Nam Đông (Thừa Thiên - Huế): Dự án “hứa lèo” 13 năm để hoang phí 40ha đất
Xã đề nghị thu hồi, giao lại đất cho nông dân sản xuất
Tháng 3/2009, Dự án Nhà máy xi măng Nam Đông được khởi công. Dự án xây dựng trên 40ha đất, do Cty CP Đầu tư xi măng Nam Đông - Việt Song Long làm chủ đầu tư, với tổng vốn 4.437 tỷ đồng, cam kết sẽ hoàn thành vào năm 2011.
Đây là dự án trọng điểm quy mô lớn nên tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư thực hiện dự án như hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư nâng cấp cầu đường... Thời điểm khởi công, chủ đầu tư cho rằng, nhu cầu khai thác dự án 50 năm và “sẽ giải quyết việc làm cho lượng lớn lao động địa phương, đóng góp ngân sách tỉnh mỗi năm hàng trăm tỷ đồng”.
Khi dự án khởi công, lãnh đạo chính quyền và nhân dân xã Thượng Quảng rất phấn khởi và hy vọng người dân địa phương sẽ có công ăn việc làm ổn định, xóa đói, giảm nghèo. Để triển khai dự án, 40 hộ dân trên địa bàn huyện đã đồng ý di dời nhà cửa đến khu tái định cư để nhường đất cho dự án.
Từ đó đến nay đã hơn 13 năm nhưng Dự án Nhà máy xi măng Nam Đông chỉ mới xây dựng được tòa nhà điều hành và hạng mục tường rào bao quanh. Khu vực dự án thành nơi chăn thả, nuôi nhốt trâu, bò của một số hộ dân khiến môi trường nhếch nhác, ô nhiễm nghiêm trọng.
Chị Lê Thị Hiền (hộ gia đình từng nhường đất cho dự án) cho biết: “Khi biết có nhà máy xi măng xây dựng tại đây, gia đình chúng tôi và nhiều hộ dân khác đã chuyển qua vùng đất tái định cư. Tuy nhiên, địa điểm mặt bằng khu tái định cư được đắp bằng đất đá lấy từ núi cao nên không thể canh tác. Nếu muốn trồng trọt, người dân phải mua đất màu về đổ một lớp phía trên nhưng rất tốn kém, trong khi người dân không có tiền”.
“Nếu dự án không tiếp tục triển khai thì trả lại đất để Nhà nước cấp cho người dân sản xuất, phát triển kinh tế”, chị Hiền mong muốn.
Theo ông Đinh Hồng Lam, Chủ tịch UBND xã Thượng Quảng, trước thực trạng này, UBND xã cũng đã có văn bản kiến nghị cấp trên thu hồi đất sản xuất giao cho dân. Qua các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND, cử tri cũng nêu kiến nghị của mình nhưng được trả lời, đây là dự án liên quan đến tỉnh, Trung ương; không thuộc thẩm quyền giải quyết của huyện.
Gia hạn đến bao giờ?
Được biết, Dự án Nhà máy xi măng này trong quá trình triển khai do gặp nhiều khó khăn khách quan cũng như chủ quan, tiến độ thực hiện chậm so với cam kết, chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị gia hạn tiến độ và được UBND tỉnh đồng ý chủ trương gia hạn tại Công văn số 4694/UBND-XD ngày 26/10/2011.
Theo ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh, dự án trên được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 4/1/2008, thay đổi lần thứ nhất vào tháng 5/2010. Sau đó dự án vẫn không triển khai.
Ngày 3/4/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn số 485/TTg-KTN về việc rà soát, điều chỉnh tiến độ các dự án xi măng theo quy hoạch; trong đó Dự án Nhà máy xi măng Nam Đông được giãn tiến độ sang giai đoạn sau năm 2015.
Tiếp đó, ngày 28/8/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công văn 1592/TTg-KTN về việc rà soát các dự án đầu tư xây dựng nhà máy xi măng trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam, theo đó hoãn triển khai Dự án Nhà máy xi măng Nam Đông.
Tuy nhiên, ngày 1/3/2019, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế có Tờ trình số 1072/TTr-UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị tiếp tục thực hiện đầu tư dự án này. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Thông báo kết luận số 212/TB-VPCP, để Dự án Nhà máy xi măng Nam Đông được xem xét tiếp tục triển khai trong năm 2019 thì phải được rà soát tiến độ, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, công nghệ, bảo vệ môi trường và đảm bảo các điều kiện cần thiết khác.
Hiện Sở KH&ĐT đang phối hợp với các sở, ngành làm việc với nhà đầu tư rà soát các nội dung liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để tham mưu phương án xử lý phù hợp.
Nhiều ý kiến của người dân cho biết, tính đến nay, dự án đã “nằm bất động” hơn 13 năm gây ra sự lãng phí về tài nguyên đất và kéo theo nhiều hệ lụy. Dự án nằm trên địa bàn huyện Nam Đông, một huyện miền núi, nơi đời sống của người dân vẫn đang còn rất khó khăn, nhiều hộ dân vẫn thiếu đất sản xuất, canh tác.
Trước thực trạng này, chính quyền, người dân mong muốn nếu dự án khởi động thì cần sớm triển khai để tránh sự lãng phí về tài nguyên thiên nhiên và tạo điều kiện cho lao động địa phương có công ăn việc làm như đã hứa khi khởi công.