài viết này mang tính tổng kết thực tiễn; bổ sung, phát triển tư tưởng, lý luận về xây dựng Đảng nói chung, về đạo đức nói riêng.
Có thể nói, đây chính là cuốn cẩm nang hữu ích, có thể chữa được “căn bệnh” sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên của ta hiện nay.
Thứ nhất, bài viết mở đầu bằng hai câu mang tính khẳng định: “Nhân dân ta thường nói: Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ ta”. Chúng ta có thể tóm lại ý đó bằng “trách nhiệm nêu gương” của cán bộ, đảng viên, điều đó đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục “căn bệnh” sợ trách nhiệm. Bằng cách làm gương, mỗi cán bộ, đảng viên có thể tạo ra một môi trường làm việc tích cực và động viên những người khác vượt qua nỗi sợ và đảm nhận trách nhiệm cá nhân một cách tự tin. Trong đơn vị, tổ chức, cán bộ, đảng viên cần tạo ra một tinh thần đồng lòng và hỗ trợ, bằng cách tạo ra một môi trường làm việc thoải mái và tin cậy, khuyến khích sự chia sẻ ý kiến, thảo luận và giúp đỡ lẫn nhau. Điều này giúp xây dựng một tập thể mạnh mẽ và tạo điều kiện thuận lợi cho mỗi cá nhân đảm nhận trách nhiệm.
Thứ hai, trong bài viết Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra giải pháp quét sạch chủ nghĩa cá nhân, đó là phải “tăng cường giáo dục trong toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên”. Thực chất đây là giải pháp nhằm thiết lập nền tảng tư tưởng, lý luận, kim chỉ nam cho hành động, tạo dựng cái nền, cái gốc của toàn Đảng và với mỗi cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, để làm tròn sứ mệnh của mình, mỗi đảng viên phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, củng cố lập trường giai cấp vô sản, cố gắng nắm vững những quy luật của cách mạng Việt Nam, phải luôn luôn nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân.
Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh cán bộ, đảng viên cần “thực hành tự phê bình và phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên”. Từ ý này, ta có thể hiểu là trách nhiệm giám sát của mỗi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục “bệnh” sợ trách nhiệm. Đặc biệt, quần chúng nhân dân là những người có quyền và trách nhiệm giám sát công việc của cán bộ và đảng viên. Để trị “bệnh” sợ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, mỗi người dân đều phải tham gia vào quá trình giám sát bằng cách phản ánh, đề xuất và đưa ra ý kiến về thái độ hoạt động, công tác của cán bộ, đảng viên. Sự tham gia và giám sát chặt chẽ từ phía quần chúng nhân dân bảo đảm rằng cán bộ và đảng viên phải chịu trách nhiệm trước ý kiến và quyền lợi của nhân dân, đất nước.
Thứ tư, Người lưu ý mỗi cán bộ, đảng viên phải “đi sâu, đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân”. Người sợ trách nhiệm thường lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể. Đối với những công việc cụ thể thuộc phạm vi giải quyết của chính mình, đúng với chức trách và quyền hạn của mình, người sợ trách nhiệm vẫn không dám mạnh dạn giải quyết, mà việc lớn, việc nhỏ gì cũng muốn đưa ra tập thể. Nhưng, tập thể được nói đến ở đây không phải là tập thể một tổ chức, một đơn vị, mà tập thể ở đây là nhân dân, lợi ích của tập thể là lợi ích của nhân dân, vậy nên mỗi cán bộ, đảng viên cần phải đi sâu, đi sát với quần chúng nhân dân để xem nhân dân đang làm gì, muốn gì, vướng mắc ở đâu để tìm cách tháo gỡ.
Cuối cùng, trong bài viết, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên cần phải “cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”. Thật đúng nếu chúng ta soi chiếu vào thực trạng hiện nay, khi nhiều người cảm thấy quy định của pháp luật chưa thực sự đáp ứng đầy đủ và rõ ràng các yêu cầu liên quan đến trách nhiệm cá nhân, thì mỗi cán bộ, đảng viên nên chủ động học tập và nắm vững kiến thức chuyên môn liên quan đến công việc của mình, cùng với đó là luôn cập nhật những quy định pháp luật hiện hành. Bằng cách học tập và nâng cao kiến thức, trình độ, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ tự tin hơn trong việc đối mặt với trách nhiệm và biết cách áp dụng kiến thức, kinh nghiệm vào thực tế. Từ đó, thúc đẩy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.