Mỹ triệt phá 'siêu đường dây' gian lận y tế trị giá 2,5 tỷ đô la
Các vụ việc bao gồm các cáo buộc lập hóa đơn sai chương trình bảo hiểm Medicare cho người già, tàn tật… cho đến việc chuyển hướng bất hợp pháp các loại thuốc theo toa đắt tiền.
Trong số những kẻ phải đối mặt với các cáo buộc bao gồm 24 bác sĩ, y tá và các chuyên gia y tế được cấp phép khác, cũng như các quản lý cấp cao hiện tại và trước đây của một nền tảng y tế trực tuyến lâu đời bị cáo buộc lập hóa đơn sai giá trị lên tới 1,9 tỷ đô la.
Các quan chức cho biết trong tổng số 2,5 tỷ đô la bị gian lận đối với dịch vụ y tế Medicare, các chương trình cứu trợ Medicaid dành cho người nghèo và các chương trình bảo hiểm khác, khoảng 1,1 tỷ đô la đã rơi vào túi những kẻ lừa đảo.
“Bộ Tư pháp sẽ tìm và đưa ra trước công lý những tên tội phạm tìm cách lừa gạt người Mỹ và ăn cắp từ các chương trình do người đóng thuế tài trợ”, Tổng chưởng lý Mỹ Merrick Garland cho biết trong một tuyên bố.
Một số trường hợp liên quan đến thuốc điều trị HIV đắt tiền, có thể lấy tỷ lệ hoàn trả của Medicare lên tới 10.000 đô la một tháng. Trong một trường hợp, chủ sở hữu của một công ty phân phối dược phẩm ở New Jersey đã bị buộc tội mua bất hợp pháp thuốc điều trị HIV và sau đó bán lại thu lời.
Trong một trường hợp khác, một chủ doanh nghiệp ở Wisconsin bị cáo buộc săn đón những phụ nữ mang thai có thu nhập thấp và dụ họ đăng ký các dịch vụ chăm sóc trước khi sinh, để trục lợi từ hồ sơ của họ.
Nhiều trường hợp gian lận khác liên quan đến dịch vụ bảo hiểm y tế Medicare dành cho những bệnh nhân lớn tuổi hoặc khuyết tật, những người bị lừa cung cấp thông tin bảo hiểm cá nhân.
Trong những kế hoạch như vậy, các bác sĩ bị cáo buộc gian lận thường không thực sự chăm sóc các bệnh nhân nhưng vẫn hưởng lợi từ việc làm giả hồ sơ của họ, rồi gửi chúng đến đến các chương trình bảo hiểm liên bang hoặc tiểu bang để được hoàn trả tiền.
Trong một vụ lừa đảo y tế từ xa khác, các công tố viên cho biết một bác sĩ ở Washington, David Antonio Becerril, đã ký hơn 2.800 phiếu gian lận, bao gồm cả nẹp mắt cá chân cho một bệnh nhân đã bị cắt cụt chân nhiều năm trước.
Các nhà điều tra cho biết, những kẻ lừa đảo sau đó sử dụng số tiền kiếm được để mua xe hơi, đồ trang sức, du thuyền và phục vụ cho các nhu cầu cá nhân xa xỉ khác. Chính phủ Mỹ hiện đã thu giữ hàng triệu đô la tiền mặt, ô tô và bất động sản như một phần của cuộc trấn áp.