Nam Từ Liêm (Hà Nội): Cần xem xét bồi thường thỏa đáng cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án đường Lê Quang Đạo kéo dài
Người dân mong mỏi có chỗ ở ổn định
Vừa qua, Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn thư phản ánh của ông Bùi Lâm Tùng trú tại số 12, ngách 1/46, ngõ 129 phố Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội. Nội dung phản ánh liên quan tới phương án bồi thường, hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án đường Lê Quang Đạo kéo dài (đoạn từ Đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm đến vị trí ranh giới với khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông).
Cụ thể, từ năm 2013, ông Bùi Lâm Tùng cùng một số hộ dân xung quanh đã nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở của ngôi nhà cấp 4 tại thửa số 25, tờ bản đồ số 29 (có địa chỉ tại ngách 1, ngõ 129 phố Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) từ ông Nguyễn Đình Nguyên. Được biết, khu đất này có nguồn gốc do ông Nguyễn Đình Huấn (bố đẻ của ông Nguyên) khai hoang, phục hóa từ giai đoạn 1979 – 1980. Và sau đó ông Nguyên đã chia tách và chuyển nhượng cho nhiều người.
Từ khi nhận chuyển nhượng đến nay, ông Bùi Lâm Tùng cùng các hộ dân đã thực hiện đóng thuế theo quy định của pháp luật, xây dựng các công trình nhà ở, sinh hoạt, cải tạo đất, xây dựng đường đi lại, sử dụng ổn định và không có tranh chấp với bất kỳ ai. Khi kê khai và nộp thuế, toàn bộ đều ghi và nộp theo diện đất ở. Chính quyền địa phương và các cơ quan có thẩm quyền cũng cấp cho các hộ dân ở khu đất này tất cả những điều kiện cơ bản như một khu dân cư trong thành phố gồm: cấp cho số nhà, cấp hệ thống điện, nước, đèn đường, dịch vụ vệ sinh...
Ngày 21/10/2022, các hộ dân tại đây nhận được Thông báo số 1818/TB-UBND của UBND quận Nam Từ Liêm về việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài (đoạn từ Đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm đến vị trí ranh giới với khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông) trên địa bàn phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội. Khi nhận được thông báo này các hộ dân vẫn rất nghiêm chỉnh chấp hành các quy định và mong chờ một sự đền bù thỏa đáng để có thể ổn định cuộc sống mới.
Ông Bùi Lâm Tùng cho biết: Qua nhiều lần họp lấy ý kiến người dân về phương án đền bù giải phóng mặt bằng, các cơ quan có thẩm quyền đều cho rằng, đất mà chúng tôi đang ở thuộc loại đất bằng chưa sử dụng (đất bãi sông), không đủ điều kiện để đền bù mà không xem xét, lấy ý kiến của chúng tôi về lịch sử hình thành, sử dụng đất, cũng như thực trạng sử dụng trong suốt thời gian chúng tôi sinh sống. Các hộ gia đình tại đây đã được cấp số nhà, điện nước, đèn đường, dịch vụ vệ sinh môi trường đặc biệt đất thuộc diện đóng thuế, thuế đất được ghi rõ trong các giấy tờ thu là “Thuế đất ở đô thị”. Trong phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để làm dự án, các hộ dân chỉ được nhận 1 khoản hỗ trợ ít ỏi. Trong đó, hộ gia đình tôi (hộ ông Tùng – PV) sẽ nhận 15.990.980 đồng, các hộ dân khác cũng được nhận số tiền tương tự hoặc ít hơn, thậm chí có hộ chỉ hơn 1.000.000 đồng.
Sau khi nhận được phản ánh, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có buổi tiếp xúc với các hộ dân để tìm hiểu về sự việc. Khi được hỏi về nguyện vọng của các hộ dân nơi đây, ông Bùi Lâm Tùng chia sẻ: Những hộ dân tại đây đều có hoàn cảnh khó khăn, gom góp hết tiền bạc để có được một chỗ ở nhỏ sinh sống tại đây hơn 10 năm nay. Khi có dự án, chúng tôi sẵn sàng chấp hành để cùng chung tay, góp sức, xây dựng với Nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, các hộ gia đình ở đây, có cả người già lẫn trẻ nhỏ, mong mỏi cơ quan có thẩm quyền có những chính sách bồi thường thỏa đáng để chúng tôi còn có cơ hội sớm ổn định cuộc sống mới.
Cũng thuộc các hộ dân bị thu hồi đất, ông Nguyễn Văn Võ bộc bạch: Năm 2012, tôi được chuyển nhượng đất từ ông Nguyên với diện tích 39,8m2. Chúng tôi ở đây có nhiều nhân khẩu sinh sống ổn định từ lâu, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ công dân. Sắp tới Nhà nước thu hồi đất thì chúng tôi cũng không có nơi ăn, chốn ở. Đối với Nhà nước thì đó chỉ là một mảnh đất nhỏ, nhưng đối với chúng tôi, mấy chục mét vuông đất này là cả một cuộc sống, cả một gánh nặng gia đình đang nặng trĩu trên vai. Vì thế, xin chính quyền địa phương, cơ quan các cấp tạo điều kiện cho chúng tôi có một chỗ ở để ổn định cuộc sống.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, ông Đặng Quốc Hùng – Phó Chủ tịch UBND phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) cho biết: Việc xác minh nguồn gốc đất là căn cứ vào hồ sơ địa chính của UBND phường. Trong hồ sơ địa chính năm 1994, khu vực nói trên là đất bằng chưa sử dụng do ông Nguyễn Đình Huấn khai hoang, phục hóa, tự sử dụng để làm vườn và trồng cây cối, hoa màu từ những năm 1970. Nhưng khi Nhà nước có chính sách kê khai vào hồ sơ địa chính năm 1994, thì ông Huấn sợ phải nộp thuế nên không kê khai số diện tích đất này. Chính vì thế, hồ sơ địa chính thể hiện khu vực này là đất bằng chưa sử dụng. Nên bản chất đó là đất công do UBND phường quản lý và các hộ dân mua đất của ông Huấn tại khu vực này sẽ không được bồi thường về đất. Còn tài sản trên đất như công trình xây dựng, cây cối, hoa màu thì sẽ được bồi thường căn cứ theo quy định của UBND Thành phố Hà Nội.
Cũng theo ông Đặng Quốc Hùng, sau khi UBND phường tuyên truyền vận động, các hộ dân này cũng rất ủng hộ và tạo điều kiện để đơn vị thi công dự án đưa máy móc vào thi công một số hạng mục. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn tiếp tục gửi đơn thư để các cấp xem xét, hỗ trợ, tạo điều kiện để có chỗ ở mới ổn định. “Về vấn đề này, tôi cũng đã có ý kiến lên UBND quận Nam Từ Liêm xem xét báo cáo Thành phố có cơ chế giúp cho những hộ dân tại khu vực này được mua dự án nhà ở xã hội” – Ông Hùng nhấn mạnh.
Luật sư cho rằng, đủ điều kiện bồi thường về đất?
Theo luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang – Trưởng Văn phòng luật sư Trang Nguyễn, trước ngày 27/11/2017, đất khai hoang được quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 52/2014/TT-BNNPTNT như sau: "Đất khai hoang là đất đang để hoang hóa, đất khác đã quy hoạch cho sản xuất nông nghiệp được cấp có thêm quyền phê duyệt." Đây là một định nghĩa để có thể tham khảo về quy định đất khai khoang. Có thể hiểu đất khai hoang là đất hộ gia đình, cá nhân khai phá phần đất đang để hoang hóa mà chưa được Nhà nước tiến hành giao quyền sử dụng đất cho cá nhân, hộ gia đình hay tổ chức nào khác sử dụng. Do đó, tại thời điểm mà cá nhân, hộ gia đình vào khai phá để canh tác thì thực tế phần đất đó chưa thuộc quyền sử dụng của bất kể ai.
Thực tế, đất khai hoang là đất sử dụng không có giấy tờ theo Điều 100 Luật đất đai năm 2013 và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật đất đai. Và việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với đất khai hoang không có giấy tờ căn cứ theo Điều 101 Luật đất đai năm 2013 và hướng dẫn bởi các Điều 20,21,22 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như sau: Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (công nhận quyền sử dụng đất) cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định từ trước ngày 01/7/2004 mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật đất đai năm 2013, Điều 18 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP và không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 101 Luật đất đai năm 2013: Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định vào mục đích thuộc nhóm đất nông nghiệp từ trước ngày 01/7/2004, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp thì được công nhận quyền sử dụng đất.
Như vậy, xét nguồn gốc là đất khai hoang, phục hóa, mục đích làm vườn từ trước 15/10/1993, các hộ sử dụng ổn định, lâu dài, không có tranh chấp trước 01/7/2004, và trước khi có quy hoạch xây dựng tuyến đường Lê Quang Đạo kéo dài. Vì vậy, khu đất này của các hộ gia đình nói trên vẫn đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang cũng nhận định: Tại khoản 1, Điều 75 Luật đất đai năm 2013 quy định Điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng: “Hộ gia đình, cá nhân dụng sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp" thì đủ diều kiện được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Như vậy, mảnh đất của gia đình ông Bùi Lâm Tùng, cũng như các hộ trong ngõ 129 phố Đại Linh, tổ dân phố 18 phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đủ điều kiện được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Việc UBND quận Nam Từ Liêm ra phương án bồi thường, hỗ trợ chi tiết, căn cứ vào Khoản 1, Điều 75 và Khoản 4, Điều 82, Luật đất đai 2013 để khẳng định đất không đủ điều kiện bồi thường là trái quy định pháp luật.
Với những căn cứ trên, mong rằng các cơ quan chức năng có liên quan xem xét, tìm phương án bồi thường thỏa đáng cho người dân, giúp các hộ gia đình ổn định cuộc sống.