Mỹ phẩm Lê Giang quảng cáo như "thần dược", lập lờ chất lượng
Theo Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm, cùng với hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm thì những từ dùng cho quảng cáo như: Săn chắc cơ thể; Trị mụn, điều trị, chữa khỏi, làm lành mụn; Giảm/ kiểm soát sự sưng tấy phù nề; Loại bỏ/ giảm mỡ/ giảm béo; Diệt nấm; Diệt virus; Kích thích… không được chấp nhận dùng trong quảng cáo mỹ phẩm.
Quy định là vậy nhưng Công ty TNHH mỹ phẩm Lê Giang vẫn cố tình quảng cáo các sản phẩm như: Kem trị bỏng GCARE, kem trị nấm ngứa GCARE… có công dụng hơn cả thuốc chữa bệnh. Cụ thể, tại website https://gcell.vn/,… các sản phẩm đều giới thiệu nhập khẩu chính hãng tại Hàn Quốc, được Cơ quan Y tế chứng nhận chất lượng và cho phép lưu hành. Do đó, tổ chức kinh doanh sẵn sàng hô biến công dụng của sản phẩm như “thần dược”.
Điển hình, sản phẩm kem trị bỏng GCARE giới thiệu là thuốc làm từ nguyên liệu thiên nhiên theo công thức của viện Liverpool, Anh Quốc, bán với giá 790 nghìn đồng/ 1 lọ/ dung tích 15g. Theo hướng dẫn của tổ chức kinh doanh, loại thuốc này có công dụng điều trị các vết bỏng trên da, sử dụng cho cả trẻ em và người lớn.
Bộ đôi sản phẩm trị bỏng, nấm ngứa GCARE quảng cáo là thuốc nhằm lừa khách hàng?
Thậm chí tại Facebook nick name “Giang Doll Gcell”, cũng đăng bán kem trị bỏng GCARE với khẳng định chỉ cần sử dụng kem là đã trị sẹo non, sẹo bỏng, không để lại thâm hay bọng nước... đồng thời “dụ” người dùng nên mua kem trị sẹo để dự phòng.
Một sản phẩm khác cũng được tung hô là “Kem trị nấm ngứa GCARE”, với hàng loạt công dụng như kháng khuẩn, chống mẩn đỏ, mẩn ngứa, ngừa thâm nám, bổ sung dưỡng chất từ thiên nhiên cho da... Kem trị nấm GCARE được nhấn mạnh là sản phẩm chuyên dùng cho da, được chuyên gia khuyên dùng, sử dụng bôi viêm nấm ngứa, côn trùng cắn cho cả trẻ em và người lớn, bôi mẩn ngứa, viêm da, mề đay, chàm bìu... nhưng lại không có bất cứ khuyến cáo nào cho người sử dụng. Do đó, người tiêu dùng cần cẩn trọng trước khi tin dùng kẻo “tiền mất, tật mang”.
Theo tìm hiểu của PV, sản phẩm mang thương hiệu GCELL được bán chủ yếu qua kênh online, đăng tải nội dung về công hiệu không chính xác trên mạng xã hội. Trong các video, hình ảnh đăng tải đều sử dụng mô típ là sản phẩm nhập khẩu tại Hàn Quốc, được phát triển bởi Công ty Mỹ phẩm Lê Giang nhằm lấy niềm tin từ khách hàng.
Không chỉ quảng cáo sai trên các trang website, sản phẩm thương hiệu GCELL còn được nổ công dụng trên sàn giao dịch điện tử… Điểm chung là các sản phẩm được đăng tải đều nói “vống” so với công dụng thực sự của nó. Các lời quảng cáo như vậy khiến người tiêu dùng dễ dàng bị “sập bẫy” vì nhầm tưởng là thuốc điều trị bệnh về da... Những lời quảng cáo hào nhoáng về một sản phẩm có bản chất là mỹ phẩm nhưng lại được nhà sản xuất, phân phối tung hô như thuốc chữa bệnh với giá thành không hề nhỏ khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn?
Bất chấp pháp luật, các sản phẩm thương hiệu GCELL quảng cáo sai trên mạng xã hội.
Trước đó, VietQ.vn đã thông tin qua bài viết về sản phẩm Giảm cân thải mỡ BQCELL của Công ty TNHH mỹ phẩm Lê Giang. Nội dung bài viết thể hiện sản phẩm này quảng cáo sai, khi khẳng định có công dụng: Giảm cân, giảm mỡ bụng, đào thải mỡ thừa, mỡ nội tạng, ức chế quá trình tổng hợp chất đường bột thành chất béo... công khai trên trang mạng xã hội.
Giảm cân thải mỡ BQCELL được giới thiệu là sản phẩm giảm cân nhập khẩu tại Hàn Quốc và là sản phẩm giảm cân hàng đầu, giải pháp cho người ăn kiêng. Cũng theo giới thiệu từ tổ chức kinh doanh, nhãn hiệu BQCELL đã được chứng nhận bởi KFDA (Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc), được bào chế từ thảo dược, có chứa vỏ cây mã đề và chiết xuất quả bứa.... nên được khẳng định giảm mỡ bụng và mỡ nội tạng hiệu quả chỉ sau 15 ngày sử dụng...
Trước thực trạng các sản phẩm mang thương hiệu GCELL do Công ty TNHH mỹ phẩm Lê Giang phân phối đang có dấu hiệu kinh doanh vi phạm, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng đề nghị cơ quan chức năng thanh, kiểm tra và xử lý theo pháp luật.
Khoản 5 Điều 51 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo sai sự thật, không đúng quy cách, chất lượng, công dụng, nhãn hiệu, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, phương thức phục vụ, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản, bảo hành của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 68, Điểm c Khoản 3 Điều 69, Điểm a Khoản 2 Điều 72, Điểm b Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 78 Nghị định này;
b) Quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho công chúng, người tiêu dùng, khách hàng về tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo với tổ chức, cá nhân, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ khác hoặc lừa dối, gây nhầm lẫn về tính năng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 68, Điểm a Khoản 3 Điều 69 và Khoản 4 Điều 70 Nghị định này".
Ngoài ra, có trách nhiệm phải tháo gỡ; tháo dỡ hoặc xóa quảng cáo vi phạm; và buộc phải cải chính thông tin bị sai.
Ngoài xử phạt hành chính theo quy định trên, hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ luật hình sự 2015:
”Người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng; cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".
NPV